Bảo tồn đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/8/2021 | 8:31:19 AM

Hệ thống rừng đặc dụng (RĐD) trên địa bàn tỉnh có 2 vườn quốc gia (VQG), 3 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN), 2 khu bảo tồn loài, 4 khu di tích lịch sử văn hóa với tổng diện tích trên 82.123 ha. Trong đó, phần lớn diện tích thuộc VQG Bến En và 3 khu BTTN Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên đại diện cho các hệ sinh thái rừng đặc trưng trên núi đá vôi, núi đất. Hiện nay, RĐD trên địa bàn tỉnh có rất nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

Khu BTTN Xuân Liên
Khu BTTN Xuân Liên

Khu BTTN Xuân Liên có diện tích 23.815,5 ha, trong đó gần 4.000 ha rừng nguyên sinh với nhiều loài thực vật quý hiếm, cổ thụ hàng nghìn năm tuổi. Đây là khu RĐD lớn nhất tỉnh và là một trong các trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) lớn của Việt Nam. Kết quả điều tra hệ thực vật Khu BTTN Xuân Liên có 1.142 loài thực vật bậc cao, trong đó 38 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục Đỏ IUCN (2012); hệ động vật có 1.631 loài, với 64 loài đặc hữu quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, trong đó khu hệ thú có 80 loài, với 27 loài thuộc danh lục quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa cao cần bảo vệ nghiêm ngặt, như: gấu chó, gấu ngựa, bò tót, mang, sơn dương và các loài thú trong bộ linh trưởng như: vượn đen má trắng, voọc xám, các loài khỉ... Đặc biệt, khu bảo tồn còn là nơi phân bố số lượng quần thể lớn nhất Việt Nam với loài vượn đen má trắng, gồm 129 cá thể và trên 200 cá thể voọc xám, xác định cho khoa học sự tồn tại của loài "Mang Roosevelt” hay còn gọi là "Mang Lào” được coi là đã bị tuyệt chủng gần 100 năm nay... Với tính ĐDSH cao như vậy nên từ năm 2015 đến nay, thông qua các chương trình, dự án, khu bảo tồn đã thực hiện thành công nhiều dự án, đề tài nhằm nâng cao tính ĐDSH... Qua đó, góp phần bảo tồn ĐDSH, gìn giữ nguồn gen, bảo vệ có hiệu quả các loài động, thực vật, đặc biệt là các loài đặc hữu, quý hiếm tại khu bảo tồn.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay ở các khu bảo tồn, VQG có 1.417 loài thực vật rừng, thuộc 712 chi, 191 họ, 76 bộ, 9 lớp và 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có 58 loài trong IUCN năm 2012, 46 loài trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007. Về động vật rừng có 1.811 loài động vật hoang dã thuộc 241 họ, 46 bộ, 4 lớp, trong đó có 94 loài nguy cấp, quý hiếm, gồm: 28 loài thú, 35 loài chim, 15 loài bò sát, 6 lưỡng cư, 6 loài côn trùng, 4 loài cá. Có 34 loài ở mức đe dọa toàn cầu được ghi trong Danh lục Đỏ IUCN- 2012; 56 loài ở mức đe dọa của Việt Nam được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam - 2007 và 71 loài được ghi trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Từ năm 2011 đến nay, đã điều tra phát hiện, bổ sung 402 loài thực vật, 25 loài thú, 58 loài chim, 14 loài bò sát, trong đó có loài rắn khuyết Nam Động, 9 loài lưỡng cư và phát hiện nhiều quần thể động vật quý có giá trị cho khoa học. Bên cạnh đó, các khu bảo tồn, VQG còn là nơi lưu giữ, bảo tồn rất nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn gen của các loài đặc hữu.

Để bảo tồn tính ĐDSH ở các khu bảo tồn, VQG, giai đoạn 2013-2020, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai 65 nhiệm vụ, đề án khoa học và công nghệ, dự án, nhiệm vụ về bảo tồn ĐDSH, được triển khai thực hiện tại các khu BTTN, VQG, như: "Bảo tồn và phát triển loài lim xanh ở VQG Bến En”; Dự án "Điều tra, bảo tồn loài voọc xám, các loài cu li tại khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động”; "Điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng Khu BTTN Pù Luông”; "Điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài khỉ thuộc giống Macaca ở Khu BTTN Xuân Liên; "Điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố và bảo tồn loài rùa đầu to và rùa núi viền tại Khu BTTN Pù Hu”... Ngoài ra, triển khai thực hiện các chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; điều tra, thống kê hiện trạng, quan trắc, lập danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm; lưu giữ, bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ đối với các nguồn gen động, thực vật quý hiếm tại địa phương; mô hình quản lý khu BTTN có sự tham gia của cộng đồng và chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các bên; kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại...

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo chi cục kiểm lâm chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, gìn giữ và bảo vệ an toàn diện tích RĐD hiện có. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, cộng đồng dân cư về quản lý ĐDSH, BTTN, quản lý RĐD, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Triển khai nhiều dự án nghiên cứu khoa học, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm... Qua đó, góp phần gìn giữ các giá trị quý giá của tài nguyên rừng, tài nguyên ĐDSH của tỉnh.

Khắc Công 
Nguồn: Báo Thanh Hóa

Tags bảo tồn đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên vườn quốc gia động vật hoang dã

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục