Ưu tiên nguồn lực để phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/7/2021 | 8:13:08 AM

Từ năm 2008, Đồng Nai đã triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn. Tuy vậy, từ đó đến nay, dù đã triển khai nhân rộng mô hình nhiều lần trong cộng đồng dân cư, từ ấp, khu phố đến huyện, thành phố nhưng việc phân loại CTRSH vẫn chưa đạt như yêu cầu đề ra.

Phân loại chất thải tái chế tại TP.Long Khánh. Ảnh: Lê An
Phân loại chất thải tái chế tại TP.Long Khánh. Ảnh: Lê An

Nguyên nhân là 2/3 phương tiện vận chuyển không đáp ứng yêu cầu; khoảng 80% xã, phường không có bãi rác tạm; nhiều huyện thiếu điểm trung chuyển và khu xử lý chất thải; công tác thu gom còn nhiều bất cập. Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng của UBND tỉnh vào cuối tháng 6, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục thực hiện và ưu tiên nguồn lực để phân loại và xử lý CTRSH tại nguồn giai đoạn 2021-2025 đạt mục tiêu đề ra.

Hạ tầng chưa đảm bảo

Hơn 10 năm trước, bà Huỳnh Thị Út cùng nhiều hộ gia đình trên địa bàn P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) tiên phong thực hiện thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn. Bà Út cho biết, chất thải từ rau củ quả và thức ăn thừa bà Út dồn vào thùng rác màu xanh. Nhựa cứng, túi ny-lông, chai lọ thủy tinh, bà Út cho vào thùng rác màu vàng. Chai nhựa, hộp giấy, vỏ lon bằng kim loại bà cho vào bao tải bán ve chai, tiền bán ve chai đủ mua bịch ny-lông và đóng phí thu gom rác thải mỗi tháng.

Trong khu phố của bà Út hiện không nhiều gia đình còn duy trì phân loại CTRSH vì túi ny-lông chính quyền cấp đã hết, thùng rác đã hỏng. Chất thải phân loại riêng nhưng người đi thu gom rác lại bỏ chung một xe chở đi.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, hiện nay các cơ quan, đơn vị hành chính và trường học của thành phố thực hiện khá tốt việc phân loại CTRSH tại nguồn. Tuy nhiên, tỷ lệ này tại các hộ gia đình, khu dân cư còn thấp vì nhiều người dân chưa có ý thức thực hiện, hạ tầng để phân loại chất thải vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ. Cụ thể, rất nhiều phường, xã chưa có bãi rác tạm. Thành phố thiếu điểm trung chuyển rác. Nhiều đơn vị thu gom rác chưa đầu tư xe chuyên dụng 2 ngăn, cũng chưa tổ chức thu gom các loại chất thải theo ngày. "Người dân bức xúc và không thực hiện phân loại CTRSH là có lý do. Chất thải người dân phân loại riêng rồi, đơn vị thu gom rác lại gom chung cùng một chỗ trên xe” - ông Nguyên chia sẻ.

Trên địa bàn H.Thống Nhất có 4 điểm trung chuyển chất thải, có 7 HTX và 8 tổ hợp tác thu gom CTRSH trong cộng đồng. Mỗi xã đều có 1 ấp được chọn thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn nhưng theo đánh giá của địa phương, tâm lý và ý thức thực hiện của người dân chưa cao.

Ông Nguyễn Huy Du, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Thống Nhất cho rằng, hạ tầng để thực hiện phân loại CTRSH tại các ấp thí điểm cơ bản đáp ứng nhưng tâm lý người dân không muốn làm vì nguồn chất thải thứ phát. Theo ông Du, trên địa bàn huyện có nhà máy xử lý CTRSH. Hằng ngày, rác của 8 huyện, thành phố được chở về nhà máy này bằng xe tải. Quá trình vận chuyển làm rơi vãi rác, rỉ nước rác xuống đường gây ô nhiễm khiến người dân rất bức xúc.

Trưởng phòng TN-MT H.Long Thành Nguyễn Hoàng Nghĩa cho hay, các bãi tập kết CTRSH trên địa bàn huyện đều là tạm thời, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan. Mới đây, Phòng TN-MT huyện đã cập nhật 6 vị trí xây dựng các bãi tập kết CTRSH theo tiêu chuẩn tại các xã, thị trấn, nhưng còn phải chờ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, phê duyệt vốn mới có thể triển khai.

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, hiện tỷ lệ thu gom các loại chất thải trên địa bàn tỉnh đều đạt tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, việc phân loại CTRSH, vận chuyển và xử lý chất thải sau phân loại còn nhiều hạn chế. Đó là, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại CTRSH còn thấp. Ở các vùng nông thôn, người dân còn có thói quen tự xử lý CTRSH bằng cách chôn lấp hoặc đốt.

Công nhân phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Nhà máy xử lý rác Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu)
Công nhân phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Nhà máy xử lý rác Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu)

Hiện toàn tỉnh có 189 đơn vị tham gia thu gom, với gần 500 xe vận chuyển chất thải nhưng chỉ có 116 xe chuyên dụng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, còn lại phương tiện thô sơ. Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 9 khu xử lý chất thải với 17 dự án nhưng mới có 7 khu với 11 dự án đang hoạt động, còn lại đã tạm ngưng hoạt động hoặc đang trong quá trình đầu tư, nhiều địa phương phải vận chuyển chất thải đi hơn 50km mới đến nhà máy xử lý.

Đầu tư hạ tầng cho phân loại và xử lý chất thải

Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Phạm Việt Phương cho rằng, việc thực hiện phân loại CTRSH ở 15 phường, xã trên địa bàn thành phố đang có những chuyển biến tích cực, có phường đạt tỷ lệ 100% người dân thực hiện.

Để làm được điều này, thành phố đã xây dựng kế hoạch và đưa vào tiêu chí đánh giá công vụ đối với lãnh đạo các phường, xã. Thành phố cũng đầu tư trạm trung chuyển chất thải tại P.Suối Tre. Trong quy hoạch 1/500 đang triển khai và các khu dân cư mới, thành phố bố trí quỹ đất làm bãi tập kết rác. Chất thải phân loại ở hộ gia đình sẽ được đưa ra bãi tập kết, từ bãi tập kết về trạm trung chuyển, rồi về nhà máy xử lý.

Đại diện lãnh đạo TP.Biên Hòa cho rằng, khó khăn trong quản lý CTRSH của địa phương hiện nay là không có quỹ đất phù hợp để làm các bãi rác tạm, điểm trung chuyển chất thải. Một số phường, xã có quỹ đất nhưng không đảm bảo khoảng cách với các hộ gia đình xung quanh, người dân không đồng tình quy hoạch bãi rác gần nhà. Thành phố không thể yêu cầu đơn vị thu gom chuẩn hóa phương tiện 100% do nhiều hẻm khá nhỏ, xe ba gác không vào được. Tỷ lệ dân nhập cư, đặc biệt là công nhân lao động đông, việc vận động người dân phân loại rác, bỏ rác đúng giờ cũng còn nhiều khó khăn.

Là địa phương đang tiếp nhận và xử lý CTRSH cho 8 huyện, thành phố, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Thống Nhất Nguyễn Huy Du kiến nghị Sở GT-VT tăng cường kiểm tra tải trọng các xe vận chuyển rác trên đường; Sở TN-MT yêu cầu các HTX, doanh nghiệp vận chuyển chất thải đầu tư xe chuyên dụng để giảm phát sinh ô nhiễm thứ cấp; chỉ đạo nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn lắp đặt camera trên đường và cung cấp thông tin, số liệu về cho tổ giám sát cộng đồng của huyện.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, việc thiếu các bãi, điểm trung chuyển chất thải đảm bảo tiêu chí về môi trường; thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng là tồn tại dẫn đến phân loại CTRSH chưa đạt hiệu quả cao.

Theo Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất thải theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025 và Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, các đơn vị, địa phương phải từng bước khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý hiện nay; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ CTRSH.

Cụ thể, các địa phương phải ưu tiên nguồn lực cho phân loại, thu gom và xử lý CTRSH. Yêu cầu các đơn vị tham gia đấu giá vận chuyển rác phải có xe chuyên dùng. Sở TN-MT yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu xử lý chất thải theo quy hoạch, nâng công suất các khu theo thiết kế; hỗ trợ các khu xử lý chất thải chuyển đổi, áp dụng công nghệ mới để tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải. Các đơn vị, địa phương đánh giá lại hiện trạng và xây dựng kế hoạch đảm bảo đến hết năm 2023 các địa phương có đủ công trình, trạm trung chuyển, nguồn vốn đáp ứng hiệu quả phân loại và xử lý quản lý CTRSH.

Lãnh đạo Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem lại quy hoạch khu xử lý chất thải. Hiện nay, nhiều địa phương có khối lượng chất thải phát sinh hằng ngày lớn như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch không có khu xử lý CTRSH; H.Trảng Bom có khu xử lý CTRSH nhưng rác thải của địa phương này phải chở đi nơi khác do đơn vị xử lý rác trên địa bàn không trúng thầu.     

----------------------------------------------
Giảm 2 khu, 3 dự án xử lý chất thải

Theo quy hoạch hạ tầng xử lý chất thải giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai có 9 khu với 17 dự án xử lý chất thải. Tính đến hết tháng 6-2021, có 2 khu, 3 dự án đã ngưng hoạt động; còn 7 khu, 11 dự án thực hiện tiếp nhận, xử lý chất thải các loại.

Đó là: Khu xử lý chất thải Bàu Cạn (H.Long Thành) với 2 dự án xử lý chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, khối lượng 580 tấn/ngày. Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) có 3 dự án xử lý các loại chất thải công nghiệp thông thường và nguy hại, chất thải sinh hoạt, chất thải y tế đang hoạt động với tổng khối lượng 280 tấn/ngày. Khu xử lý chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất) có 2 dự án tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp với tổng khối lượng hơn 1,4 ngàn tấn/ngày. Các khu xử lý có 1 dự án đang hoạt động là: Khu xử lý chất thải Tây Hòa (H.Trảng Bom) xử lý chất thải nguy hại, thông thường khoảng 100 tấn/ngày; Khu xử lý chất thải Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ) xử lý chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt với khối lượng gần 115 tấn/ ngày; Khu xử lý chất thải Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) xử lý CTRSH và chất thải nguy hại khối lượng gần 130 tấn/ngày; Khu xử lý Túc Trưng (H.Định Quán) hiện tiếp nhận và xử lý CTRSH khoảng 110 tấn/ngày.

Lê An
Nguồn: Báo Đồng Nai

Tags Đồng Nai ưu tiên nguồn lực phân loại rác thải xử lý chất thải sinh hoạt

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục