Gỡ dần những "điểm nóng”
Tình trạng rác thải rắn sinh hoạt tập kết bừa bãi trong khu dân cư và trên các tuyến đường trục chính, đường mòn Hồ Chí Minh đi qua huyện Hương Khê được xem "điểm nóng” về ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân trên địa bàn huyện chưa có khu xử lý chất thải rắn theo tiêu chuẩn, quy định, bãi rác tự phát đã quá tải, không thể tiếp tục sử dụng.
Sau gần mười năm triển khai đề án, tháng 3/2022, UBND huyện Hương Khê mới tổ chức lễ khởi công xây dựng khu xử lý chất thải rắn với tổng vốn đầu tư hơn 23 tỷ đồng. Theo đó, Dự án khu xử lý chất thải rắn tập trung có quy mô diện tích 1,41 ha, công suất xử lý 1 tấn/giờ, bao gồm các hạng mục như: Khu xây dựng công trình (gồm các hạng mục nhà trực, trạm cân, nhà điều hành, nhà phân loại rác và nhà đặt lò đốt, bể xử lý nước thải, bể nước, bơm nước, trạm biến áp, hàng rào bao quanh...).
Những năm qua Hà Tĩnh tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nóng về rác thải
Mặc dù dự án chưa hoàn thành nhưng bước đầu đã tạo chuyển biến rõ nét cho người dân đặc biệt khu vực thị trấn sau nhiều năm "khủng hoảng” với ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt. Theo tính toán của ngành chức năng, lượng rác thải trung bình năm, giai đoạn 2019 - 2033 tính riêng đơn vị thị trấn Hương Khê và 8 xã phụ cận (Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Hương Bình, Hương Thủy) khoảng 20,6 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Xuân Quyền, Trưởng Phòng TN&MT huyện Hương Khê cho biết: "Việc quy hoạch đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn trên địa bàn đã triển khai từ nhiều năm nay. Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận kết quả đánh giá tác động môi trường để triển khai xây dựng nhà máy. Hy vọng, với sự vào cuộc chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đảm bảo các điều kiện về môi trường thì dự án sớm được hoàn thành, đi vào hoạt động ”.
Rác thải ngập đường, chồng lấn trên đường QL ở thị trấn Hương Khê
Được công nhận là huyện biên giới đầu tiên đạt chuẩn huyện nông thôn mới, mỗi ngày toàn huyện Vũ Quang phát thải 14 tấn rác, ngoài số ít rác được phân loại xử lý tại nguồn thì phần lớn đang được xử lý tại bãi chôn lấp chính ở thị trấn Vũ Quang và xử lý cục bộ tại 4 trạm trung chuyển ở xã: Quang Thọ, Hương Minh, Đức Lĩnh và Ân Phú. Rác thải dồn ứ, xử lý chưa đạt tiêu chuẩn đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hơn một năm qua, triển khai thực hiện đề án xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt tại thôn Hương Hoà, xã Đức Hương, bãi rác ở thị trấn Vũ Quang (một trong những điểm tập kết rác thải tạm thời của huyện) trở nên quá tải, thành một trong những điểm nóng về ô nhiễm khiến người dân bức xúc, chính quyền quan tâm vào cuộc.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang, để giải quyết ô nhiễm môi trường, đặc biệt vấn đề rác thải cần phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhà máy. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ xử lý toàn bộ rác thải ở Vũ Quang, đồng thời đóng cửa các khu xử lý rác thải tạm thời, trạm trung chuyển để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn thời gian thi công nhưng đến nay dự án xử lý rác thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt trên địa bàn huyện Vũ Quang vẫn chưa được bàn giao. Được biết, đáp lại "tối hậu thư” của lãnh đạo huyện Vũ Quang, mới đây phía nhà thầu cam kết đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo đưa vào sử dụng trước tháng chín năm nay.
Nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài
Xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, đặc biệt việc khắc phục các "điểm nóng" về ô nhiễm là cả một hành trình cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách; Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiều phong trào xử lý rác thải nhờ đó mà ngày càng tạo được sự chuyển biến tích cực.
Nhiều bãi rác tạm trên địa bàn các huyện như Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê...đã quá tải, trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường
Số liệu thống kê từ các địa phương tại Hà Tĩnh cho thấy, năm 2021 lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh 716 tấn/ngày (đô thị 199,3 tấn/ngày chiếm 27,8%, nông thôn 516,7 tấn/ngày chiếm 72,2%). Lượng rác được thu gom, vận chuyển để xử lý 505,5 tấn/ngày, đạt 70,6% so với lượng phát sinh (ở nông thôn đạt 65,9%; đô thị đạt 82,7%).
Ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết: "Hà Tĩnh hiện có 12 khu xử lý rác thải đang hoạt động với các loại hình công nghệ (03 nhà máy, 04 bãi chôn lấp, 05 lò đốt độc lập), tổng công suất thiết kế là 669,25 tấn/ngày. Tuy nhiên, công suất thực tế chỉ đạt khoảng 371,6 tấn/ngày; chủ yếu là công nghệ đốt”.
Với yêu cầu công tác bảo vệ môi trường được đặt ra, đến năm 2025, Hà Tĩnh đặt quyết tâm đảm bảo xử lý tối thiểu 95% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn; đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại, xử lý tại nguồn giảm tối thiểu 35% rác thải cần đưa đi xử lý ở khu vực nông thôn, 10% ở đô thị.
Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt được triển khai trên địa bàn huyện Vũ Quang dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 9 năm nay
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét phê duyệt Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, đồng thời xử lý dứt điểm lượng rác thải tồn đọng tại các bãi chôn lấp, thu hút đầu tư hướng tới công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, có tính chiến lược lâu dài, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
"Hà Tĩnh khuyến khích đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn, đặc biệt là dự án tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án tại các vùng trọng điểm phát triển kinh tế trong tỉnh”, ông Phan Lam Sơn nhấn mạnh.
Theo Báo TN&MT