Ảnh minh họa
Nước sạch là tài nguyên quý giá, nhưng không phải là vô tận. Nước là cần thiết cho sự sống nhưng khi bị biến đổi, ô nhiễm có thể gây ra những hiểm họa khôn lường cho con người. Nước sạch không thể thiếu trong đời sống của con người, hàng ngày chúng ta sinh hoạt đều phải sử dụng nguồn nước sạch từ ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh,… Ngoài ra, việc sử dụng nước sạch trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để tạo ra các thực phẩm sạch cũng là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của con người.
Hiện nay, cấp nước an toàn khu vực nông thôn được nhà nước và nhân dân quan tâm. Việt Nam đã đạt được kết quả to lớn trong lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Sau 40 năm, từ khi được sự hỗ trợ của tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vào năm 1982, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 10% năm 1982) tăng lên gần 90% (2019), 51% sử dụng nước đạt QCVN02:2009/BYT. 44% dân số nông thôn (28,5 triệu người) được cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung, 56% dân số nông thôn (36,3 triệu người), sử dụng công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình.
Tại tỉnh Quảng Ninh, trong những năm qua, các cấp, ngành và địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉn đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 96,76% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 53,78% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam.
Tuy vậy, vẫn còn tình trạng nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, lưu lượng và chất lượng nước cung cấp không ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân… Để khắc phục, chấn chỉnh trong công tác quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản số 961/UBND-KT yêu cầu các sở, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; đề xuất giải pháp xử lý cụ thể đối với các công trình hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, các sở, ngành tập trung hướng dẫn đơn vị quản lý công trình tuân thủ quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch nông thôn, đặc biệt là việc lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung theo quy định của Bộ Y tế; thanh tra việc chấp hành, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về đo lường theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp xã, các đơn vị quản lý công trình thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn; thực hiện nghiêm chức năng xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; đồng thời chịu trách nhiệm về tình hình hoạt động bền vững của các công trình do UBND cấp xã quản lý.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các đơn vị quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung tuân thủ quy định về hoạt động dịch vụ cung cấp nước sạch nông thôn của Chính phủ; thực hiện đầy đủ việc thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch theo quy định và tuân thủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, thực hiện quy hoạch, đề án, dự án về cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn; quy định của pháp luật về quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung…
Tùng Ngân (T/h)