Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam chung tay phòng, chống Covid-19

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/7/2021 | 10:29:42 AM

QLMT - Trong thời gian vừa qua, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (VUREIA) đã có nhiều hoạt động thiết thực như động viên, giúp đỡ người lao động đang trực tiếp tham gia tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19.

Để tìn hiểu rõ hơn hoạt động của Hiệp hội, Chuyên trang Quản lý môi trường (quanly.moitruongvadothi.vn) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco Hà Nội), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam.

PV: Ngày 23-7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch Covid - 19, với tư cách là Tổng Giám đốc Urenco Hà Nội, xin ông cho biết Urenco Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hành động như thế nào để triển khai văn bản nói trên?

Ông Nguyễn Hữu Tiến:

Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/07/2021, Urenco Hà Nội đã ban hành Thông báo số 11 ngày 24/07/2021 về việc thực hiện Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND thành phố  trong đó có những nội dung sau:

1. Phổ biến quán triệt đến toàn thể cán bộ công nhân viên (CBCNV), người lao động thực hiện nghiêm túc các nội dung Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/07/2021 của UBND TP Hà Nội và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ Tướng Chính phủ.

2. Lập phương án bố trí 50% số CBCNV gián tiếp thực hiện làm việc tại nhà, làm việc trực tuyến từ xa kể từ 0h ngày 19/07/2021 theo đúng số lượng quy định, chủ động giao việc, kiểm việc cho đến khi có yêu cầu, chỉ thị của thành phố. Đối với cán bộ điều hành sản xuất bố trí theo hướng tinh gọn nhất, tăng cường công tác điều hành chỉ đạo bằng phương tiện thông tin liên lạc, mạng trực tuyến, zalo…

3. Tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như quy định 5k, quét mã QR…

4. Cấp phát khẩu trang kháng khuẩn, dung dịch rửa tay sát khuẩn và các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với các CBCNV, người lao động của Công ty.

PV: Urenco Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện như thế nào để triển khai "4 tại chỗ” theo tinh thần Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ? Những thuận lợi, khó khăn?

Ông Nguyễn Hữu Tiến:

Về việc xây dựng kế hoạch triển khai "4 tại chỗ” theo tinh thần chỉ 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Urenco Hà Nội đã triển khai như sau:

1. Chỉ huy tại chỗ: Thực hiện chế độ trực điều hành sản xuất 24/7 chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, khi có yêu cầu từ cấp trên.

2. Lực lượng tại chỗ: Triển khai lực lượng công nhân được trang bị đầy đủ quần áo phòng chống dịch Covid-19 theo đúng quy định, đeo khẩu trang, găng tay y tế tại các điểm cách ly. 

3. Phương tiện tại chỗ: Chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện phục vụ cho công tác vận chuyển rác thải tại các khu cách ly đưa đi xử lý chất thải đúng theo quy định.

4. Vật tư và hậu cần tại chỗ:  Chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí; vật tư, các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại các khu vực cách ly. Thực hiện lắp đặt các thùng rác để thu gom rác sinh hoạt thông thường tại các điểm cách ly trên các địa bàn quận, huyện do Urenco Hà Nội đang thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường.

Hiện nay khó khăn lớn nhất trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải tại các khu vực cách ly đó là người dân trong các khu cách ly bỏ lẫn rác thải có nguy cơ lây nhiễm vào thùng rác chung với rác sinh hoạt do vậy cần phải có sự phối hợp giữa chính quyền và cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu rõ nhằm thực hiện việc bỏ rác có nguy cơ lây nhiễm vào thùng chuyên dụng để công tác duy trì vệ sinh môi trường trong các khu cách ly bảo đảm an toàn tuyệt đối. 

Ông Nguyễn Hữu Tiến - TGĐ Urenco Hà Nội chỉ đạo hiện trường về công tác duy trì vệ sinh môi trường trong những ngày đầu thực hiện chỉ thị số 17/CT-UBND Hà Nội
Ông Nguyễn Hữu Tiến - TGĐ Urenco Hà Nội chỉ đạo hiện trường về công tác duy trì vệ sinh môi trường trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị số 17 của UBND TP Hà Nội

PV: Với tư cách là Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, xin ông cho biết Hiệp hội đã có những hoạt động gì để giúp đỡ các đơn vị hội viên trong vùng có dịch thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống dịch Covid-19?

Ông Nguyễn Hữu Tiến:

Trong hoàn cảnh cả nước đang chung sức, tập trung phòng, chống dịch Covid-19 dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, nhất là tại các vùng có dịch, vùng dịch có nguy cơ lan rộng, đội ngũ cán bộ công nhân viên, người lao động trong ngành vệ sinh môi trường là một trong những lực lượng trên tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch Coid-19, thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Đây là nhiệm vụ phát sinh ngoài nhiệm vụ thường xuyên, vì vậy các đơn vị vệ sinh môi trường đang phải dồn sức với quyết tâm cao nhất, huy động mọi nguồn lực để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao, do đó gặp không ít khó khăn thách thức.

Trên tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ những khó khăn, thể hiện tinh thần đoàn kết với các đơn vị hội viên khu vực phía nam, đặc biệt là với Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội đã ban hành văn bản số 15/HHMT ngày 16/07/2021 kêu gọi các đơn vị hội viên, các doanh nghiệp hoạt động liên quan, các mạnh thường quân quyên góp ủng hộ kinh phí, trang thiết bị y tế phòng chống dịch hỗ trợ các đơn vị hội viên khu vực phía nam trước tình hình diễn biến phức tạp dịch Covid-19.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hiệp hội đã huy động quyên góp được kinh phí ủng hộ hơn 100 triệu đồng và vận chuyển 10.000 khẩu trang kháng khuẩn vào miền Nam ủng hộ Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam, góp phần chung tay, chung sức với các đơn vị bạn trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19.

Hiệp hội đã có văn bản số 17/HHMT ngày 20/07/2021 kính gửi Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính Phủ,Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và UBND các tỉnh/thành phố, bộ, ngành liên quan đề xuất một số kiến nghị nhằm hỗ trợ các đơn vị thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đang tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số tỉnh/thành phố khu vực miền Nam và các địa phương khác trong cả nước, cụ thể là: 

- Xác định vị trí, vai trò của các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường là một trong những đơn vị ở tuyến đầu trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 như  lực lượng y tế, quốc phòng, an ninh. Ghi nhận những nỗ lực của lực lượng vệ sinh môi trường và động viên là động lực quan trọng để cán bộ công nhân viên và người lao động trong ngành tiếp tục cống hiến sức lực của mình trong việc phòng chống dịch Covid-19.

- Bổ sung các quy định chế độ đãi ngộ đối với người lao động trực tiếp làm việc ở tuyến đầu trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nguy hại với cường độ lao động nặng nhọc và nguy cơ lây nhiễm cao.

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cấp bổ sung kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. 

- Ưu tiên tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19 cho cán bộ công nhân viên, người lao động đang tham gia ở tuyến đầu trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

CHUYÊN TRANG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG


Tags Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam VUREIA chung tay phòng chống Covid-19 Covid-19 thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ông Nguyễn Hữu Tiến Urenco Hà Nội 4 tại chỗ

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục