Bảo vệ rừng tự nhiên
Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, hiện nay, rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đang bị phá, lấn chiếm chủ yếu để lấy đất canh tác. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua, nhưng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Với quyết tâm đẩy lùi tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng, các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, quản lý đã ngăn chặn, phát hiện kịp thời phần lớn các vụ phá rừng. Do đó, tình trạng phá rừng, diện tích rừng thiệt hại đã giảm nhiều so với trước đây.
Theo số liệu cung cấp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Nông, trong năm 2020, lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng đã phối hợp kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ xử lý 792 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Cụ thể, phá rừng trái pháp luật 425 vụ, thiệt hại 109ha rừng; lấn chiếm đất rừng 4 vụ, thiệt hại 0,8ha; khai thác rừng trái phép 77 vụ, với khối lượng gỗ 245m3.
Trong đó, các đơn vị chức năng đã xử phạt hành chính 747 vụ, xử lý hình sự 10 vụ, chuyển hồ sơ 4 vụ để cơ quan Công an tiếp tục điều tra. Phá rừng trái phép chủ yếu xảy ra tại các huyện Đắk Glong 257 vụ (thiệt hại 74ha rừng), Đắk Song xảy ra 125 vụ (thiệt hại 26ha rừng), Tuy Đức 29 vụ (thiệt hại 4,2ha rừng), Gia Nghĩa 8 vụ (thiệt hại 2,4ha rừng)…
Nhằm bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, năm 2021, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã đặt mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 38,15%, tập trung xây dựng đề án phát triển rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế, xã hội, ổn định dân cư, thực hiện các phương án quản lý, bảo vệ rừng bền vững, phấn đấu giảm 50% số vụ vi phạm lâm luật và 50% diện tích rừng thiệt hại so với năm 2020 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Nông đề ra.
Ngành Lâm nghiệp với vai trò quản lý Nhà nước sẽ tăng cường lực lượng Kiểm lâm và đưa ra các giải pháp huy động sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. Ngành Lâm nghiệp cũng đặc biệt quan tâm và tập trung lực lượng ở các địa phương, vùng có điểm nóng để từng bước giải quyết tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tự nhiên.
Các biện pháp tăng cường độ che phủ rừng
Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025 tỉ lệ độ che phủ rừng đạt trên 40% và đến năm 2030 là 42%... Tập trung nguồn lực để quản lý, bảo vệ tốt 196.285 ha rừng tự nhiên hiện có. Đến năm 2030 giá trị xuất khẩu lâm sản tăng 1,5 – 2 lần so với năm 2020, từng bước tiếp cận với thị trường thương mại carbon.
Để đạt những mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho các đơn vị chức năng khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, lực lượng chức năng tiến hành rà soát và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật và các tồn đọng trong giao đất, giao rừng. Các đơn vị được giao rừng tăng cường công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm tất cả các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.
UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm về các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển và khai thác rừng, đất lâm nghiệp thuộc địa bàn quản lý... các ngành chức năng xác định khu vực trọng điểm, điểm nóng về khai thác, vận chuyển, phá rừng, lấn chiếm đất rừng; xây dựng phương án bảo vệ rừng sát với tình hình thực tế địa phương.
Quá trình phát triển rừng phải gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; đẩy mạnh hoạt động chế biến gỗ, lâm sản, hình thành ngành kinh tế lâm nghiệp bền vững; huy động các nguồn lực tham gia quản lý, bảo vệ rừng... Hiện ngành Lâm nghiệp, các huyện, thành phố của Đăk Nông đang triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Theo đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, riêng trong năm 2021, tỉnh đã đặt mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 38,15%. Để đạt mục tiêu này, các đơn vị chức năng phải tổ chức thực hiện hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp, tiếp tục sắp xếp, chuyển đổi các công ty lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động. Ngành Nông nghiệp tập trung xây dựng đề án phát triển rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế, xã hội, ổn định dân cư; đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng và thực hiện các phương án quản lý, bảo vệ rừng bền vững.
Lâm Hà