Phó GS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT cho rằng, cần phải quy hoạch sử dụng đất tích hợp theo phương pháp tiếp cận cảnh quan, dựa vào hệ sinh thái giúp phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Ví dụ như ở một số khu vực dễ bị ngập lụt, sạt lở đất, khi lập kế hoạch các công trình xây dựng mới ở các thành phố, cần lưu ý: Tránh xây dựng ở những vùng lũ lụt, sạt lở đất, sụt lún, triều cường, xâm nhập mặn nếu có thể; Phát triển đô thị nên được quy hoạch ở những khu vực ít rủi ro lũ lụt, sạt lở đất, sụt lún, triều cường, xâm nhập mặn; Cần hạn chế phát triển các công trình, nhà ở, các tài sản có giá trị kinh tế...
Còn tại các khu vực có nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất, sụt lún, triều cường, xâm nhập mặn; Cần quy hoạch tích hợp sử dụng đất thích ứng với dòng chảy của lưu vực sông và điều hòa nguồn nước liên hồ.
Phát triển đô thị nên được quy hoạch ở những khu vực ít rủi ro do lũ lụt, sạt lở đất, sụt lún, triều cường, xâm nhập mặn. Ảnh: Hoàng Minh
Các biện pháp quy hoạch tích hợp sử dụng đất làm giảm chi phí thiệt hại do biến đổi khí hậu bằng cách loại trừ một số hoạt động ra khỏi khu vực rủi ro và bằng cách cung cấp các điều kiện cho phép phát triển một số hoạt động cụ thể tại các vị trí có nguy cơ lũ lụt, ngập nước nhất định.
Đơn cử, ở Úc, kế hoạch sử dụng đất là một trong những phương tiện hiệu quả nhất về chi phí để giảm mức tăng thiệt hại do lũ lụt trong tương lai. Các nghiên cứu được thực hiện trong những năm 1990 đã đánh giá lợi ích của các biện pháp lập quy hoạch sử dụng đất tích hợp ở Bang Victoria (Úc) và nhận thấy rằng, việc áp dụng các biện pháp lập quy hoạch sử dụng đất tích hợp dài hạn có thể làm tăng tỷ lệ lợi ích - chi phí lên tới 2,0 đến 3,8.
Còn tại nước Anh, các địa điểm trình diễn về khả năng giữ nước tự nhiên bằng quản lý sử dụng đất đã cho thấy nguy cơ lũ lụt giảm đáng kể. Quy hoạch sử dụng đất tích hợp theo phương pháp cảnh quan dựa vào hệ sinh thái có thể đưa ra ưu tiên lựa chọn đưa các loài không phải bản địa vào làm giảm tác động biến đổi khí hậu cho khu vực. Lựa chọn thay đổi cách thức thực hành nông nghiệp cũng giúp thích ứng biến đổi khí hậu.
Các ưu tiên về quy hoạch sử dụng đất sẽ được hiện thực hóa bằng kế hoạch chi tiêu công. Quy hoạch sử dụng đất còn mang lại những lợi ích khác ngoài việc giảm tác động biến đổi khí hậu, chẳng hạn như phát triển kinh tế (tạo cơ hội giải trí mới) và mở rộng không gian sống ở các thành phố.
Ngoài ra, quy hoạch sử dụng đất cũng hữu ích trong trường hợp tuyết lở, chẳng hạn như ở Thụy Sĩ, nơi quy hoạch sẽ hạn chế các khu vực xây dựng mới ở những vùng có rủi ro. Ba khu vực được thiết lập: màu đỏ ở nơi nghiêm cấm xây dựng, màu xanh lam ở nơi có thể xây dựng nhưng thiết kế phải tính đến các tác động và màu vàng không có giới hạn. Việc sử dụng các bản đồ và quy hoạch sử dụng đất cung cấp thông tin về những hạn chế này giúp cộng đồng, người dân và doanh nghiệp tránh được đáng kể các tác động tiêu cực...
--------------------------------------
Việc xây dựng quy hoạch này đòi hỏi phải có một tầm nhìn dài hạn và tuân thủ các nguyên tắc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường đa dạng sinh học; thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời đảm bảo quyền con người, bao gồm cả quyền tiếp cận về dịch vụ công, quyền tự do tiếp cận thông tin cũng như quyền tiếp cận biển và tài nguyên của người dân.
Ông Cao Đức Phát
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương
Theo Trường Giang/Báo TN&MT