Tăng cường kết nối thông tin và khoa học kỹ thuật trong quản lý rác thải nhựa đại dương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/7/2022 | 3:45:41 PM

QLMT - Ngày 14/7, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cùng Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), Tổ chức Bảo tồn đại dương đã phối hợp tổ chức Hội thảo Tăng cường kết nối thông tin và khoa học kỹ thuật hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động (KHHĐ) quốc gia về quản lý rác thải nhựa (RTN) đại dương đến 2030.

Đây là diễn đàn tăng cường kết nối, hợp tác, cập nhật thông tin để cùng tham gia, phối hợp thực hiện KHHĐ, thể hiện qua công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất giải pháp và thực hiện mô hình can thiệp trong tăng cường hiệu quả quản lý rác thải rắn, giảm RTN từ đất liền ra biển cũng như các nguồn rác thải trên biển. 

Các đại biểu tham dự hội thảo nói trên đã chia sẻ và thảo luận về chính sách, kế hoạch, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật của các quốc gia về quản lý RTN, RTN đại dương; Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống RTN đại dương; chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam; các phương pháp đánh giá RTN đã nghiên cứu và thực hiện; phương pháp nghiên cứu đánh giá hiện trạng ô nhiễm RTN ở khu vực ven sông, cửa sông ven biển và kết quả đã nghiên cứu tại Việt Nam; phương pháp đánh giá rác thải áp dụng quy trình đánh giá theo vòng tuần hoàn… 

Những kinh nghiệm triển khai KHHĐ quốc gia về quản lý RTN đại dương tại các địa phương; các sáng kiến, mô hình thực hành tốt trong quản lý RTN đại dương cũng được chia sẻ tại hội thảo như: Thúc đẩy tiếp cận kinh tế tuần hoàn đối với RTN theo mô hình đối tác công - tư; KHHĐ giảm tiêu thụ túi ni lông sử dụng một lần tại các nhà bán lẻ; kết quả và kinh nghiệm triển khai các mô hình/dự án từ Liên minh không rác tại Việt Nam; mô hình tích hợp giải pháp công nghệ và xã hội trong tăng cường hiệu quả quản lý RTN đại dương… 

Tăng cường kết nối thông tin và khoa học kỹ thuật trong quản lý rác thải nhựa đại dương
Ảnh minh hoạ. ITN

Hiện nay, ô nhiễm môi trường biển do RTN đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu, là một trong những mối đe dọa lớn nhất của đại dương thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế - xã hội tại các vùng biển, vùng bờ biển như du lịch, nghỉ dưỡng, đánh bắt cá, giao thông, môi trường, đa dạng sinh học… Đặc biệt, dưới tác động của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các quá trình chuyển hóa và những tác động khác, RTN sẽ chuyển hóa thành rác thải vi nhựa, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái và sức khỏe của con người. 

Tại Việt Nam, theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ TN&MT công bố, chỉ số tiêu thụ, sử dụng nhựa bình quân trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/người (năm 1990) lên 54 kg/người (năm 2018), trong đó trên 37% là sản phẩm bao bì và trên 29% là đồ nhựa gia dụng. 

Chính phủ Việt Nam đã chủ động tham gia cùng các nỗ lực chung để giải quyết vấn đề RTN. Đơn cử, năm 2017, Việt Nam đã chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. 

Đến năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canađa, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề RTN trên biển. 

Ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu ngăn ngừa, kiểm soát, giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương; 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt ở các tỉnh, thành phố ven biển được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam, năm 2019, với sự đồng hành, giúp đỡ của MCD, Tổ chức Bảo tồn Đại dương và các tổ chức quốc tế trong quá trình xây dựng, tham vấn, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt KHHĐ quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030. 

Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu RTN thông qua việc tổ chức các phong trào, KHHĐ của Bộ, ngành, địa phương, đồng thời, triển khai một số nghiên cứu cơ bản về RTN. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực tham gia vào đối thoại song phương, đa phương với Chính phủ các nước để thảo luận, đưa ra giải pháp tối ưu, xây dựng cơ chế tiềm năng… nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương thông qua việc triển khai Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021.

Hải Thanh (T/h)


Tags rác thải nhựa đại dương

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục