Ngày 13/3/2021, Bộ Tài nguyên và môi trường đã công bố Báo cáo Đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ảnh minh hoạ. ITN
Theo Bộ TN và MT, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL đã chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nâng cao năng lực quan trắc, giám sát khí hậu, dự báo sớm thời tiết, cảnh báo kịp thời thiên tai; chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên.
Trong báo cáo nói trên, Bộ TN và MT nhận định, các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường điều tra, khảo sát, cảnh báo, dự báo trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương thuận thiên của Nghị quyết, thể hiện ở những mặt sau đây:
Tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát các yếu tố khí tượng thủy văn, hải văn, biến động bùn cát, đo mưa tự động. Toàn vùng có 408 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất. Qua đó đã nâng cao công tác dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai cả về chất lượng và thời gian dự báo, cảnh báo, góp phần quan trọng trong các giải pháp thích ứng như: tích nước, chuyển đổi thời vụ canh tác, cơ cấu lại cây trồng - vật nuôi, gia cố bảo vệ nhà cửa, cơ sở sản xuất… Nhờ dự báo, cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp hiệu quả, hạn chế được tối đa tác động xấu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất tại vùng ĐBSCL. Riêng trong đợt hạn mặn 2019-2020, mặc dù mức độ khắc nghiệt và diện rộng hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, tuy nhiên nhờ sự chủ động trong dự báo và kịp thời hành động trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã góp phần giảm 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng so với năm 2015-2016.
Chủ động điều tra, khảo sát thăm dò, tìm kiếm và tổ chức khai thác hợp lý nguồn nước để cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ĐBSCL trong mùa khô và các đợt xâm nhập mặn. Đã điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 32 vùng trên phạm vi 7 tỉnh của vùng ĐBSCL gồm: Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh với tổng số 35 công trình khai thác có tổng lưu lượng khai thác 33.000 m3/ngày đêm, có thể cung cấp cho trên 333.000 người dân. Đến nay đã bàn giao bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương vùng ĐBSCL cùng hàng chục giếng khoan để các địa phương đầu tư, xây dựng thành các công trình cấp nước tập trung. Bên cạnh đó, các địa phương công bố tình huống khẩn cấp về về hạn mặn đã được hỗ trợ trực tiếp hàng trăm triệu đồng thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để khắc phục các hậu quả. Đặc biệt, trong các đợt hạn mặn năm 2020 đã triển khai xây dựng nhiều điểm nguồn cấp nước khẩn cấp, riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hỗ trợ 10 điểm với tổng công suất xử lý và cung cấp là 3.700 m3/ngày đêm, cung cấp được cho 62.000 người ở 7 tỉnh chống hạn, mặn cho ĐBSCL.
Chuyển đổi kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh theo thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng; từng bước giải quyết xung đột giữa các mô hình kinh tế; tăng cường kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ; hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nội địa và tạo nguồn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cho Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Theo thống kê sơ bộ, đã có 1.165 dự án khoảng 280.000 tỷ đồng (tương đương trên 12 tỷ USD) được các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với các địa phương vùng ĐBSCL để thực hiện liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng giao thông thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.
Sản xuất nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa. Tổng diện tích gieo trồng lúa vùng ĐBSCL là 4,19 triệu ha, chiếm 54,3% diện tích cả nước; tạo ra các thương hiệu nổi tiếng thế giới (gạo ST25 liên tục đứng vị trí thứ nhất, thứ nhì về sản phẩm gạo ngon nhất thế giới), đồng thời năm 2020 nông dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL rất phấn khởi đã đóng góp quan trọng vào thành công của xuất khẩu gạo cả nước với sản lượng xuất khẩu 6,2 triệu tấn, đạt 3,12 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm trước). Năm 2019, diện tích nuôi cá tra đạt 6.000 ha, sản lượng đạt 1,4 triệu tấn, nhu cầu giống thả nuôi khoảng 3-4 tỷ con; toàn vùng có 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, khoảng 4.000 hộ ương cá giống với diện tích khoảng 3.500 ha, tập trung chủ yếu tại Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, số lượng giống sản xuất được gần 4 tỷ con. Diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 669.000 ha, chiếm 92,9% diện tích cả nước; năm 2019, sản xuất khoảng 16 tỷ con giống, đáp ứng được 45% nhu cầu thả nuôi. Hiện có khoảng 335,4 ngàn ha cây ăn quả, chiếm 36,3% diện tích cả nước, gồm các cây trồng chủ yếu như: thanh long, xoài, cam, bưởi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, dứa…, nhiều giống cây ăn quả khẳng định được năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện vùng ĐBSCL đã được đưa vào sản xuất, nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu.
Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, năm 2020 nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả khả quan trong xuất khẩu, trong đó các sản phẩm lúa gạo, nông sản, thủy sản đã trở thành một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức tỷ USD. Riêng tỉnh An Giang, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 928,150 triệu USD, tăng 4,29% so với năm 2019, riêng với gạo, thu về 270 triệu USD, tăng 18,6% so với 2019. Những thành quả nêu trên nhờ tận dụng lợi thế của vùng, cùng với tăng cường liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp vùng ĐBSCL với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam cũng như tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) mang lại.
Ngành công nghiệp đã bước đầu phát huy được hiệu quả chuyển đổi theo hướng gắn kết với tiềm năng, thế mạnh của vùng, nhất là hỗ trợ cho kinh tế nông nghiệp, tập trung vào phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp thông qua thúc đẩy công nghiệp chế biến. Riêng năm 2020, Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia cho 21 đề án với kinh phí 14.058 triệu đồng để ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm đầu tư để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo: Nhà máy điện gió Bạc Liêu 1 và 2 đã hoàn thành, khởi công và triển khai các nhà máy điện gió, điện mặt trời tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Long An... đưa vào vận hành nhà máy điện bã mía Sóc Trăng 12MW và đang xây dựng nhà máy điện trấu Sóc Trăng 25MW, Nhà máy điện rơm rạ Sóc Trăng 10MW... Phát triển mạng lưới điện nông thôn ĐBSCL, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư 3.944 km đường dây trung thế, 4.488 trạm biến thế, 892 km đường dây hạ thế cho vùng ĐBSCL với mục tiêu cấp điện cho 21.976 hộ dân, 2.727 trạm bơm để tưới tiêu 968.900 ha (đến nay đã hoàn thành cấp điện cho 2.583 hộ dân).
Hoạt động xúc tiến thương mại trên cả nước được đổi mới nhằm ứng phó diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh thương mại của các nước lớn, dịch bệnh Covid19 diễn biến phức tạp, từ đó góp phần thúc đẩy thương hiệu, ngành hàng vùng ĐBSCL tại các thị trường xuất khẩu.
Nhiều mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH được các địa phương triển khai, phát triển, điển hình như mô hình nuôi tôm bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao chất lượng giống; mô hình "Sinh kế thích ứng với BĐKH”, "Nước sạch và môi trường” của tỉnh Sóc Trăng; mô hình tòa nhà công sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Vĩnh Long…
Các lợi thế về sinh thái, di sản văn hóa, lịch sử cách mạng được bảo tồn và phát huy qua đó thúc đẩy kinh tế du lịch, dịch vụ vùng ĐBSCL. Nhiều khu dự trữ sinh quyển, du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, làng nghề trong vùng đã trở thành các điểm du lịch thu hút khách du lịch như Vườn quốc gia Tràm Chim, Chợ nổi Cái Răng..., Cù lao Thới Sơn, Làng Chăm Châu Giang (An Giang), làng nghề bánh tráng bánh phồng (Sơn Đốc, Bến Tre), làng hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp)… Theo thống kê, riêng năm 2019, lượng khách du lịch đến ĐBSCL ước đạt 47 triệu lượt, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt, thu đạt hàng chục nghìn tỷ đồng.
Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được ký và ban hành năm 2017. Đây là Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển "thuận thiên” để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển ĐBSCL. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, chủ trương thuận thiên từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL, được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển. Dù thời gian triển khai thực hiện chưa dài, nhưng đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng.
Thuỷ Anh (T/H)