Một xu thế đang nổi gần đây là ngày càng nhiều người trẻ chọn "bỏ phố về quê" làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, do chưa lường hết được những yếu tố khó khăn trong việc cắt giảm chi phí sản xuất - khiến giá nông sản trở nên quá cao (so với mặt bằng chung) và khó tiêu thụ - mà không ít người đã lâm vào cảnh tay trắng, nợ nần.
Lĩnh vực nông nghiệp sạch tưởng hấp dẫn nhưng lại ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Để giải quyết vấn đề mà các doanh nhân khởi nghiệp nông nghiệp thường gặp, chúng ta cần thiết phải có một tư duy và hướng làm khác. Nông sản hay thực phẩm sạch, cho dù có đúng được canh tác theo quy trình hữu cơ hay không, cũng đều nên hướng tới đại chúng chứ không phải chỉ phục vụ một thiểu số khách hàng thu nhập cao. Muốn làm được điều này, người sản xuất phải tìm cách cắt giảm những yếu tố đầu vào gây đội chi phí, trong khi vẫn cần đảm bảo chất lượng.
Theo nhận định của ông Nguyễn Quý Lai - chuyên gia nông nghiệp, giám đốc Công ty Cổ phần EMI Nhật Bản, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp chế phẩm sinh học (vi sinh) cho nhà nông, Việt Nam là nước sở hữu các điều kiện phát triển nông nghiệp hết sức đặc thù do được thiên nhiên ưu đãi, vì thế việc canh tác để đạt tiêu chuẩn hữu cơ thật ra sẽ không quá khó, cầu kỳ và phức tạp như nhiều người vẫn tưởng. Chẳng hạn, thay vì mất 3 – 5 năm để cải tạo đất và tốn hàng tỷ đồng cho hệ thống nhà màng, thiết bị tưới nhỏ giọt (vốn được thiết kế để phù hợp với những nơi thiếu nước như Israel),… khiến nông sản không thể rẻ và rất khó bán, nhà nông hoàn toàn có thể tìm tới các giải pháp thay thế sáng tạo khác rẻ hơn mà vẫn cho hiệu quả tốt, trong đó có vi sinh. Việc phun vi sinh thay cho hóa chất trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật sẽ giúp cây phát triển khỏe mạnh, sản phẩm đầu ra đáp ứng được các tiêu chuẩn hữu cơ (không chứa dư lượng hóa chất) và quan trọng nhất là bảo vệ người tiêu dùng lẫn môi trường với chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, nhà nông cũng cần thay đổi quan niệm hết sức sai lầm là làm sạch cỏ trên đất. Chỉ nên nhổ cỏ khi cây còn nhỏ và trong giai đoạn khép tán, bởi việc để lại cỏ (đến tận ngày thu hoạch) trên thực tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích như giúp đất giữ ẩm,... Thứ nữa là cần tính toán tốt việc bón phân hữu cơ vốn có giá thành khá cao (VD: phân gà vi sinh thường được bán bán với giá 6.500 – 7.000 VNĐ/kg). Chúng ta có thể sử dụng phân mùn (rẻ hơn nhiều) để thay thế; một lựa chọn khác là tự ủ phân chuồng hoặc các vật liệu hữu cơ như vỏ cà phê, hạt đậu tương, thức ăn thừa, phụ phẩm nuôi trồng thủy sản (tôm, cá thải loại),… bằng vi sinh. Đây là nguồn dinh dưỡng rất tốt và an toàn cho cây trồng, trong khi lại có chi phí khá rẻ. Nếu trang trại sản xuất kết hợp cả trồng trọt và chăn nuôi thì đó sẽ là một lợi thế lý tưởng cần được khai thác hiệu quả.
Vi sinh mang lại rất nhiều lợi ích cho đất, cây trồng và vật nuôi. Đây được xem là giải pháp lý tưởng để cách mạng hóa nền nông nghiệp Việt Nam – vốn bị đầu độc quá lâu bởi hóa chất.
Sau nhiều năm miệt mài tìm tòi và cộng tác chặt chẽ với một số cơ sở nghiên cứu hàng đầu cả nước như Viện Sinh học Nông nghiệp thuộc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam,… công ty EMI của ông Lai tự tin đã tạo ra loại chế phẩm sinh học tối ưu giúp nhà nông giải quyết được hầu hết những thách thức thường gặp trong phòng trừ sâu bệnh, tăng cường dinh dưỡng,… hoàn toàn thay thế hóa chất và với chi phí khá hợp lý. Trên thực tế, công ty đã giúp rất nhiều chủ vườn tiêu bị bệnh "chết nhanh”1 tàn phá tại Tây Nguyên hay vườn cam mắc bệnh greening (vàng lá gân xanh) ở Vinh, Cao Phong (Hòa Bình),… cứu vãn cơ nghiệp nhờ giải pháp và quy trình của mình.
Cắt giảm chi phí lao động trực tiếp, lựa chọn các loại chế phẩm vi sinh phù hợp, điều chỉnh cách sử dụng phân hữu cơ, tận dụng những lợi thế vốn có … là chìa khóa quan trọng giúp EMI cùng các đối tác nhà vườn của công ty đưa được nông sản sạch với giá thành phải chăng ra thị trường. Đây là mô hình đúng đắn và hết sức triển vọng mà những ai đang có ý định dấn thân trong lĩnh vực nông nghiệp có thể tham khảo để tạo nên một cuộc cách mạng, giúp mọi người dân Việt Nam được tiếp cận các sản phẩm an toàn, chất lượng với giá thành phải chăng.
Chú thích:
1. Bệnh thường mắc trên cây hồ tiêu do một loại nấm mang tên Phytophthora palmivora gây ra, thời gian phát bệnh và khiến cây chết toàn bộ rất ngắn. Đây là cơn ác mộng đối với các chủ vườn.
Hải Đăng - Đức Quyết/KH&PT