Lợi ích "kép” của tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích
Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao và xếp vị trí thứ 16 trên thế giới. Đa dạng sinh học của Việt Nam thể hiện ở đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Đa dạng sinh học đóng vai trò vô cùng to lớn đối với cuộc sống của con người và phát triển bền vững.
Ứng dụng công nghệ sinh học để biến các nguồ́n gen coá giaá trị kinh tế thành sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường
Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích được xem là một trong những giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào sử dụng bền vững nguồn gen và phát triển sinh kế cho cộng đồng. Trong khuôn khổ Dự án "Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án ABS), mô hình hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích được triển khai thí điểm thành công tại khu vực xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Thông qua đó, dự án ABS đã hỗ trợ người dân tại xã Tả Phìn xây dựng hương ước cộng đồng và triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn gen, tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân cũng như nguồn cung cấp nguyên liệu cho các thỏa thuận ABS. Đồng thời, dự án cũng hỗ trợ các hộ dân trồng các loại cây thuốc dưới tán rừng và chuyển đổi đất trồng ngô, hoa màu sang trồng cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao.
Để đảm bảo việc sử dụng bền vững nguồn gen cây thuốc, dự án đã phối hợp với đơn vị tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp cộng đồng tại xã Tả Phìn nghiên cứu và phát triển sản phẩm xoa bóp dựa trên tri thức truyền thống về sử dụng cây thuốc giảm đau của người Dao và người Mông. Các lợi ích thu được từ việc thương mại hóa sản phẩm xoa bóp này sẽ được doanh nghiệp cam kết chia sẻ cho bên cung cấp nguồn gen cây thuốc, người dân cộng đồng địa phương và các bên liên quan.
Theo thống kê, đến nay, có 100 bài thuốc nam của các nghệ nhân và cộng đồng trên địa bàn xã Tả Phìn được tư liệu hóa; 1 sản phẩm thuốc xoa bóp giảm đau được nghiên cứu, phát triển; 1 cơ sở dữ liệu về nguồn gen và tri thức truyền thống của tỉnh Lào Cai đã được xây dựng và duy trì vận hành.
Mô hình thí điểm về ABS được triển khai không chỉ góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên mà còn đem lại nhiều cơ hội phát triển cho người dân địa phương dựa trên chính tri thức truyền thống do họ nắm giữ. Đây được coi là giải pháp giúp con người sống hài hòa với thiên nhiên, tạo nguồn sinh kế bền vững, góp phần cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
Cần đưa tri thức truyền thống vào bảo vệ, phát triển nguồn gen
Nhằm tăng cường công tác quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn triển khai tại Việt Nam thời gian qua, theo TS. Phạm Anh Cường - Viện Phát triển tài nguyên và Môi trường, Việt Nam cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống chính sách về đa dạng sinh học và tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Trong đó, có chính sách nâng cao nhận thức, giáo dục và đào tạo; các chính sách góp phần sử dụng tri thức truyền thống vào việc bảo vệ, phát triển và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, động viên, khen thưởng, công nhận các danh hiệu đối với những người lưu giữ nhiều giá trị tri thức truyền thống của người dân bản địa; Thực hiện các sáng kiến về chính sách và cơ chế khuyến khích thay đổi hành vi.
Đến nay, sau 5 năm triển khai Nghị định 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen, các bộ, ngành đã cấp 10 giấy phép tiếp cận nguồn gen, trong đó, Bộ TN&MT đã cấp 3 giấy phép tiếp cận nguồn gen vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại, 6 giấy phép không vì mục đích thương mại và ban hành hơn 70 quyết định cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ việc học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại. Bộ NN&PTNT đã cấp 2 giấy phép vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại.
Đặc biệt, cần xem xét ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính trong tiếp nhận và chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen; cơ chế tài chính cho việc bảo vệ và sử dụng tri thức truyền thống gắn với nguồn gen được sử dụng; bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống nhằm bảo hộ các quyền kinh tế và quyền tinh thần của những người nắm giữ tri thức truyền thống.
Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm quản lý đa dạng sinh học, nguồn gen và tri thức truyền thống; xem xét, ủy quyền thực hiện một số hoạt động quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích cho các cơ quan nghiên cứu có đủ năng lực. Thiết lập các điểm kiểm tra/kiểm soát là các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò, chức năng liên quan như các cơ quan hải quan, cơ quan cấp bằng sáng chế để theo dõi giám sát hiệu quả việc sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen.
Theo Hoàng Ngân/Báo Tn&MT