Phát biểu tại Hội thảo, thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: "Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Từ đó, kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, hạn chế chất thải ra môi trường, nhưng vẫn thúc đẩy phát triển kinh tế. So với kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích đối với quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp”.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội thảo
Chính sách của Việt Nam trong phát triển kinh tế tuần hoàn
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đều "khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Luật Bảo vệ môi trường 2020 (BVMT 2020) đã có hẳn một điều riêng quy định về kinh tế tuần hoàn (Điều 142).
Để triển khai thi hành Luật BVMT 2020, Bộ TN&MT đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, trong đó, có nội dung quy định tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, tiêu chí chung của kinh tế tuần hoàn là sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường: giảm chất thải, chất ô nhiễm; giảm mức độ suy thoái của hệ sinh thái; giảm phát thải khí nhà kính; bảo tồn đa dạng sinh học.
Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp và các cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Bộ TN&MT sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn trước ngày 31/12/2023; xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; ban hành khung hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn. Nhà nước ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn; cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn.
Đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến
Khởi động Mạng lưới kinh tế tuần hoàn quốc gia
Tại Hội thảo, Bộ TN&MT đã giới thiệu và chính thức khởi động Mạng lưới kinh tế tuần hoàn quốc gia của Việt Nam, do Bộ TN&MT (đầu mối là Viện CLCS TNMT) cùng với Chương trình phát triển liên hợp quốc UNDP Việt Nam và các Đại sứ quán Hà Lan, Na-uy và Phần Lan phối hợp xây dựng.
Đại diện UNDP Việt Nam cho biết, mục tiêu của mạng lưới kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực của các bên liên quan từ các cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách đến các tổ chức xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu,... để tích hợp được nguồn lực về kỹ thuật, tài chính để thúc đẩy sự chuyển dịch này.
Mạng lưới kinh tế tuần hoàn của Việt Nam sẽ bao gồm 5 hợp phần chính: Đối thoại chính sách; chia sẻ kiến thức và nghiên cứu điển hình; thông tin về tài chính; diễn đàn doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu. Mạng lưới sẽ vận hành theo hình thức đối tác công tư, Bộ TN&MT, Viện CLCS TNMT, UNDP sẽ quản lý và điều hành mạng lưới này. Các hoạt động điều phối của mạng lưới sẽ được thực hiện bởi Hội đồng cố vấn do các nhóm công tác hỗ trợ. Các thành viên của Hội đồng cố vấn sẽ bao gồm các nhà hoạch định chính sách, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức xã hội.
Khởi động Mạng lưới kinh tế tuần hoàn, Thứ trưởng Nguyễn Tuấn Nhân kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực, chủ động trao đổi và triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Đại diện Bộ TN&MT tin tưởng, mạng lưới kinh tế tuần hoàn quốc gia sẽ phát triển nhanh chóng, đóng góp vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn một cách thực chất và hiệu quả trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ngọc Anh