Quy định này áp dụng với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động theo quy định về khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược và có phát sinh chất thải rắn y tế…
UBND tỉnh yêu cầu, chất thải rắn y tế nguy hại phải được thu gom, phân loại riêng với chất thải rắn thông thường trước khi đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh. Phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định, không làm thất thoát chất thải ra bên ngoài.
Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn được xử lý tại cơ sở có chức năng xử lý hoặc được tập trung xử lý tại các cụm, hạn chế việc xử lý phân tán tại các cơ sở y tế. Chất thải rắn y tế thông thường phải được phân loại, thu gom riêng biệt với chất thải rắn y tế nguy hại và được quản lý như đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường trước khi đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh.
Việc thu gom chất thải lây nhiễm, cơ sở y tế quy định luồng đi, thời điểm thu gom phù hợp để hạn chế ảnh hưởng; dụng cụ thu gom bảo đảm kín; chất thải phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời; tần suất thu gom tối thiểu 1 lần/ngày.
Về phương thức xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, sẽ được xử lý theo mô hình Cụm cơ sở y tế tại 11 cụm theo địa giới hành chính. Trong đó, cụm xử lý số 1, đơn vị xử lý là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phong và Da liễu, phạm vi thực hiện cho các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phong và da liễu, Phục hồi chức năng, Đa khoa cuộc sống, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế thành phố…
10 cụm xử lý còn lại do Bệnh viện Đa khoa tại các huyện là đơn vị xử lý. Phạm vi xử lý là Bệnh viện Đa khoa các huyện, Trung tâm y tế huyện, các trạm y tế thuộc huyện và các phòng khám tư nhân trên địa bàn huyện. Riêng cụm số 4, Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu sẽ đảm nhiệm xử lý cho các cơ sở y tế của 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ.
Các cơ sở y tế không thuộc danh mục các cơ sở y tế theo mô hình cụm và đã đầu tư công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại thì tự xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trong khuôn viên cơ sở. Các cơ sở còn lại phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải rắn y tế nguy hại cho cơ sở thực hiện dịch vụ có hạng mục xử lý chất thải rắn y tế nguy hại.
UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế. Thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và thực hiện các quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai thực hiện Quy định thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải rắn y tế theo quy định.
Theo TN&MT