Phấn đấu đến năm 2030 cả nước có 15 khu Ramsar

  • Cập nhật: Thứ bảy, 14/5/2022 | 9:49:16 AM

QLMT - Chỉ thị số 1975/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030" đặt ra mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar); 70% các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vào năm 2030, số lượng các khu Ramsar sẽ tăng lên 15 khu.

Đồng thời, chỉ thị cũng đặt ra yêu cầu hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng; tăng diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng được bảo vệ trên toàn quốc.


 Hệ sinh thái đa dạng tại Vườn quốc gia Cát Tiên - Bàu Sấu. Ảnh: ITN

Bên cạnh đó, tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức điều tra, đánh giá, quản lý, quan trắc, giám sát theo quy định; tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước; Phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; Các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng được áp dụng tại khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar…

Để đạt những mục tiêu này, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan phải hoàn thiện các văn bản chính sách, pháp luật về quản lý các vùng đất ngập nước. Trong đó tập trung xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên toàn quốc; Xây dựng tài liệu hướng dẫn cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tại các vùng đất ngập nước quan trọng; Xây dựng cơ chế kiểm soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các hoạt động có ảnh hưởng tiêu cực đến các vùng đất ngập nước quan trọng.

Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý về đất ngập nước. Chú trọng đến nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý đa dạng sinh học, đất ngập nước từ trung ương tới địa phương; đa dạng hóa phương thức đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực, bồi dưỡng cán bộ làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đất ngập nước các cấp; ưu tiên cho cán bộ quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar, đặc biệt tại các vùng đất ngập nước quan trọng vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng đất ngập nước quan trọng trong đô thị nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mặt khác, cần đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;Xây dựng cơ chế đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước thông qua các cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước, bồi hoàn đa dạng sinh học, cơ chế chia sẻ lợi ích tại các vùng đất ngập nước quan trọng và các cơ chế tài chính khác; Huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ quốc tế đầu tư cho các dự án về bảo tồn đất ngập nước, hoạt động về tuyên truyền cho công tác bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái.

Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước...

Triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn các vùng đất ngập nước, ngày 13/5, TT truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Vườn quốc gia Cát Tiên tổ chức Hội nghị "Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam". Hội nghị thu hút khoảng 100 đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo H.Tân Phú, UBND các xã vùng phụ cận và đại diện cộng đồng địa phương. 

Các chuyên gia môi trường trao đổi các vấn đề về vai trò của cộng động, kinh nghiệm bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước trên thế giới; xây dựng kế hoạch truyền thông nâng cao công tác quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước khu Ramsar Vườn quốc gia Cát Tiên. 

TS.Phạm Hữu Khánh - Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, Đồng Nai có vùng đất ngập nước khu Ramsar - Bàu Sấu diện tích gần 14 ngàn ha, thuộc kiểu đất ngập nước ngọt nội địa ven sông. Nơi đây có đa dạng sinh học bậc nhất của tỉnh và có 4 giá trị cơ bản là: sinh thái, môi trường và đa dạng sinh học; nghiên cứu khoa học; kinh tế - xã hội; cảnh quan, giáo dục, du lịch.

Hiện một số giá trị đang phát huy hiệu quả, một số giá trị vẫn ở dạng tiềm năng. Khu vực này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như xâm phạm tài nguyên rừng, xâm phạm các loài ngoại lai, ô nhiễm nguồn nước. Do đó, thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát bảo tồn nguyên vẹn các loài hiện hữu đồng thời xử lý các loài ngoại lai gây hại, hợp tác cùng cộng động bảo vệ và khai thác các giá trị vùng đất ngập nước Bàu Sấu, trong đó chú trọng giá trị cảnh quan, giáo dục và du lịch.

Lâm Hà (t/h)


Tags khu Ramsar vùng đất ngập nước Bàu Sấu Vườn quốc gia Cát Tiên

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục