Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Đại sứ Nhật bản taị Việt Nam ký biên bản ghi nhớ
Phát biểu tạp buổi lễ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong giai đoạn 2013-2020, việc thực hiện Cơ chế JCM đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo ra một kênh đầu tư mới cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Thông qua JCM, các doanh nghiệp được tiếp cận và áp dụng các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ các-bon thấp tiên tiến của Nhật Bản và được hỗ trợ tăng cường năng lực trong thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, trong bối cảnh thế giới đang cùng nhau hướng tới Hội nghị COP26 với những cam kết mới mạnh mẽ hơn nhằm đẩy lùi "khủng hoảng” khí hậu, việc Việt Nam và Nhật Bản ký kết gia hạn Bản ghi nhớ để triển khai Cơ chế JCM đến hết năm 2030 có ý nghĩa rất quan trọng. Đây không chỉ là cơ sở để hai Chính phủ thúc đẩy phát triển các hoạt động hợp tác mà còn thể hiện trách nhiệm của Chính phủ hai nước chúng ta trước thách thức mang tính thời đại nêu trên.
Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản được ký kết lần đầu vào tháng 7 năm 2013 và ký gia hạn vào tháng 6 năm 2017 với thời hạn đến hết năm 2020 để triển khai thực hiện Cơ chế tín chỉ chung JCM nhằm thúc đẩy đầu tư, phát triển các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ và cơ sở hạ tầng phát thải các-bon thấp tại Việt Nam trên cơ sở hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ Chính phủ Nhật Bản.
Các doanh nghiệp tham gia dự án theo Cơ chế JCM hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện và được Chính phủ Nhật Bản tài trợ một phần kinh phí thực hiện. Tín chỉ các-bon thu được từ hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các dự án được chia sẻ giữa Việt Nam và Nhật Bản theo thỏa thuận thống nhất giữa các doanh nghiệp tham gia và được Ủy ban hỗn hợp 02 nước quyết định, đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công bằng và có trách nhiệm chung. Qua 8 năm thực hiện Cơ chế tín chỉ chung JCM, đã có 15 phương pháp luận, 14 dự án được đăng ký, có 4.415 tín chỉ các-bon được cấp cho các dự án tương đương với 4.415 tấn CO2 được cắt giảm. Kinh phí hỗ trợ nhận được từ phía Nhật Bản cho Cơ chế JCM ước tính khoảng 35 triệu đô la Mỹ, chiếm gần 40% tổng kinh phí các dự án.
Cơ chế JCM đã mở ra một kênh đầu tư mới cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Ngoài cơ hội tiếp cận, áp dụng những công nghệ, sản phẩm, dịch vụ các-bon thấp tiên tiến của phía Nhật, doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia dự án JCM sẽ được hỗ trợ tăng cường năng lực thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việc triển khai Cơ chế này cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương tích lũy thêm kinh nghiệm xây dựng, quản lý thực hiện các dự án tạo tín chỉ các-bon theo yêu cầu quốc tế; qua đó, từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thực hiện các mục tiêu bắt buộc đã cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ ngoại lực, việc tận dụng hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ chế JCM sẽ thúc đẩy phát triển đất nước theo sát định hướng về kinh tế xanh, thân thiện với môi trường đã nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; góp phần triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường sắp có hiệu lực vào đầu năm 2022, đặc biệt trong thực hiện các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, tạo tiền đề cho phát triển thị trường các-bon trong nước trong tương lại gần. Việc ký và triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ cũng đã và sẽ tiếp tục thắt chặt quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược sâu rộng, toàn diện; nổi bật trên các phương diện kinh tế, thương mại, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giữa hai Chính phủ.
Trước khi ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp giữa Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có trao đổi song phương qua hình thực trực tuyến với Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yamaguchi Tsuyoshi. Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi về các nội dung thực hiện cơ chế JCM trong thời gian tới; sử dụng mô hình đánh giá tổng thể về biến đổi khí hậu (AIM) làm cơ sở xây dựng chiến lược dài hạn về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và trung hòa các-bon; Chương trình nghị sự Biến đổi khí hậu Nhật Bản - ASEAN 2.9 dự kiến sẽ được thảo luận tại Cuộc họp cấp Bộ trưởng và Hội nghị thượng đỉnh Môi trường Nhật Bản - ASEAN sắp tới; chuẩn bị Kỳ họp Đối thoại chính sách môi trường Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 7 và Tuần lễ Môi trường Việt Nam - Nhật Bản vào tháng 12/2021.
Người đứng đầu Bộ TN và MT Việt Nam mong muốn cơ chế hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu trong phát triển và chuyển giao công nghệ, thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản.
Kết quả của sự hợp tác này đã cung cấp luận cứ để Việt Nam xem xét và đưa ra quyết tâm chính trị về thời điểm đạt đỉnh phát thải và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hoà các-bon. Dự kiến, tại Hội nghị COP26 tới đây, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ có tuyên bố về mục tiêu giảm phát thải đến năm 2030 mạnh mẽ hơn so với NDC cập nhật cũng như thời điểm Việt Nam quyết tâm đạt mức trung hoà các-bon.
Bảo Ngọc