Nông nghiệp sinh thái là gì?
Nông nghiệp sinh thái là phương thức canh tác chỉ sử dụng các tài nguyên sẵn có trong tự nhiên. Là phương thức ngăn ngừa sâu bệnh nhưng vẫn đảm bảo độ phì nhiêu cho đất. Nông nghiệp sinh thái hoàn toàn không sử dụng đến các loại hóa chất tổng hợp. Không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, kháng sinh hoặc bất kỳ sinh vật đã được biến đổi gen nào.
Bằng cơ chế đặc biệt này, mùa vụ có thể đạt sản lượng cao hơn, thu hoạch được nhiều thực phẩm tự nhiên lành mạnh và bổ dưỡng hơn. Đáng kể nhất là có thể giúp đạt được sự bền vững lớn hơn cho môi trường.
Ưu điểm của nông nghiệp sinh thái
Theo các chuyên gia nông nghiệp, chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái sẽ góp phần giúp Việt Nam đa dạng hóa cây trồng, nâng cao năng lực của nông dân trong việc đảm bảo an ninh lương thực, cung ứng sản phẩm an toàn thực phẩm và tăng cường đa dạng sinh học nông nghiệp, cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống sản xuất trước biến đổi khí hậu.
Các sản phẩm sinh thái không có chứa chất độc hại dai dẳng đến từ các loại thuốc như thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, phụ gia, chất bảo quản và nhiều sản phẩm được dùng để loại bỏ côn trùng, bảo vệ màu sắc sản phẩm... Thực phẩm sinh thái khi được dung nạp sẽ được đồng hóa chính xác mà không làm thay đổi chức năng trao đổi chất, giúp ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến vấn đề thoái hóa ở con người.
Sản phẩm nông nghiệp sinh thái sử dụng phân bón tự nhiên (từ động vật, thực vật), và không chứa các chất phụ gia tổng hợp nên khi sinh trưởng và thu hoạch sẽ có hàm lượng vitamin, khoáng chất thiết yếu, chất chống oxy hóa, carbohydrate và protein cao hơn, không gây ra các nguy cơ đối với sức khoẻ.
Việc không sử dụng các loại thuốc trừ sâu và phân bón tổng hợp... không làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động.
Cây trồng phát triển trên nền đất tốt và "khỏe mạnh” sẽ đạt được mức độ phát triển toàn diện, kháng bệnh tự nhiên. Bản thân cây trồng sẽ có được "hệ miễn dịch” tự thân mạnh mẽ, đẩy lùi tác nhân gây hại và tận dụng tối đa các nguồn lực từ đất, nước, ánh nắng mặt trời, từ đó giúp nâng cao sản lượng, tiết kiệm chi phí nuôi trồng.
Nông nghiệp sinh thái giúp bảo vệ môi trường và cân bằng hệ sinh thái. Dư lượng các chất hóa học, phụ gia từ các sản phẩm hỗ trợ canh tác truyền thống tích trữ nhiều năm tháng gây hại cho môi trường, làm mất đi độ cân bằng trong môi trường đất, nước, không khí,.... Đặc trưng cơ bản của nông nghiệp sinh thái chính là tôn trọng động vật hoang dã, các vi sinh vật trong môi trường tự nhiên, không tạo ra các chất thải gây ô nhiễm, giúp tiết kiệm năng lượng. Cho nên, nông nghiệp sinh thái chính là bảo tồn hạt giống cho tương lai.
Đó là những ưu điểm của nền nông nghiệp sinh thái mà canh tác truyền thống không thể tạo ra được. Người nông dân nên quan tâm tìm hiểu sâu hơn và kỹ lưỡng hơn về hình thức nuôi trồng cấp tiến này để gia tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Nông nghiệp sinh thái có nhiều ưu điểm mà canh tác truyền thống không có. Ảnh minh hoạ: ITN
Hợp tác công tư thúc đẩy nông nghiệp sinh thái
Trong khuôn khổ Đối tác Phát triển Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (PSAV), ngày 20/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Nông nghiệp sinh thái: Giải pháp thiết thực giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững".
Diễn đàn nhằm mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu tái cơ cấu và thúc đẩy ngành nông nghiệp dựa trên chất lượng và giá trị để trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững cho toàn cầu.
Các chuyên gia khẳng định, sản xuất nông nghiệp cũng là một nguồn gây phát thải, tập trung ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất, sử dụng phân bón, quản lý đất..., trong đó, gần 70% phát thải CO2 đến từ các hoạt động trồng trọt.
Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng "0” (Net Zero) vào năm 2050, cùng với 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là cam kết tham gia sáng kiến Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, theo đó giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 và cam kết thực hiện "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.
Để thực hiện các cam kết này, tháng 1/2022, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ "Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” và đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Bộ NN&PTNT cũng đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Có thể nhận thấy chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đòi hỏi những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà từ cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.
Tham gia diễn đàn với vai trò là Đồng chủ trì PSAV, cũng như một doanh nghiệp tiên phong trong khối Tư, Nestlé Việt Nam bày tỏ mong muốn được đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan, ban ngành trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp sinh thái. Nestlé Việt Nam cũng chia sẻ những sáng kiến trong canh tác tái sinh, nhân rộng các mô hình thực hành tốt, hướng đến nền nông nghiệp xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các phương thức canh tác tái sinh quan trọng cần được thúc đẩy bao gồm tăng cường đa dạng sinh học, bảo tồn đất, tái tạo các chu trình nước và kết hợp chăn nuôi.
Bảo Ngọc