Năng lượng tái tạo là xu hướng phát triển của thế giới. Việt Nam là nước có tiềm năng lớn phát triển ngành này. (Nguồn: Vneconomy)
Nhiều tiềm năng
Phát triển năng lượng xanh, còn gọi là năng lượng tái tạo, đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước.
Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là sự thay đổi về chính sách, cơ cấu, công nghệ từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống (như than, dầu, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo, bền vững (như gió, mặt trời, nước, sinh khối, hydro, nhiên liệu sinh học…).
Theo Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có công suất điện Mặt Trời được lắp đặt toàn diện nhất ở Đông Nam Á, với 16.500 MW được sản xuất vào năm 2020. Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng Mặt Trời cao nhất trên toàn cầu vào năm 2020.
Bên cạnh đó, khí hậu và địa hình của Việt Nam khiến năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, có triển vọng đầu tư đáng kể. Nguồn tài nguyên gió rộng lớn của Việt Nam có được là nhờ vào hình dạng địa lý dài và hẹp của đất nước với hơn 3.000 km đường bờ biển, bao gồm cả đồi và núi.
Theo WB, hơn 39% khu vực ở Việt Nam có tốc độ gió lớn hơn 6 mét/giây (m/s), tương đương công suất 512 GW. Việt Nam có tiềm năng lớn, với 8,6% diện tích đất, nước thích hợp cho các trang trại điện gió lớn.
Gần đây, Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của quang điện Mặt trời. Công suất điện Mặt trời tăng từ 86 MW vào năm 2018 lên khoảng 16.500 MW vào năm 2020. Đây được cho là bước khởi đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam khỏi than đá.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn điện này ở Việt Nam hiện nay vẫn còn chậm so với tốc độ tăng trưởng của ngành điện toàn cầu.
Trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách phát triển nguồn điện tái tạo, các nhà quản lý gặp phải nhiều khó khăn, thách thức về phương án sử dụng đất, nguồn vốn, đấu nối vào lưới điện quốc gia, giải tỏa công suất, về hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả kinh tế, về nguồn dự phòng, về cơ chế chính sách…
Gần đây, Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của quang điện Mặt trời. (Nguồn: Báo Đầu tư)
Cần sự quyết tâm rất lớn
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra năm 2021 tại Anh, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết của Việt Nam được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải nỗ lực vượt bậc để hiện thực hoá tham vọng này.
Theo nhận định của PGS.TS. Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam-Nhật Bản, để đạt được tham vọng nói trên, ba mục tiêu của chuyển dịch năng lượng Việt Nam cần lưu ý là đảm bảo an ninh năng lượng (cung cấp đủ điện và đạt chất lượng yêu cầu), cung cấp năng lượng với chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Tại Hội thảo trực tuyến "Châu Á: Châu lục Năng lượng tái tạo” diễn ra mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 7 khuyến nghị để phát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Cụ thể:
Thứ nhất, năng lượng tái tạo cần phải trở thành hàng hóa công cộng, phục vụ tất cả mọi người dân và mọi người dân đều có thể tiếp cận được và hưởng lợi từ phát triển năng lượng tái tạo và chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là những nhóm hoặc cộng đồng chịu ảnh hưởng do quá trình chuyển đổi năng lượng cần phải được hỗ trợ về sinh kế, đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp.
Thứ hai, cần thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong việc gỡ bỏ các rào cản, bao gồm các rào cản về quyền sở hữu trí tuệ, nhằm tăng cường chia sẻ kiến thức và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển.
Thứ ba, chính sách có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Do đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp ở từng quốc gia để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là từ khâu lập quy hoạch, đến cấp phép, quản lý và vận hành dự án phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ tư, đặt ra các mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo, đạt phát thải ròng bằng 0 và giảm ô nhiễm không khí trở thành tiêu chí để đưa ra quyết định đầu tư, phát triển các dự án năng lượng. Đặc biệt, cần có sự cam kết và tham gia trách nhiệm của hệ thống tài chính, bao gồm các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính, tín dụng thông qua việc điều chỉnh danh mục cho vay đầu tư theo hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Thứ năm, tăng cường đầu tư vào hệ thống truyền tải điện để tối đa hóa lợi ích của việc sản xuất năng lượng gió và mặt trời; đầu tư phát triển hạ tầng cần thiết nhằm đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ sạch như phương tiện giao thông chạy điện như ô tô điện, xe máy điện.
Thứ sáu, bên cạnh nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, phát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo, cần triển khai đồng bộ các giải pháp khác như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên có sức chống chịu trước biến đổi khí hậu để tăng cường khả năng thích ứng, lưu trữ carbon; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả tối đa tài nguyên trong khi vẫn có thể bảo tồn tài nguyên cho các thế hệ mai sau, triển khai các giải pháp công nghệ lưu trữ, chôn lấp carbon để góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0...
Thứ bảy, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tương xứng với tiềm năng của châu lục, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng các cơ quan thông tấn, báo chí trong khu vực. Chính các cơ quan thống tấn, báo chí, truyền thông sẽ góp phần lan tỏa thông điệp về tính cấp bách của việc chuyển đổi năng lượng, cũng như giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội do phát triển năng lượng tái tạo mang lại.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, muốn đạt mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 năm 2050 cần sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị.
Ông Vy nhấn mạnh: "Tính toán trên tất cả các phương án như đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đốt rác trực tiếp để không thải ra CO2, dùng các công nghệ hiện đại cho năng lượng thì yếu tố quan trọng hơn cả là phát triển năng lượng tái tạo và nguồn này phải chiếm từ 80-90% tổng công suất hệ thống. Có như vậy, Việt Nam mới có thể đạt được cam kết tại COP26".
Theo baoquocte.vn