Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/4/2022 | 9:36:31 AM

Năm 2017, Chương trình phối hợp công tác thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2017-2022 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam được ký kết.

Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường
Chiều 30/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết "Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022-2026". Ảnh: VGP

Sau 5 năm thực hiện, người cao tuổi trên cả nước đã phát huy kinh nghiệm, vai trò của mình, gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, vận động người thân, dòng họ và trực tiếp tham gia công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng cho biết, 5 năm qua, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo triển khai Chương trình đến các đơn vị trực thuộc, các địa phương; lồng ghép việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường vào các đợt tuyên truyền học tập nghị quyết của Ðảng, của Hội; tổ chức các khóa tập huấn về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Ðất đai, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Khí tượng thủy văn, các cơ chế, chính sách liên quan của Ðảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tính đến hết năm 2021, có gần bốn triệu lượt người cao tuổi được tuyên truyền, dự tập huấn về các nội dung nêu trên. Thông qua các Chương trình phối hợp đã tạo nên phong trào thi đua "Tuổi cao - Gương sáng" có chất lượng, lan tỏa trên phạm vi cả nước, với nhiều nội dung hoạt động cho công tác Hội Người cao tuổi tại cơ sở. Cụ thể: Người cao tuổi trên cả nước đã cùng gia đình vận động hiến hàng triệu mét vuông đất, đóng góp hơn 16 triệu ngày công làm vệ sinh môi trường, xây dựng đường nông thôn và hơn 3.300 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường.

Nhiều địa phương đã thành lập các câu lạc bộ, mô hình về tài nguyên và môi trường như: Câu lạc bộ về bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, xử lý nước thải; Câu lạc bộ phòng, chống rủi ro thiên tai do bão, nước biển dâng; mô hình hợp tác xã thu gom rác thải; mô hình trồng cây chắn sóng, không đánh bắt cá bằng chất nổ; mô hình thu gom chất thải nhựa…

Ngoài ra, hội người cao tuổi ở các địa phương tiếp tục duy trì, tham gia các hoạt động ngày thứ bảy, chủ nhật xanh, tình nguyện làm sạch môi trường. Phong trào trồng cây "Ðời đời nhớ ơn Bác Hồ" vẫn được duy trì và phát triển, kết quả đã trồng được hơn 50 triệu cây xanh các loại và hàng triệu m2 thảm xanh do người cao tuổi tạo ra từ phong trào trồng và chăm sóc cây cảnh đô thị...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số cấp Hội chưa chủ động, còn biểu hiện trông chờ vào cơ quan chuyên môn; chưa nhận thức đầy đủ và chưa làm tốt công tác phối hợp ở địa phương. Sở tài nguyên và môi trường một số tỉnh, thành phố mặc dù ký kết chương trình phối hợp, nhưng chưa chủ động triển khai, đánh giá đúng vai trò của người cao tuổi, còn ngại tiếp xúc với tổ chức Hội. Trong khi đó, nguồn nhân lực của Hội còn hạn chế, khó triển khai đến cơ sở, không có điều kiện biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình, mô hình tốt.

Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam với các hội viên có nhiều kinh nghiệm, có uy tín trong xã hội cần tiếp tục đồng hành Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng góp ý kiến, tuyên truyền các chính sách quản lý nhà nước nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022-2026.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội Người cao tuổi Việt Nam tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị các kiến thức về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, vận động hội viên Hội Người cao tuổi Việt Nam và gia đình gương mẫu chấp hành đúng chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Hội và hội viên đối với các hoạt động quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; các Ðiều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia liên quan biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho rằng, Hội Người cao tuổi Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp, thúc đẩy công tác quản lý nhà nước, góp phần bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động mọi lực lượng xã hội vào việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên quốc gia; tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo giữa hai đơn vị và các đơn vị liên quan nhằm phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; tiếp tục nhân rộng phong trào thi đua "Tuổi cao-Gương sáng" để tham gia quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu tại các địa phương; xây dựng và nhân rộng các mô hình về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu cho các cấp hội người cao tuổi trên cả nước.

Theo Báo Nhân Dân

Tags bảo vệ môi trường người cao tuổi Hội Người cao tuổi Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục