Tiếp nối thành công trong 7 năm qua, Chương trình "Môi trường sạch-Cuộc sống xanh” tiếp tục được phát động mở rộng tại bốn địa phương: Lâm Đồng, An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Khi tham gia chương trình, bà con nông dân sẽ thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng bị vứt trên đồng ruộng, trong các vườn cây ăn quả và những nơi công cộng… để mang đến các điểm quy đổi ở 4 tỉnh, thành phố và đổi lấy những phần quà thiết thực.
Tất cả các vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật thu được sẽ tập kết và xử lý theo đúng tiêu chuẩn về an toàn, sức khỏe và môi trường của Tập đoàn Syngenta toàn cầu.
Tại Lễ phát động, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Syngenta Trần Thanh Vũ cho biết: "Kể từ năm 2015 đến nay, chiến dịch "Môi trường sạch-Cuộc sống xanh” đã được chúng tôi triển khai thường niên nhằm nâng cao nhận thức của bà con nông dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và có trách nhiệm, đồng thời giúp thu gom và xử lý chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị vứt trên đồng ruộng, góp phần bảo vệ sức khỏe của bà con và xây dựng môi trường nông thôn sạch đẹp.
Bà con mang vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng đến quy đổi lấy các phần quà thiết thực
"Môi trường sạch-Cuộc sống xanh” là một phần của Chương trình Phát triển bền vững mà Tập đoàn Syngenta triển khai từ năm 2020. Với chương trình này, chúng tôi mong muốn tạo lập ý thức bảo vệ môi trường của bà con thông qua những việc làm nhỏ nhưng hết sức thiết thực vì sức khỏe của chính bản thân người nông dân, gia đình và cộng đồng chung quanh. Đồng thời, Syngenta và chính quyền địa phương sẽ cùng nhau tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nông dân cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, thực hiện cam kết bảo vệ môi trường xanh, phát triển bền vững.
Đến nay, Syngenta Việt Nam đã tổ chức tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả cho cho hơn 15.000 nông dân, hơn 80 tấn vỏ bao gói thuốc được thu gom và tiêu hủy; chiến dịch đã được phát động trên 15 huyện/tỉnh, thành phố trên cả nước; qua đó giúp nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng” để quản lý sâu bệnh hiệu quả, nhưng vẫn bảo đảm an toàn về sức khỏe, môi trường, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ xuất khẩu.
Theo ông Hà Ngọc Chiến, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng với gần 50% cơ cấu kinh tế của tỉnh; trong đó, lĩnh vực trồng trọt chiếm trên 80% mảng nông nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 300 nghìn ha đất nông nghiệp, đặc biệt diện tích canh tác công nghệ cao của tỉnh này đang dẫn đầu cả nước với 65.308ha.
Bên cạnh những hiệu quả mang lại của phát triển nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng, các rác thải trong sản xuất như phụ phẩm cây trồng, bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, màng phủ… chưa được thu gom và xử lý triệt để.
Ông Chiến cũng cho biết, theo thống kê mỗi năm lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên toàn tỉnh ước tính lên đến 200 tấn, để quản lý việc này, UBND tỉnh đã ban hành một kế hoạch riêng (Kế hoạch số 3825/KH-UBND ngày 19/6/2017) để thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.
Ngay trong sáng phát động chiến dịch "Môi trường sạch-Cuộc sống xanh", hàng trăm nông dân xã Tu Tra (huyện Đơn Dương) đã tập trung thu gom các loại rác thải là bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn để đổi lấy nhiều phần quà hấp dẫn.
Tuấn Anh