Năm 2021, nhiều chỉ tiêu về môi trường đạt kết quả tích cực

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/1/2022 | 4:16:52 PM

Năm 2021, nhiều chỉ tiêu về môi trường đạt kết quả tích cực, dự kiến vượt mức kế hoạch đề ra năm 2021: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 94,71% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%); Tỷ lệ thu gom, xử lý CTNH đạt 85%, đạt chỉ tiêu đề ra cả năm (85%). Chỉ tiêu phát triển của công nghiệp tái chế, xử lý rác thải, nước thải tăng 3% so với năm 2020, đóng góp 0,1 điểm phần trăm cho tăng trưởng. Tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng đạt trên 50%.


Quang cảnh Hội nghị

Ngày 14/1, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị trực tuyến và trực tiếp về tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Nhiều chỉ tiêu về môi trường đạt kết vượt mức kế hoạch

Ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của Tổng cục Môi trường trong năm 2021, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, mặc dù, trải qua một năm với không ít khó khăn do dịch bệnh Covid-19, cũng như nhiều thông tin về sự thay đổi, sắp xếp cơ cấu tổ chức của Tổng cục nhưng các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Tổng cục đã làm tốt công tác tư tưởng, động viên cán bộ toàn tâm, toàn ý thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó, có nhiều kết quả rất đáng khích lệ, thay đổi căn bản so với năm 2020.

Thứ trưởng ghi nhận công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án được quan tâm thực hiện tốt, với khối lượng lớn công việc được triển khai thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng, xuyên suốt, khoa học trong bối cảnh thường xuyên phải làm việc trực tuyến, online. Bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng xây dựng hai văn bản quan trọng hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đến nay, sau rất nhiều khó khăn, Nghị định và Thông tư hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật BVMT đã được ban hành.

"Tôi cũng đánh giá cao Tổng cục đã tập trung xây dựng, trình ban hành được 2 Nghị định, 4 Quyết định, 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 1 Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT để tạo sự đồng bộ với các Luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo đối tác công tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, không tạo ra khoảng trống pháp luật, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cho rằng, trong năm 2021, Tổng cục đã kịp thời phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn quốc. Chủ động tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ để xử lý nhiều vụ việc môi trường nóng, bức xúc được dư luận và báo chí phản ánh. Trong năm 2021, ghi nhận không xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn. Thông qua đó, đã tạo được niềm tin trong nhân dân đối với công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Theo Báo cáo của Tổng cục Môi trường, trong năm 2021, Tổng cục đã tập trung toàn lực, phát huy sức mạnh tập thể để chủ động ứng phó, giải quyết một cách bài bản, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao, tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục. Qua đó, nhiều chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong Chương trình công tác năm 2021 của Tổng cục đều đạt và vượt mức đã đề ra.

Nổi bật là tập trung hoàn thành, giải quyết khối lượng lớn các văn bản, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao. Hoàn thiện và trình đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020.

Đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do bối cảnh dịch bệnh Covid 19, song vẫn bảo đảm kiểm soát các vấn đề về môi trường; các hành vi vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường có chiều hướng giảm so với năm trước.

Đặc biệt, nhiều chỉ tiêu về môi trường đạt kết quả tích cực, vượt mức kế hoạch đề ra năm 2021: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 94,71% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%); Tỷ lệ thu gom, xử lý CTNH đạt 85%, đạt chỉ tiêu đề ra cả năm (85%). Chỉ tiêu phát triển của công nghiệp tái chế, xử lý rác thải, nước thải tăng 3% so với năm 2020, đóng góp 0,1 điểm phần trăm cho tăng trưởng. Tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng đạt trên 50%.

Ngoài ra, lần đầu tiên tổ chức đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT năm 2020 của các địa phương.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Trong năm 2022, Tổng cục sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn thi hành; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật theo Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm triển khai thi hành Luật; Rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia; tăng cường công tác hậu kiểm; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả đối với các vụ việc, sự cố liên quan đến môi trường phát sinh; Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, trong đó tập trung quản lý tốt vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường (đất, nước, không khí…)

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Luật BVMT 2020 với rất nhiều cơ chế, chính sách mới, tạo nền tảng thúc đẩy tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác BVMT trong thời gian tới. Vì vậy, ngay sau Hội nghị này đề nghị Tổng cục cần xây dựng một Kế hoạch công tác của lĩnh vực môi trường cụ thể, chi tiết, trên cơ sở xác định rõ những thời cơ và thách thức, khắc phục ngay những tồn tại và hạn chế, phấn đấu hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ mà thực tiễn đặt ra.

Theo đó, cần tập trung một số vấn đề trọng tâm như: tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những nội dung, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thực hiện xuyên suốt trong năm 2022 và cả những năm tiếp theo.

Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện và trình đúng thời hạn các văn bản được giao trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của Bộ; kiểm soát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về môi trường, đảm bảo không để chậm xử lý hồ sơ, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp.

Đặc biệt, chủ động thực hiện các hoạt động giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường; tăng cường công tác hậu kiểm; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường có trọng tâm, trọng điểm; rà soát, đánh giá, bảo đảm điều kiện về nguồn lực và nhân lực cần thiết để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường; tăng cường sự tham gia của các Bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả, trong đó xác định và làm rõ vai trò thống nhất quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vai trò tham gia quản lý của các Bộ, ngành có liên quan trong quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, tiếp tục cải tiến, đổi mới lề lối làm việc, trong đó chú trọng đến chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật hành chính của đơn vị; triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng về công tác thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã trao Cờ thi đua năm 2021 của Bộ trưởng Bộ TN&MT cho Tổng cục Môi trường; Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế đã trao Bằng khen của Bộ Công an cho tập thể cán bộ, nhân viên cơ quan Tổng cục Môi trưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

Dự kiến trong năm 2022, Tổng cục sẽ tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 184 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Báo TN&MT

Tags chỉ tiêu về môi trường chất thải rắn sinh hoạt Bộ TN&MT

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục