Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển năng lượng sinh học góp phần thực hiện cam kết COP26

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/4/2022 | 4:45:02 PM

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Cam kết của Việt Nam được chủ tịch COP26 và các nước trên thế giới đánh giá rất cao về sự quyết tâm mạnh mẽ nhưng hết sức thực tiễn. Để thực hiện được cam kết nêu trên, Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ưu tiên phát triển năng lượng sạch, trong đó có lĩnh vực năng lượng sinh học nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia... Đây cũng là chủ đề của Hội thảo "Phát triển năng lượng sinh học tại Việt Nam góp phần thực hiện cam kết COP26” do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức ngày 15/3/2022 tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án "Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường sinh học bền vững tại Việt Nam” (BEM) do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng của Liên bang Đức thông qua Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI) tài trợ.

Nhiều dư địa để phát triển

Việt Nam là một nước nông nghiệp, có nhiều tiềm năng về sản xuất năng luợng sinh học. Trong tình hình giá dầu tăng cao như mới đây và hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người sử dụng quá nhiều năng lượng hoá thạch, gây ô nhiễm, thì việc phát triển năng lượng sinh học là cần thiết, để vừa có giá trị kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường. Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy năng lượng sinh học, nhưng cho đến nay kết quả còn hạn chế.

Về địa lý, Việt Nam là một quốc gia nằm ở vùng nhiệt đới, có nhiều điều kiện để phát triển năng lượng sinh học. Mặt khác, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp của Việt Nam hàng năm tạo ra rất nhiều phế phụ phẩm và chất thải hữu cơ, nếu được tận dụngthành nhiên liệucho phát điện và nhiệt, thì đây sẽ là một nguồn năng lượng đáng kể.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế năng lượng, dầu mỏ và khí đốt hiện chiếm khoảng 60-80% cán cân năng lượng thế giới. Với tốc độ tiêu thụ như hiện nay và trữ lượng dầu mỏ hiện có, nguồn năng lượng này sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt trong vòng 40-50 năm nữa. Trước diễn biến phức tạp của giá xăng dầu gần đây do nhu cầu dầu thô ngày càng lớn và những bất ổn chính trị tại những nước sản xuất dầu mỏ khiến Chính phủ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đưa ra giải pháp ưu tiên hàng đầu cho các nguồn năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường.

Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển năng lượng sinh học góp phần thực hiện cam kết COP26

Tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Mai - Phó Chánh Văn phòng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) chia sẻ, Việt Nam là một nước nông nghiệp, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sinh học. Việc tận dụng các nguồn tài nguyên để sản xuất năng lượng sinh học có vai trò quan trong góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường. Theo dự thảo báo cáo quy hoạch điện VIII, công suất lắp đặt năng lượng sinh khối đến năm 2030 của Việt Nam là 1.730 MW, tuy nhiên đến nay mới lắp đặt được 350 MW. Như vậy, từ giờ đến năm 2030, muốn đạt được mục tiêu trên, cần có sự vào cuộc của các bộ/ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Cần một giải pháp đồng bộ để phát triển

Ông Lương Quang Huy - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, lần đầu tiên quy định đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC) đã được luật hóa. Để triển khai NDC và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Xuyên suốt quá trình chỉ đạo và xây dựng dự thảo, lãnh đạo Bộ đều yêu cầu các đơn vị soạn thảo phải đưa ra bản dự thảo Nghị định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, pháp luật hiện hành và các quy định, điều ước quốc tế có liên quan; phát triển nền kinh tế carbon thấp và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững; tuân theo nguyên tắc trách nhiệm, thống nhất, công bằng, minh bạch; mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Chính phủ điều chỉnh theo ưu tiên phát triển quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon đối với một số ngành phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế.

Bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng phòng Phòng Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thông tin, trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu  mục tiêu: tỷ trọng điện sản xuất từ nguồn sinh khối dự kiến đạt xấp xỉ 3% vào năm 2020; 6,3% vào năm 2030 và 8,1% vào năm 2050; tỷ lệ nhiệt sản xuất từ các nguồn sinh khối dự kiến sẽ đạt khoảng 17% vào năm 2020; 14% vào năm 2030 và 12% vào năm 2050. Để phát triển năng lượng sinh học, Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển điện sinh khối thông qua việc áp dụng phương pháp đồng phát trong các nhà máy đường và nhà máy chế biến thực phẩm cũng như đồng đốt sinh khối và than trong các nhà máy nhiệt điện than… Nhà nước cũng có chính sách ưu đãi về vốn đầu tư và thuế, ưu đãi về đất đai cho các doanh nghiệp đầu tư điện sinh khối.

Tuy nhiên, bà Giang cho biết, cũng còn nhiều rào cản đối với phát triển điện sinh khối như: thiếu sự ổn định và bền vững trong việc cung cấp nhiên liệu; giá nguyên liệu thay đổi theo mùa; cơ chế khuyến khích điện sinh khối chưa hấp dẫn… Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển khí sinh học, và cần có cơ chế khuyến khích để các nhà máy than thay thế một phần nguyên liệu bằng việc sử dụng viên nén sinh khối.

Cùng quan điểm với bà Giang, bà Lê Thị Thoa - Điều phối kỹ thuật dự án năng lượng sinh học BEM của GIZ - cho rằng, cơ chế giá FIT ở Việt Nam nên được xem xét lại để khuyến khích phát triển điện sinh khối, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng phế phụ phẩm nông lâm nghiệp. Đây là cũng là một trong những hoạt động mà dự án BEM sẽ phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương thực hiện trong năm 2022.

Hội thảo ‘Phát triển năng lượng sinh học tại Việt Nam góp phần thực hiện cam kết COP26’ thu hút sự tham gia của hơn 120 đại biểu, là đại điện của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các ngân hàng và tổ chức tài chính, đại sứ quán, các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà đầu tư, cơ quan phát triển, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan tư vấn và mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế. 

Theo vjst.vn

Tags COP26 năng lượng sinh học biến đổi khí hậu khủng hoảng khí hậu giảm phát thải

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục