Không có "vùng cấm" trong xử lý vi phạm môi trường

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/9/2021 | 4:05:33 PM

Thời gian qua, tình trạng vi phạm, gây ô nhiễm môi trường tiếp tục có diễn biến phức tạp, kéo theo đó, loại hình tội phạm trong lĩnh vực môi trường có xu hướng gia tăng, tác động tiêu cực đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người đứng đầu ngành công an cũng yêu cầu lực lượng được giao thực thi nhiệm vụ phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này phải nêu cao trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh với tội phạm, không có “vùng cấm”.

Kết quả xử lý vi phạm năm sau cao hơn năm trước

Mới đây, Thanh tra của Tổng cục Môi trường đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PCTPMT) tiến hành thanh tra, xác định vi phạm đối với một số DN vi phạm pháp luật môi trường, điển hình như: Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau), Công ty TNHH Bia Sài Gòn (chi nhánh Ninh Thuận), Trung tâm Quản lý hạ tầng Khu kinh tế, Khu Công nghiệp Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh)… Các DN, tổ chức bị xác định vi phạm do có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường, thực hiện không đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường…
 

Lực lượng Cảnh sát PCTPMT kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong xả thải nước ra môi trường tại một doanh nghiệp. Ảnh: Internet

Thông tin về kết quả các mặt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường những tháng đầu năm của Cục Cảnh sát PCTPMT nêu rõ: Lực lượng PCTPMT nói chung, Cục Cảnh sát PCTPMT nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động; chủ động, tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Lực lượng PCTPMT đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành thanh, kiểm tra và xác định các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường để kiến nghị hình thức xử lý phù hợp.

Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật của lực lượng PCTPMT có nhiều chuyển biến, đã tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực, chuyên đề trọng điểm, tỷ lệ khởi tố/đề nghị khởi tố vụ án hình sự tăng lên. Công tác phòng ngừa tội phạm, việc thực hiện các chỉ tiêu công tác được tập trung chỉ đạo quyết liệt và có sự đổi mới...

Đặc biệt, trong công tác nghiệp vụ, phối hợp xử lý vi phạm, bước đầu đã kiến nghị nhiều đơn vị cấp phòng ở địa phương trực tiếp căn cứ vào cái tài liệu trinh sát của Cục để đấu tranh và chuyển giao Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự. 

Nhìn tổng thể chung, số vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường được phát hiện xử lý năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, trong năm 2020 tăng 3,1%.

Kiên quyết xử lý tội phạm về môi trường, không có "vùng cấm"

Việc đẩy mạnh đấu tranh PCTPMT cũng là chủ trương chung được các Bộ, ngành chức năng triển khai thực hiện trong thời gian qua. Hiện nay, ngoài lực lượng nòng cốt là Cảnh sát PCTPMT và thanh tra chuyên ngành về môi trường (thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường), việc phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý vi phạm về môi trường được nhiều cơ quan thực hiện, trong đó có KTNN, Thanh tra Chính phủ và các địa phương. 

Tại buổi làm việc với Cục Cảnh sát PCTPMT mới đây, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc xử lý các vi phạm hiện nay vẫn chưa tương xứng với tình hình phức tạp trên thực tế. Với trung bình khoảng hơn 20.000 vụ vi phạm được phát hiện, xử lý mỗi năm, nhưng chủ yếu là xử lý hành chính nên hiệu quả răn đe chưa cao. Mức xử phạt hành chính hiện nay cũng thấp, không tương xứng với hành vi vi phạm. 

Lưu ý về loại hình tội phạm trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong những cuộc tiếp xúc cử tri thời gian qua cho thấy hơn 50% các vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến môi trường; những lo lắng, bất an của cử tri đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm… Tình hình này đặt ra cho lực lượng PCTPMT những yêu cầu nhiệm vụ nặng nề hơn. 

Theo đó, để nâng cao hiệu quả trấn áp tội phạm này, lực lượng PCTPMT cần nâng cao hiệu quả công tác, tăng cường phối hợp với các lực lượng trong vào ngoài ngành Công an để xử lý; đi đôi với đó là tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động nghiệp vụ, xử lý nghiêm các trường hợp bảo kê, bao che, làm ngơ cho vi phạm...
 
Liên quan đến lĩnh vực môi trường, thời gian qua KTNN đã thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường như kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải các khu công nghiệp, quản lý môi trường của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, tỉnh Bình Thuận; quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội; về các biện pháp giảm sử dụng túi ni lông và quản lý nhập khẩu phế liệu… Ngoài ra, hoạt động kiểm toán lĩnh vực môi trường còn được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán khác. Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, gây ảnh hưởng đến môi trường, như: Việc chôn lấp rác thải không đúng quy trình, gây ô nhiễm môi trường; nguồn nước xả thải vượt quy chuẩn; không có báo cáo đánh giá tác động môi trường… Từ đó, KTNN kiến nghị xử lý đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm; kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện chính sách liên quan đến vấn đề môi trường.

Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng nhằm giảm thiểu vi phạm pháp luật về môi trường, các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cũng tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện nhằm quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua, cũng đã bổ sung nhiều quy định về thanh tra, kiểm tra và một số quy định đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, các chế tài xử lý vi phạm sẽ được sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn, từ đó tạo sự răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm.

Nguyễn Lộc
Nguồn: baokiemtoannhanuoc.vn

Tags Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thanh tra xác định vi phạm vi phạm pháp luật lĩnh vực môi trường xử lý vi phạm

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục