Giải bài toán môi trường trong chăn nuôi

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/10/2020 | 4:20:37 PM

QLMT - Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và hơn 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung.

I. Ô nhiễm nước từ hoạt động chăn nuôi

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn cùng chính sách dồn điền đổi thửa giúp cho kinh tế nông thôn tăng trưởng mạnh mẽ từ chính những mô hình vườn - ao - chuồng. Bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi với khẩu hiệu "ly nông bất ly hương”.

Nhưng bên cạnh những ưu việt của sự phát triển đó thì vùng nông thôn nói chung và vùng nông thôn ở các ven đô nói riêng đang phải đối mặt với thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hệ thống thoát nước, xử lý nước thải không được quy hoạch một cách bài bản, người dân lại thiếu kiến thức trong việc xử lý chất thải và không ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường nên xả thải một cách bừa bãi ra cống rãnh, ao hồ dẫn đến tình trạng những con mương vốn rất trong xanh thì nay trở nên đèn ngòm với đủ các loại chất thải và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chính điều này là nguyên nhân giảm sức đề kháng với vật nuôi, tỷ lệ mắc bệnh cho gia súc gia cầm tăng cao và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người nông dân.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và hơn 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó phổ biến là chăn nuôi lợn và gia cầm. Đây là ngành đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nhưng cũng đã và đang gây ra những áp lực nặng nề về môi trường. 

Mỗi năm khối lượng nguồn thải ra từ chăn nuôi là một con số khổng lồ, nhưng chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả, còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng phí và phần lớn thải ra môi trường gây ô nhiễm. 

Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi thải ra các ao hồ, sông suối làm ô nhiễm nguồn nước dẫn đến người dân bị các bệnh lây lan như dịch tả, bệnh ngoài da, bệnh hô hấp và đặc biệt là căn bệnh hiểm nghèo như ung thư. 

Nhiều giải pháp cũng được các nhà nghiên cứu đưa ra nhằm giảm tải ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở nông thôn như xây hầm Bioga, quy trình xử lý chất thải như: bể lắng - hầm biogas - ao sinh học, hầm biogas - ao sinh học và hầm biogas - thùng sục khí - ao sinh học, quy hoạch lại, đưa chăn nuôi ra xa đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, chăn nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường. 

Sử dụng kỹ thuật cho vào thức ăn và chất thải chăn nuôi các men, các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế khí độc hại và sinh vật có hại. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thân thiện với môi trường. Ủ phân bằng phương pháp sinh học che phủ kín, xử lý nước thải bằng cây thủy sinh, quy hoạch lại các hệ thống chuồng trại…

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người nông dân cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng; đồng thời cũng cần đưa ra các chế tài xử phạt nghiêm cho những chủ trang trại, người dân làm ô nhiễm môi trường. 

Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm 60%, chất thải từ chuồng trại trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Lời giải cho bài toán xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là một hệ thống giải pháp với sự chung tay của các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi.

II. Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi nhỏ lẻ

Gia đình ông Đặng Văn Mỳ, thôn Lưu Xá, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) thường xuyên nuôi 30-50 con lợn. "Do diện tích đất của gia đình chật chội nên nhà ở và chuồng trại chăn nuôi gần với nhau, không bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên hiện cũng không có cách nào khác bởi địa phương chưa quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư", ông Đặng Văn Mỳ nói.

Còn ông Nguyễn Gia Hùng, thôn Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) nêu thực tế ở địa phương vẫn có nhiều hộ chăn nuôi trong khu dân cư nhưng chưa có hệ thống xử lý chất thải phù hợp nên ảnh hưởng tới môi trường sống của các hộ dân xung quanh. Trao đổi thêm về tình trạng này, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, cho biết: Hiện trên địa bàn xã vẫn còn hàng nghìn con lợn, bò chăn nuôi trong khu dân cư. Do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ không đủ kinh phí đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín nên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Hiện tại, Hà Nội có gần 155 nghìn con trâu, bò; 1,3 triệu con lợn; 38,9 triệu con gia cầm. Trong khi đó, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong chăn nuôi, ô nhiễm nước thải chủ yếu từ quá trình chăn nuôi lợn. Theo tính toán, chăn nuôi lợn thải ra môi trường khoảng 24 lít nước thải/con/ngày.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đỗ Quý Hùng nhận định: Hiện công tác thu gom chất thải chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các trang trại nằm xen kẽ trong khu dân cư có quỹ đất nhỏ hẹp, không đủ diện tích để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải…

III. Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

1. Chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư

Thực tế cho thấy, để phát triển chăn nuôi bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải pháp căn cơ nhất là chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, ứng dụng công nghệ xử lý sinh học... Bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) cho biết: Trang trại đã lấy chất thải từ hàng nghìn con lợn để nuôi trùn quế, lấy phân bón cho các vườn rau hữu cơ. Hiện, mỗi năm trang trại xử lý 30.000 tấn chất thải, cho sản lượng hơn 10.000 tấn phân trùm quế và 5.000 tấn sinh khối trùn giống. Bà Trương Kim Hoa đề xuất, thành phố hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ trùn quế để tạo chuỗi sản xuất, tiêu thụ ổn định.

Ở góc độ địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh thông tin: Trước mắt, để khắc phục ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong khu dân cư, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thời gian tới, Thanh Trì sẽ ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang các vùng chuyên canh rau và nuôi trồng thủy sản thay vì phát triển chăn nuôi.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho hay: Thực hiện chỉ đạo của thành phố, huyện đã đầu tư 2 khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại khu vực bãi Đáy, thôn La Thạch (xã Phương Đình) quy mô hơn 24,6ha và khu vực bãi Ngũ Châu (xã Trung Châu) quy mô 10,6ha. Bên cạnh đó, Đan Phượng đang xây dựng dự án chăn nuôi xa khu dân cư tại khu vực Trung Châu A (xã Trung Châu) với diện tích khoảng 50ha.

Về giải pháp tổng thể, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh, đối với các địa phương thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội, chính quyền cần có giải pháp sớm triển khai thực hiện. Với các địa phương khác cần tuyên truyền, vận động người dân không chăn nuôi trong khu dân cư; có cơ chế, tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, mở hướng làm ăn mới cho nông dân. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại không để ảnh hưởng đến môi trường, đời sống nhân dân; kiên quyết không cấp phép và xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp, trang trại không bảo đảm các biện pháp bảo vệ môi trường.

Thời điểm hiện tại, Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi ở 15 vùng chăn nuôi tập trung và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP. Đây cũng là giải pháp mang tính dài hạn để hướng đến mục tiêu kép là bảo đảm an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường.

2. Chăn nuôi vịt công nghệ cao

Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố chuyển từ chăn nuôi lợn sang nuôi gia cầm vì ít xảy ra dịch bệnh và giá cả ổn định. Đặc biệt, thời gian gần đây, chăn nuôi vịt theo hướng công nghệ cao được nông dân chú trọng bởi đây vừa là hướng làm giàu hiệu quả, vừa hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Doãn Nguyên ở xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ) cho biết: Từ năm 2017, gia đình ông chuyển sang nuôi vịt theo hướng công nghệ cao, với hình thức gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Qua thời gian nuôi theo phương pháp này cho thấy, vịt tăng trưởng tốt, chỉ sau 50 ngày cho trọng lượng 3,4-4kg/con (trong khi nuôi vịt theo cách truyền thống khoảng 100 ngày, trọng lượng đạt 1,8-2kg/con), giá bán dao động 35.000-45.000 đồng/kg. Mỗi năm, trang trại của gia đình ông Nguyên nuôi 5 lứa với tổng đàn 8.000 con/lứa, cho giá trị khoảng gần 1 tỷ đồng.

Còn theo bà Trần Thanh Huyền ở xã Thụy An (huyện Ba Vì), nếu trước đây nuôi vịt theo phương thức truyền thống thả đồng, vịt nuôi trong ao, kênh mương... thì nay đã khác, người chăn nuôi làm chủ kỹ thuật, sử dụng mặt bằng diện tích không quá lớn để đào ao chứa nước nên bảo đảm an toàn dịch bệnh. Trên diện tích 1.200m2, gia đình bà Huyền nuôi 10.000 con/lứa, mỗi năm nuôi 5 lứa, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Đặc biệt, vịt xuất chuồng đều được Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam thu mua ổn định.

Về hiệu quả của phương thức chăn nuôi vịt công nghệ cao, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 28 trang trại chăn nuôi vịt công nghệ cao, quy mô 5.000-10.000 con/trang trại. Tuy nhiên, chăn nuôi vịt công nghệ cao còn một số khó khăn như: Nông dân phải đầu tư vốn khá lớn cho xây dựng chuồng trại, bảo đảm nguồn điện ổn định; đặc biệt phải thực hiện nghiêm quy trình về chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng theo hướng nuôi công nghiệp (thức ăn chế biến công nghiệp) kết hợp bảo đảm vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh nghiêm ngặt, đúng quy định về tiêm vắc xin. Ngoài ra, chăn nuôi theo phương thức này không thể tận dụng thức ăn dư thừa trong sản xuất nông nghiệp như phương thức chăn nuôi truyền thống...

Để mở rộng mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao trên địa bàn thành phố, theo ông Nguyễn Tú Nam - Phó Tổng Giám đốc quản lý bộ phận chăn nuôi gia công miền Bắc thuộc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, hiện nay, các hộ chăn nuôi vịt công nghệ cao được công ty hỗ trợ kỹ thuật, giống và tiêu thụ sản phẩm. Phương thức hợp tác này giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư để có sản phẩm an toàn. Dự kiến, thời gian tới, công ty tiếp tục hợp tác với các hộ dân để mở rộng sản xuất, nhất là tại các huyện có điều kiện phát triển chăn nuôi quy mô lớn như: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa…

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, Chi cục đã và đang tăng cường công tác quản lý, định hướng cho các hộ chăn nuôi bảo đảm phát triển chăn nuôi vịt đúng hướng. Cùng với đó, Chi cục tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn điều kiện, quy trình chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh; tập trung tuyên truyền, vận động để tăng số hộ đầu tư chăn nuôi vịt công nghệ cao, trong đó có các hộ chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi nhằm tận dụng hệ thống chuồng trại sẵn có; gắn kết với các công ty, cơ sở giết mổ, tiêu thụ sản phẩm... tạo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nhằm bảo đảm đầu ra hiệu quả cho vịt thương phẩm.

3. Huyện Ứng Hòa có 201 trang trại chăn nuôi, trồng trọt (HNM 09/10/2020)

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ứng Hòa có 201 trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Các mô hình kinh tế trang trại đã khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, vốn đầu tư, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tổng doanh thu từ các trang trại đạt gần 2.200 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trung bình 412 tỷ đồng/năm.

Để kinh tế trang trại tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, huyện Ứng Hòa tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng đã được quy hoạch sản xuất tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huyện phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho các chủ trang trại.

4. Tổ chức diễn đàn khuyến nông tại huyện Chương Mỹ

Sáng 8-10, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức Diễn đàn khuyến nông - liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Tham dự diễn đàn có hơn 300 nông dân, đại diện hợp tác xã sản xuất tiêu biểu trên địa bàn huyện cùng nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp.

Huyện Chương Mỹ hiện có hơn 680ha bưởi Diễn, 382ha sản xuất rau chuyên canh. Toàn huyện có 7 xã chăn nuôi lợn và gia cầm trọng điểm; 9 xã có khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư…

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã giải đáp nhiều câu hỏi về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó giúp cán bộ, hội viên nông dân, các chủ trang trại trên địa bàn huyện Chương Mỹ nắm rõ xu hướng, nh cầu thị trường sản phẩm nông nghiệp và định hướng liên kết tiêu thụ.

5. Đặc sản gà đồi Ba Vì (HNM 09/10/2020)

Huyện Ba Vì có diện tích rộng, địa hình đồi núi rất phù hợp để phát triển chăn nuôi gà đồi. Hiện nay, gà đồi Ba Vì đang được nuôi tại nhiều xã như: Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng… cung cấp nguồn gà thịt thương phẩm chất lượng cao cho thị trường. Năm 2019, sản phẩm gà đồi của HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì (thôn Cẩm An, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) đã được công nhận là sản phẩm 3 sao trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội. 

Ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì cho biết: Giống gà được nuôi ở Ba Vì chủ yếu là gà ri lai gà Mía. Gà trống có lông màu đỏ sẫm bóng mượt, xen màu đen ở cánh và đuôi, trọng lượng khi trưởng thành 2 - 2,2kg/con; gà mái có lông màu trắng đục hoặc pha màu nâu trắng, trọng lượng khi trưởng thành 1,5 - 1,7kg/con. Gà đồi Ba Vì có chất lượng thơm ngon bởi được nuôi thả tự nhiên trên diện tích rộng trong khu vực có khí hậu mát mẻ nên khỏe mạnh, thịt săn chắc. 

Hiện nay, HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì đang tiêu thụ gà cho toàn bộ hội viên trong Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì với tổng đàn 300.000 con/ lứa với giá bán 90 - 100.000đ/kg gà sống.

IV. Xây dựng liên kết chuỗi chăn nuôi tại Hà Nội là một hướng đi tất yếu để đảm bảo ATTP và phát triển chăn nuôi bền vững. 

1. Xây dựng và áp dụng triệt để: 

- Quy trình chăn nuôi
- Quy chế quản lý chất lượng sản phẩm tại các chuỗi

2. Hướng dẫn điều kiện và trình tự xây dựng: Cơ sở an toàn dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi tại các chuỗi. 

3. Kiểm chứng đánh giá chất lượng

4. Trang thiết bị, điều kiện chăn nuôi

5. Đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực

6. Truyền thông (có vai trò rất quan trọng trong các khâu)

Một số kết quả nổi bật về phát triển chăn nuôi:
- Đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung (Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ứng Hòa…)
- Một số giống có năng suất cao được cả nước biết đến tham quan học tập (Bò BBB, Wru…)
- Một số giống gà bản địa đang được phát huy hiệu quả gắn với liên kết chuỗi (gà đồi Sóc Sơn, Ba Vì, gà Mía…)
- Có tổng đàn gia súc gia cầm lớn đứng tốp đầu cả nước.
- Cung cấp nhiều giống gia súc, gia cầm cho các tỉnh, thành trong cả nước. Thu nhập của người chăn nuôi tăng cao.
- Không để dịch lớn xảy ra (trừ DTLCP mới xảy ra)
- Hình thành nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi hiệu quả.

Tác động của các tổ chức, hiệp hội, HTX trong xây dựng liên kết chuỗi:
- Đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật.
- Tổ chức sản xuất (rất quan trọng).
- Hỗ trợ lấy mẫu phân tích chất lượng sản phẩm.
- Đẩy mạnh sử dụng thịt mát, thịt cấp đông để đảm bảo ATTP
- Xây dựng các cửa hàng tiện ích nhằm nhân rộng sản phẩm và đảm bảo tính tiện lợi cho người tiêu dùng.
- Truy suất nguồn gốc sản phẩm.
- Tổ chức hội thảo, kết nối các tổ chức, cá nhân (nhà quản lý, nhà sản xuất, người tiêu dùng…)
- Triển lãm, giới thiệu sản phẩm.

Vai trò, hiệu quả của các tổ chức, hiệp hội, HTX trong liên kết chuỗi:
- Tạo ra lan tỏa cộng đồng đặc biệt với người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm từ các chuỗi.
- Nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi tham gia chuỗi (tiêu thụ ổn định, bền vững, có thị trường tiêu thụ…).
- Từng bước thay đổi thói quen người tiêu dùng (sử dụng thịt mát, thịt cấp đông để đảm bảo ATTP).
- Chức năng quản lý nhà nước được tăng cường trong tất cả các khâu. 
- Người tiêu dùng yên tâm sử dụng các sản phẩm tham gia chuỗi  vì đã có các bên tham gia quản lý và đảm bảo chất lượng sản phẩm lưu hành.
- Góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững tiến tới xuất khẩu sản phẩm động vật./.

PGS.TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội


Tags môi trường chăn nuôi Giải bài toán môi trường

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục