PGS.TS Lê Bắc Huỳnh cho biết, tài nguyên nước của Việt Nam là hữu hạn trước nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao về số lượng và chất lượng nước cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, duy trì bền vững các hệ sinh thái, nên đã xuất hiện ngày càng nhiều những bất cập trong bảo đảm nguồn nước cho phát triển bền vững. Trong khi đó, tài nguyên nước của nước ta đang và sẽ chịu tác động mạnh và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu (BĐKH); mặt khác, có tới hơn 63% tổng lượng nước đến nước ta được hình thành trên phần lưu vực sông thuộc lãnh thổ các nước lân cận; nguồn nước đang suy thoái; ở một số lưu vực, khu vực nguồn nước còn có biểu hiện ô nhiễm, cạn kiệt; việc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng thường chưa hợp lý, hiệu quả…;
Bộ TN&MT đề xuất bổ sung 1 Chương về bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Cụ thể, các chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia sẽ được nghiên cứu gồm các cơ chế, chính sách liên quan điều hòa phân bổ tài nguyên nước trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng; điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước theo hiệu quả sử dụng nước; quy định các cơ chế tài chính liên quan đến việc huy động tham gia điều tiết, cấp nước cho các mục đích sử dụng của các hồ chứa trên các lưu vực.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Báo TNMT)
Vấn đề bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia được đặt ra khá cụ thể trong một số Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhưng đến nay, chưa được quy định cụ thể trong Luật (bao gồm định nghĩa, nội hàm, phương thức, tổ chức thực hiện, chỉ số an ninh nước...) trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang chịu nhiều thách thức và rủi ro như phụ thuộc lớn vào khai thác, sử dụng nước ở nước ngoài; tài nguyên nước phân bố không đều theo lãnh thổ, thời gian; tác động của BĐKH dẫn đến nhiều hiện tượng cực đoan về nguồn nước; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khá phổ biến; mâu thuẫn sử dụng nước giữa các vùng ngay trên một lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn, vệ sinh chưa cao; hiệu quả sử dụng nước còn khá thấp,… Đặc biệt, bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt, đời sống đã và đang là vấn đề lớn hiện nay, đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết, nâng cao tính chủ động về nguồn nước, bảo đảm an toàn cấp nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của nhân dân ở mức cao nhất trong mọi tình huống, nhất là đối với các thành phố lớn, như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...
Những năm gần đây, phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đang ngày càng đòi hỏi cao hơn về việc bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nước. Ở một số khu vực, trong những thời gian nhất định, việc bảo đảm nguồn nước cho phát triển bền vững có khi bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ mất an ninh về nước. Vấn đề bảo đảm an ninh về nước của quốc gia đang ngày càng cấp bách và đã được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Đến nay, theo nhận xét của một số cơ quan chức năng và các chuyên gia, pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng về "an ninh nguồn nước”, còn thiếu khung pháp lý được xây dựng theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, đa ngành cho an ninh nguồn nước tuy ở đâu đó, nội hàm và trách nhiệm quản lý về an ninh nguồn nước đã được quy định đơn lẻ trong một số văn bản pháp luật dù quy định vẫn còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa có định hướng, mục tiêu tổng hợp chung cho quản lý an ninh nguồn nước.
Bảo đảm an ninh nước quốc gia là vấn đề mới, nhưng với nhận thức tiến bộ hiện nay của lãnh đạo, của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, chúng ta chắc chắn sẽ xây dựng được một khung pháp lý cho "an ninh tài nguyên nước” trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức; luật hóa cụ thể được những nội dung của "an ninh nước” quốc gia và có những giải pháp phù hợp để bảo đảm được an ninh về nước cho phát triển bền vững.
Cũng cần nói thêm, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, khai thác và sử dụng nước hiệu quả, hợp lý thì ngoài việc nghiên cứu, rà soát những tồn tại, bất cập của Luật Tài nguyên nước năm 2012, việc tiếp tục tham khảo và tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, các nước có điều kiện tương đồng trên thế giới, như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Úc, Nam Phi, Hà Lan..., có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới trong việc quy định quản lý lưu vực sông, dòng sông, hành lang bảo vệ nguồn nước, không gian cho sông, vùng bổ cập nước dưới đất, phòng chống các hậu quả tác hại do nước gây ra, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; thúc đẩy phát triển tài chính, kinh tế nước; "Mọi người dân, mọi đối tượng sử dụng nước được tiếp cận và sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt, sản xuất với chi phí hợp lý; phân công, phân cấp hợp lý trong quản lý, bảo vệ, khai thác, phát triển nguồn nước; bảo đảm được an ninh nguồn nước, công bằng và cùng có lợi trong tiếp cận nguồn nước, xem quyền tiếp cận nguồn nước là một trong những quyền cơ bản của mọi người dân.” - PGS. TS Lê Bắc Huỳnh nói.
Thiên Trường
Báo TNMT