Hà Nội tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng không khí

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/4/2022 | 4:32:32 PM

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Đông vừa ký ban hành Văn bản số 1137/UBND-ĐT về việc tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.


Chất lượng không khí của Thủ đô chưa được cải thiện rõ rệt

Để khắc phục các tồn tại hạn chế và góp phần cải thiện chất lượng không khí của Thành phố, trên cơ sở đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 2246/STNMT-CCBVMT ngày 13/4/2022, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện và thị xã tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí đã được phân công tại văn bản số 742/UBNDĐT ngày 15/3/2021 của UBND Thành phố về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiệm vụ: "Xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) hoàn thành trong năm 2022. Trên cơ sở đó tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn gây ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ và hướng dẫn các Sở, ban, Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng không khí và tiếp tục triển khai các công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Tăng cường thanh, kiểm tra các công trình xây dựng, công trình giao thông tập trung vào các quận nội thành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động đối với các công trình xây dựng vi phạm, không che chắn phát tán khói bụi ra môi trường. Đề xuất các quy định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường không khí theo hướng tăng mức xử phạt, đảm bảo tính răn đe.

Hoàn thiện và vận hành ổn định, liên tục hệ thống quan trắc chất lượng không khí nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho người dân trên địa bàn Thành phố.

Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí AQI trên địa bàn Thành phố; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2014 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố, đảm bảo xóa bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố trong năm 2022; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng nơi quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố.

UBND Thành phố giao Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra các điểm đổ/tập kết chất thải rắn xây dựng và các công trình đang thi công xây dựng đặc biệt là các công trình xây dựng có quy mô lớn, tập trung vào các công trình trên địa bàn các quận nội thành. Kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng vi phạm, phát tán khói bụi gây ô nhiễm môi trường và đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị vệ sinh môi trường tưới nước rửa đường trong những ngày thời tiết hanh khô và chất lượng không khí kém.

Đối với Sở Giao thông vận tải, UBND thành phố yêu cầu triển khai hiệu quả Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các Quận vào năm 2030 nghiên cứu và nâng cao về chất lượng cũng như số lượng các công trình hạ tầng, phương tiện vận tải hành khách công cộng và hạ tầng cho xe đạp, xe điện; đồng thời trên cơ sở kết quả đo kiểm khí thải xe máy theo Kế hoạch 172/KH-UBND ngày 22/7/2021 của UBND Thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng không khí hiệu quả, thiết thực.

Trên cơ sở thông tin về chất lượng không khí của Thành phố, tham mưu UBND Thành phố phương án phân luồng, hạn chế giao thông trong những ngày không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nghiên cứu đề xuất lộ trình thu hồi các phương tiện giao thông quá niên hạn sử dụng, phát sinh khí thải không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về khí thải phương tiện giao thông.

UBND các quận, huyện và thị xã chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra tình trạng sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ trên địa bàn. Tập trung công tác hậu kiểm, xử lý triệt để các trường hợp tái sử dụng bếp than tổ ông, đảm bảo chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng than tổ ong của các hộ gia đình, cá nhân trong năm 2022.

Đồng thời, áp dụng các biện pháp nhằm xử lý rơm rạ, phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức đổ/đốt chất thải bừa bãi, đốt rơm rạ trong các vụ thu hoạch; chấm dứt tình trạng đổ chất thải rắn xây dựng bừa bãi, không đúng nơi quy định; Kiên quyết định chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng đối với các công trình giao thông, xây dựng theo thẩm quyền làm phát sinh bụi không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tăng cường giám sát, quản lý các nguồn thải phát sinh tại các làng nghề gây ô nhiễm không khí trên địa bàn.

Theo Báo TNMT

Tags Hà Nội chất lượng không khí ô nhiễm không khí

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục