QLMT - UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành công văn số 1300/UBND-NNTN về việc theo dõi động đất tại huyện Kon Plông.
Theo đó, trước tình hình động đất liên tục gia tăng, gây bất an cho người dân huyện Kon Plông quanh vùng thủy điện Thượng Kon Tum, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện lắp đặt thêm các trạm quan sát động đất để ghi nhận nhanh, chính xác, đầy đủ các trận động đất xảy ra tại khu vực Kon Plông và lân cận, phục vụ theo dõi diễn biến hoạt động động đất và vận hành an toàn công trình thủy điện.
Hàng trăm hộ dân sống tại khu vực gần các thủy điện luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì động đất liên tiếp xảy ra.
Cụ thể, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh khẩn trương đầu tư, lắp đặt bổ sung mới 3 trạm quan sát động đất và kết hợp với 3 trạm quan sát động đất hiện có do Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt; hỗ trợ cấp kinh phí cho việc vận hành mạng trạm quan trắc động đất ở khu vực công trình thủy điện Thượng Kon Tum (6 trạm). Đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh khẩn trương đầu tư, lắp đặt mới 2 trạm quan sát động đất và cấp kinh phí cho việc vận hành 2 trạm quan sát động đất ở khu vực công trình thủy điện Đăk Đrinh để kết nối vào hệ thống với 6 trạm quan sát động đất ở khu vực công trình thủy điện Thượng Kon Tum.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm làm đầu mối, theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện các nội dung nêu trên. Đồng thời, phối hợp với UBND huyện Kon Plông, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS tỉnh cùng các đơn vị liên quan, các chủ đập thủy điện trao đổi, phối hợp với Viện vật lý địa cầu để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra.
Từ năm 2021 đến ngày 18/4/2022, huyện Kon Plông đã xảy ra 169 trận động đất. Trong đó, từ ngày 1/1 – 22/4/2022 đã xảy ra 70 lần động đất. Riêng trong tháng 4/2022 xảy ra 29 trận động đất. Các trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 4.5 độ Richter, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây. Nhiều cơ sở hạ tầng và nhà cửa của người dân bị thiệt hại sau mỗi lần xảy ra rung chấn.
Chương Hoàng
Tags
Kon Plông
theo dõi động đất
động đất
trạm quan sát động đất
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.
Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.