Đó là những nội dung Nghị quyết của HĐND tỉnh Bạc Liêu về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021 nhấn mạnh cần được đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhằm khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 52/BC-HĐND ngày 12.7.2022 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2016 - 2021; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Bạc Liêu Khóa X thống nhất với báo cáo kết quả giám sát.
Theo đó, các chỉ tiêu về môi trường đô thị, nông thôn được quan tâm và tổ chức thực hiện đạt kết quả, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt tăng dần qua từng năm; chất lượng nguồn nước được cải thiện đáng kể; việc đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải được quan tâm thực hiện; 100% cơ sở y tế công lập và các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thủy sản, doanh nghiệp trong khu công nghiệp có đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường theo quy định; môi trường khu vực đô thị, nông thôn được cải thiện; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, toàn tỉnh trong nhiều năm qua không xảy ra điểm "nóng” về ô nhiễm môi trường.
Cơ bản thống nhất với những hạn chế trong báo cáo của Đoàn giám sát, Nghị quyết của HĐND tỉnh Bạc Liêu đề nghị UBND tỉnh lưu ý một số vấn đề trọng tâm như: Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở một vài nơi (bãi chôn lấp rác tập trung thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, một số bãi rác nhỏ lẻ, tự phát trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, trung tâm các huyện, thị); tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt thấp; hệ thống xử lý nước thải của nhiều doanh nghiệp không vận hành thường xuyên, liên tục, còn tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; tình trạng các hộ nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh xả bùn thải, nước thải chưa qua xử lý ra sông gây ô nhiễm nguồn nước còn khá phổ biến, nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp môi trường còn thấp; việc xã hội hóa các loại hình dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt... chưa thực hiện được; công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm các hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả.
Để khắc phục những hạn chế, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, Nghị quyết HĐND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh những nội dung cần được đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt. Theo đó, UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các viện, trường... ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao các mô hình xử lý chất thải trong nông nghiệp phù hợp với quy mô nông hộ, nhất là chất thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và bao bì, gói thuốc vật tư nông nghiệp đã qua sử dụng.
Đoàn viên, thanh niên ra quân làm sạch môi trường. Ảnh minh họa
Cùng với đó, quan tâm dành nguồn lực đầu tư hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, nước thải theo quy hoạch được duyệt. Cân đối nguồn lực đầu tư các phương tiện chuyên dụng thu gom, vận chuyển rác thải, nhất là những phương tiện phù hợp với hạ tầng giao thông khu vực nông thôn; phương tiện, thiết bị kỹ thuật để kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng các lò đốt rác công nghệ cao để xử lý rác thải y tế cho 3 cụm: Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai và Trung tâm Y tế huyện Phước Long; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện công tác thu hút đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi.
UBND tỉnh cần cương quyết không điều chỉnh quy hoạch cục bộ đối với các khu dân cư, khu đô thị mới đang hình thành trong việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo dự án đầu tư được duyệt, nhằm giảm ô nhiễm nguồn nước tại địa bàn các khu dân cư, khu đô thị mới hình thành. Tăng cường thu hút đầu tư các dự án xử lý môi trường, phát triển công nghệ môi trường, các dự án phát triển kinh tế thân thiện với môi trường. Có chính sách phù hợp mời gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực môi trường. Tăng cường khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường, nhất là xã hội hóa các loại hình dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải.
Đối với UBND cấp huyện, cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị quản lý và thực hiện thu gom xử lý rác thải trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường; giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị, phản ánh các hành vi gây ô nhiễm môi trường theo thẩm quyền. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp "chây ỳ”, chậm khắc phục những vi phạm về công tác bảo vệ môi trường đã được các đoàn kiểm tra phát hiện và yêu cầu sửa chữa, khắc phục…
Dương Diễm (T/h)