Quy định rõ khu vực xử lý
Kế hoạch nêu rõ, tại các khu vực cách ly, phòng cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung: Chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, trang phục phòng hộ cá nhân phát sinh từ khu vực cách ly phòng cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung phải được phân ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Trường hợp xuất hiện ca mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19, tất cả chất thải tại phòng cách ly của người này phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV- 2”.
Rác thải y tế lây nhiễm phải được thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng quy trình
Thu gom riêng thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 từ khu vực/phòng cách ly về khu lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở ít nhất 2 lần/ngày hoặc khi cần. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.
Thực hiện vận chuyển thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế gần nhất bằng xe chuyên dụng để xử lý trong ngày. Thùng đựng chất thải phải có thành cứng chịu được va đập, bên ngoài thùng có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Trong qua trình vận chuyển, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.
Tại phòng cách ly y tế ở nhà, nơi lưu trú: Chất thải phát sinh từ phòng cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú bao gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng thải bỏ của người được cách ly phải được bỏ vào túi đựng chất thải, sau đó, xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải có lót túi, có nắp đậy kín đặt ở trong phòng của người được cách ly.
Tại khu vực phong tỏa phòng chống dịch COVID-19, tất cả các loại chất thải phát sinh của nhà bệnh nhân phải được coi là chất thải lây nhiễm và thu gom vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi rồi cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Đồ vải như quần áo, chăn màn, ga gối của bệnh nhân cần được ngâm ngập hoàn toàn dung dịch khử trùng chứa 0,05% Clo hoạt tính trong thời gian tối thiểu 20 phút trước khi giặt sạch….
Bên cạnh việc hướng dẫn thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý rác thải y tế lây nhiễm, UBND thành phố Hà Nội còn đưa ra phương án cụ thể về phân luồng xử lý chất thải y tế lây nhiễm cho các đơn vị có nhiệm vụ xử lý lượng rác thải này.
Phối hợp thống nhất phương án xử lý
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Hải Dương để phối hợp, thống nhất phương án cho phép đối với Công ty TNHH Đầu tư thương mại và phát triển Bình Nguyên và Công ty TNHH sản xuất Dịch vụ thương mại Môi trường Xanh vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống và điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố về xử lý tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương trước khi thực hiện. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế của 2 đơn vị trên.
Ảnh minh hoạ
Trong khi đó, Sở Y tế có nhiệm vụ tổng hợp số liệu các điểm/khu cách ly và điều trị người bệnh trên địa bàn để các đơn vị chức năng kịp thời phân luồng, giám sát đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải COVID-19 phát sinh; hướng dẫn, tuyên truyền, giám sát việc phân loại chất thải lây nhiễm tại các cơ sở y tế đảm bảo phân loại triệt để; phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND các quận, huyện, thị xã nơi có cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 trong công tác phân loại, lưu giữ, bàn giao chất thải lây nhiễm tại cơ sở cho đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại lây nhiễm.
UBND các quận, huyện, thị xã phải chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để nắm bắt tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm trên địa bàn và khoanh vùng để quản lý chặt chẽ chất thải phát sinh theo quy định; tuyên truyền và giám sát việc phân loại, lưu giữ các loại chất thải phát sinh tại nơi cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, tại các khu vực phong tỏa chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, các đơn vị chức năng phải tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động phòng, chống và điều trị người bệnh mắc Covid-19….
Hiện, thành phố Hà Nội có gần 300 cơ sở cách ly, trong đó có 20 cơ sở do UBND thành phố thành lập; 254 cơ sở do UBND quận, huyện, thị xã thành lập và 4 cơ sở cách ly trong doanh trại quân đội. Dù các cơ sở này mới chỉ tiếp nhận một phần công suất nhưng lượng rác thải y tế phát sinh trong công tác phòng, ngừa bệnh Covid -19 tại các cơ sở cách ly là rất lớn, cộng với đó là lượng rác thải y tế từ các khu cách ly; phòng cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú; tại khu vực phong tỏa; khu điều trị; các cơ sở sản xuất, cụm công nghiệp…
Phạm Oanh
baotainguyenmoitruong.vn