Tỉnh Bình Thuận hiện có 48 hồ chứa nước có quy mô lớn, trung bình và nhỏ, các hồ này có chức năng cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp, dịch vụ. Thời gian qua, nhận thức được giá trị của nguồn nước đối với cuộc sống của con người và là một trong những ưu tiên hàng đầu vì mục tiêu phát triển bền vững của địa phương, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đo đạc lấy mẫu các điểm "nóng” về môi trường, không để việc sản xuất của các cơ sở gây ô nhiềm nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống của người dân; đẩy mạnh điều tra cơ bản, quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên nước và giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước, như: Lập quy hoạch tài nguyên nước trên địa địa bàn tỉnh; xây dựng vận hành hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; tăng cường các biện pháp tích nước, điều hòa, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm tài nguyên nước và phát triển các mô hình sử dụng nước hiệu quả.
Đồng thời, cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận tăng cường các biện pháp chủ động kiểm soát, giám sát ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, như: Điều tra, xác định dòng sông, đoạn sông bị sạt, lở và có nguy cơ bị sạt, lở bờ, bãi sông để làm cơ sở khoanh định, công bố khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên dòng sông, đoạn sông bị sạt, lở hoặc có nguy cơ bị sạt, lở bờ, bãi sông trên địa bàn tỉnh.
Bình Thuận tăng cường các biện pháp tích nước, điều hòa, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.
Riêng đối với công tác bảo vệ và cải thiện môi trường lưu vực sông La Ngà - nằm trong lưu vực sông Đồng Nai, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đo đạc lấy mẫu để có đủ cơ sở xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý, khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường lưu vực sông La Ngà. Hiện đã có 7 điểm thuộc lưu vực sông La Ngà được lấy mẫu quan trắc 4 lần/năm; thực hiện 16 đợt kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 129 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung kiểm tra đối với các cơ sở chăn nuôi lợn, chế biến cao su, bệnh viện, bãi rác, các cơ sở trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các điểm nóng về môi trường các huyện nằm trên lưu vực sông La Ngà.
Theo Sở TN&MT Bình Thuận, đến nay, việc kiểm soát các nguồn xả nước thải trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp. Công tác thanh, kiểm tra được thực hiện thường xuyên với sự tham gia phối hợp của các Sở, ban ngành... Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường vẫn chưa được triệt để, bởi trên thực tế vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chưa thực hiện xử lý hoặc xử lý hình thức, đối phó gây ô nhiễm môi trường nguồn nước.
Thời gian tới, nhằm chủ động kiểm soát, giám sát, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước, Sở TN&MT Bình Thuận sẽ tiếp tục phối với với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, Sở TN&MT sẽ tập trung tuyên truyền các chính sách bảo vệ nguồn nước nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về vai trò của các hồ chứa nước cũng như những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và những nguy cơ đe dọa về sự thiếu hụt nguồn nước đến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo monre.gov.vn