COP15: Thúc đẩy các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/12/2022 | 4:45:49 PM

QLMT - Các nhà lãnh đạo môi trường trên khắp thế giới sẽ tập trung ở Montreal (Canada) nhằm đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ các hệ sinh thái đất và biển trên thế giới đồng thời huy động hàng chục tỷ USD để tài trợ cho những nỗ lực bảo tồn này

Theo AP News, các đại biểu đến từ khoảng 190 quốc gia sẽ tham dự Hội nghị đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc (COP15) tại Canada từ 7-9/12 nhằm hoàn thiện khuôn khổ bảo vệ Trái đất cho đến năm 2030. Hiện tại 17% diện tích đất liền và 10% diện tích biển đang nỗ lực được bảo vệ.

Khung đề xuất của hội nghị kêu gọi giảm 50% tỷ lệ du nhập của các loài xâm lấn, cắt giảm 1/2 việc sử dụng thuốc trừ sâu và loại bỏ việc xả rác thải nhựa. Các mục tiêu tham vọng hơn có thể không được đáp ứng nhanh chóng nhưng khả năng sẽ là tâm điểm của cuộc tranh luận tại cuộc họp. Trong khi đó, về vấn đề tài chính, các nước đang phát triển đang thúc đẩy các cam kết lớn từ các nước giàu trước khi ký kết bất kỳ thỏa thuận nào.

Dự thảo kêu gọi huy động 200 tỷ USD (1% GDP) của thế giới để bảo tồn hệ sinh thái vào năm 2030.



Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Bà Elizabeth Maruma Mrema, Thư ký điều hành của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học cho biết: "Thế giới đang cần phải thay đổi và Chính phủ các nước cần tìm cách hàn gắn mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên và hành tinh này. Tình trạng đa dạng sinh học hiện nay rất nghiêm trọng khi mức độ suy giảm đa dạng sinh học lên tới mức chưa từng có trong lịch sử của chúng ta."

Hội nghị lần này diễn ra chưa đầy một tháng sau khi các quốc gia tập hợp lại để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Tại sự kiện này, lần đầu tiên các bên tham gia nhất trí bồi thường cho các nước nghèo về thiệt hại do Trái Đất nóng lên. Biến đổi khí hậu gây ra nguy cơ mất môi trường sống, ô nhiễm và hạn chế phát triển đã cản trở đa dạng sinh học của thế giới. Một ước tính từ năm 2019 cho biết, khoảng 1 triệu loài thực vật và động vật sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng chỉ trong vòng vài thập kỷ, tỷ lệ thiệt hại cao gấp 1000 lần so với dự kiến.

Robert Watson, người chủ trì các hoạt động của Liên Hợp Quốc trước đây cho biết: "Rõ ràng chúng ta đang mất đi sự đa dạng sinh học trên khắp thế giới. Các hệ sinh thái của chúng ta, bao gồm rừng, đồng cỏ, vùng đất ngập nước, rạn san hô đều đang xuống cấp. Chúng ta đang mất đi một số loài động thực vật; một số sắp tuyệt chủng và một số khác có số lượng thậm chí còn giảm đi 1/2. Chúng ta đang mất đi sự đa dạng di truyền trong các loài, gây ra ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học."

Brian O'Donnell, Giám đốc của nhóm bảo tồn Chiến dịch vì thiên nhiên lưu ý rằng ông từng được sống trong giai đoạn khí hậu ổn định với sự phong phú của tự nhiên nhưng ông lo sợ thế hệ con gái của ông sẽ không thể có những trải nghiệm môi trường như vậy.

Ông chia sẻ: "Chúng ta phải đặt ra câu hỏi liệu có thể duy trì hoạt động tự nhiên tốt trong bao lâu? Chúng ta có thể hưởng lợi những gì thiên nhiên ban tặng cho con người như chống bão, ô nhiễm môi trường, nước sạch, thực phẩm và động vật hoang dã phong phú? Hay thế giới có thể phải đối mặt với tàn dư của hệ thống tự nhiên thịnh vượng một thời ?"

Mặc dù, các cuộc họp đều nỗ lực thuyết phục chính phủ các nước nên hành động nhanh chóng để bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học cũng như tuân thủ các cam kết của mình nhưng hầu như các nước đang phát triển đều gặp khó khăn khi giải quyết vấn đề khí hậu.

Chính phủ các nước từng đưa ra một loạt mục tiêu vào năm 2010 nhưng chỉ có 6 trong số 20 mục tiêu được đáp ứng một phần trước thời hạn vào năm 2020. Một số chuyên gia cho rằng các đại biểu nên tìm hiểu lý do tại sao thế giới không đạt được mục tiêu như vậy thay vì đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn.

Susan Lieberman, Phó Chủ tịch chính sách quốc tế của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã cho rằng cho đến nay vẫn chưa có "đủ trách nhiệm giải trình và giám sát" các mục tiêu. Điều thực sự quan trọng là phải thiết lập khuôn khổ giám sát. Các quốc gia cần báo cáo, cần phải có trách nhiệm giải trình và các mục tiêu cần phải rõ ràng để chính phủ các nước có thể giám sát và báo cáo đầy đủ.

Trong khi đó, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Monica Medina nhận định thế giới chưa đặt ra một mức giá đầy đủ cho thiên nhiên. Bà nói:  "Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ về thiên nhiên. Những thứ mà chúng ta coi là hiển nhiên thì chúng đều không phải là điều miễn phí. Điều chúng ta cần phải tính đến là giá trị của chúng cũng như sự mất mát của chúng.”

An Đông


Tags COP15 Thúc đẩy Biện pháp bảo tồn Đa dạng sinh học

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục