Giải quyết úng ngập cho Thủ đô Hà Nội cách nào?

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/9/2020 | 12:17:40 PM

QLMT - Trước thực trạng các dự án thoát nước có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng liên tiếp bị “tắc” tiến độ, đội vốn đầu tư, khiến tình trạng ngập úng ở Thủ đô vẫn chưa được giải quyết như kỳ vọng, bên cạnh việc “hiến kế” giúp Hà Nội thoát ngập, nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng phải vào cuộc, không thể để tiếp diễn mãi cảnh vô lý “quýt làm, ngân sách chịu.”

Phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước

Như VietnamPlus đã phản ánh trong bài trước, từ năm 1998 đến nay, Hà Nội đã "bơm” hàng trăm triệu USD để triển khai các dự án thoát nước cho thành phố, đặc biệt là giải quyết các "điểm đen” ngập úng ở khu vực nội thị. Thế nhưng, 20 năm qua, các dự án vẫn lần lượt bị "tắc,” hệ quả là mưa xuống phố vẫn thành sông.

Dẫn lại bài học từ trận lụt năm 2008, phó giáo sư tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), cho biết Hà Nội đã từng xảy ra đợt mưa lũ khiến hàng triệu người dân phải sống trong cảnh lụt lội, thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân là do hệ thống thoát nước không đồng bộ nên không tiêu thoát kịp nước mưa.

Ở thời điểm ấy, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã thẳng thắn lên tiếng đề nghị lãnh đạo Hà Nội phải chịu trách nhiệm.

Sự việc trên càng đáng trách hơn khi trước đó, vào năm 1998, Hà Nội đã bắt tay vào xây dựng dự án cải tạo hệ thống thoát nước (dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1, hoàn thành vào năm 2005) với số tiền khoảng 200 triệu USD.” Ông Thuyết đề nghị thành phố Hà Nội cần "soi lại mình” và xử lý trách nhiệm của các ban ngành.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng cho rằng để xảy ra lụt lội trên có một phần trách nhiệm của thành phố Hà Nội. "Tất nhiên, để xảy ra thiệt hại có phần lý do khách quan là mưa quá lớn nhưng cá nhân tôi cũng như rất nhiều người mong Hà Nội có một quy hoạch, tầm nhìn xa hơn. Ví dụ, cống thoát nước ở ta rất nhỏ so với nước ngoài, chỉ một vài trận mưa là bùn đất lại tắc,” bà Khánh nói.

Về phía Hà Nội, sau trận mưa lũ gây gập khủng khiếp trên, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tiếp tục chi hàng chục nghìn tỷ đồng để triển khai các dự án tiêu thoát nước, nhưng đến nay, phần lớn các dự án vẫn bị "tắc” tiến độ; dự án đã vận hành cũng mới chỉ đáp ứng được một phần việc dẫn nước ra sông.

ngập Hà Nội
Cần nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, cho rằng để đối phó với biến đổi khí hậu, rõ ràng không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố; kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị; kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh.

Theo ông Nghiêm, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, thành phố phát triển nhanh thì cần phải có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Do vậy, cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố, với tầm nhìn trong khoảng 5 năm, 10 năm, 20 năm...

Hà Nội cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố, với tầm nhìn trong khoảng 5 năm, 10 năm, 20 năm...

Trong đó, chú trọng các vấn đề về cốt nền phù hợp từng khu vực, thoát nước mỗi khu vực riêng hài hòa với thoát nước cả thành phố, giữ lại nước mưa để tận dụng.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội, cũng nêu quan điểm cần có quy hoạch tích hợp tổng thể từ xây dựng, đô thị hóa, giao thông, thoát nước, xử lý thải… Bởi theo ông Ánh, những vấn đề đô thị như Hà Nội đang đối mặt cũng giống như nhiều thành phố trên thế giới đã trải qua.

Vì thế, đối với khu vực nội đô không có quỹ đất rộng, có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển không gian ngầm đa chức năng, trong đó có chứa nước khi cần; có thể phát triển không gian ngầm trong đô thị làm bãi đỗ xe, đường giao thông, hồ ngầm chứa nước mưa để tận dụng làm nước tưới cây, rửa đường, chữa cháy…

"Nếu có giải pháp kỹ thuật kết hợp được đa chức năng như vậy, vừa tiết kiệm tiền xây dựng, vừa sử dụng tài nguyên tiết kiệm trong điều kiện nước ngọt ngày càng hiếm, đô thị thông minh,” kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Vị chuyên gia Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội cũng lưu ý, để thực hiện các giải pháp trên, trước hết cần phải tách được nguồn nước thải ra khỏi nước mưa chảy tràn. Đối với nước thải của thành phố, cần có giải pháp khu trú từng vùng để xử lý làm sạch ngay tại nguồn, giảm thiểu ô nhiễm chứ không nên làm tập trung; xây dựng các trạm bơm thoát nước ven các sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… để rút ngắn quãng đường tập trung nước, tạo thành nhiều điểm cuối nguồn thoát nước.

mưa ngập
Cần nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Hiến kế giúp Hà Nội thoát ngập

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, thách thức lớn trong thoát nước đô thị hiện nay là việc đấu nối các hộ gia đình vào mạng lưới thoát nước thành phố. Hầu hết các dự án thoát nước nguồn vốn ODA đều không có hợp phần này. Sau dự án, việc đầu tư của chính quyền đô thị hay cộng đồng cho việc đấu nối rất khó thực hiện được.

Vì thế, tiến sỹ Nguyễn Việt Anh cho rằng việc lựa chọn sơ đồ tổ chức thoát nước, công nghệ thu gom, xử lý nước thải, mô hình tổ chức quản lý vận hành, đấu nối hộ gia đình, đảm bảo bù đắp chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát nước là các vấn đề cần lưu tâm trong xử lý nước thải đô thị.

Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường cũng lưu ý, mặc dù việc đầu tư cũng như quản lý hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ chính sách pháp luật, nguồn vốn, công nghệ cho tới ý thức tự nguyện của người dân. Tuy nhiên, nếu chúng ta có hướng đi phù hợp thì nó sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn.

Trước mắt, ngành thoát nước cần có những phương tiện cơ động để giải quyết úng ngập cục bộ, khi mà hệ thống thoát nước ở Hà Nội chưa thể sửa trong ngày một ngày hai...

Có chung quan điểm, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị biện pháp trước mắt là ngành thoát nước cần có những phương tiện cơ động để giải quyết úng ngập cục bộ, khi mà hệ thống thoát nước ở Hà Nội chưa thể sửa trong ngày một ngày hai.

Về lâu dài, Hà Nội cần điều chỉnh bổ sung dự án thoát nước, bởi lượng mưa của Hà Nội đã vượt quá mức tính toán; xây dựng một dự án điều chỉnh, trong đó cần chú trọng đến việc gia tăng các trạm cuối nguồn như trạm bơm Yên Sở, Liên Mạc; chú trọng kết nối với các khu dân cư và hệ thống thoát nước nhỏ; xem xét lại hệ thống giải quyết nước thải sinh hoạt tránh gây ách tắc cho hệ thống cống nguồn.

Bên cạnh giải quyết hệ thống thoát nước, Hà Nội cũng cần phải chú trọng đến việc điều hòa nước, bởi hiện nay toàn thành phố có hơn 100 hồ trong nội thành nhưng diện tích thoát nước bị lấp đi rất nhiều. Quan trọng hơn là phải thường xuyên nạo vét, làm sạch hồ để nâng cao hiệu quả thẩm thấu và điều hòa.


Hàng loạt phương tiện giao thông bị chất máy, người dân phải dắt bộ. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, thành phố Hà Nội và Bộ xây dựng cũng cần có quy định, bàn thảo với các chủ đầu tư khi xây dựng các dự án, nhằm đảm bảo thiết kế hệ thống thoát nước của các dự án phải khớp với hệ thống khung của thành phố, tránh tình trạng giải quyết điểm ngập này lại phát sinh điểm ngập mới.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cũng cho biết để giải quyết tình trạng úng ngập ở Thủ đô, thời gian tới, Hà Nội cần thực hiện đồng loạt các giải pháp như xây dựng bể ngầm, hồ chứa nước mưa để thu nước mưa tại chỗ, bảo đảm được hệ thống hồ điều hòa không bị san lấp sử dụng vào mục đích khác.

Cùng với đó, Hà Nội cần chủ động ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho việc xây mới, cải tạo, duy tu, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước. Chỉ khi nào Hà Nội hoàn thành công tác xây dựng hệ thống thoát nước đáp ứng lượng mưa trên 300mm trong hai ngày với cường độ lớn thì tình trạng ngập úng mới giảm.

Trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng các dự án "ngốn” hàng chục nghìn tỷ vẫn liên tiếp bị "tắc” tiến độ, đội vốn, Hà Nội không thể để tiếp diễn mãi cảnh vô lý "quýt làm, ngân sách chịu.”

Góp thêm ý kiến, phó giáo sư tiến sỹ Đào Trọng Tứ cho rằng để giải quyết tình trạng ngập úng, Hà Nội cần có quy hoạch đồng bộ hệ thống ngầm, cấp thoát nước. Tuy nhiên, trước tiên, Hà Nội cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống thoát nước xem tắc, nghẽn ở đâu để tháo gỡ.

"Hà Nội đã đầu tư quá nhiều tiền cho hệ thống thoát nước, vì thế nếu tắc vì tiền thì cân nhắc đầu tư thêm để đồng bộ hệ thống; nếu tắc vì lý do khác thì cũng cần phải đưa ra nghiên cứu, có góp ý của giới chuyên gia để giải quyết,” ông Tứ chia sẻ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng các dự án "ngốn” hàng chục nghìn tỷ vẫn liên tiếp bị "tắc” tiến độ, đội vốn, ông Tứ và nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội không thể để tiếp diễn mãi cảnh vô lý "quýt làm ngân sách chịu.” Tức là cá nhân, doanh nghiệp làm sai, còn ngân sách nhà nước thì phải chạy theo để giải quyết hậu quả. Nhà nước không thể bao cấp mãi về môi trường.

Đưa ra giải pháp thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành trong thời gian tới, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ nâng cấp Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước; nâng cấp phần mềm HSDC Maps (ứng dụng cảnh báo điểm ngập úng) trên điện thoại thông minh như thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh camera của điểm ngập, tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố...

Ngoài ra, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục vận hành 15 camera giám sát điểm úng ngập; chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị phương tiện cơ giới và các trạm bơm cục bộ hiện có để bơm nước chống úng ngập cục bộ ưu tiên giải quyết nhanh trên các trục đường chính, giải tỏa ách tắc giao thông khi có mưa lớn; triển khai ứng trực 24/24 giờ giải quyết thoát nước khi mưa, điều động toàn bộ nhân lực triển khai công tác thoát nước theo địa bàn được phân công./.

ngập úng
Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt là 1 trong 6 điểm không giảm ngập úng ở Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo Hùng Võ/Vietnam+

Tags Hà Nội mư to là ngập Hà Nội mưa ngập ngập úng

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục