Ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam
Công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là một trong những hướng tiếp cận mới nhằm quản lý chất thải rắn hiệu quả, nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế, từ đó giảm thiểu rác thải phát sinh ra môi trường, tạo tiền đề xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Công cụ EPR được đưa ra tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, dự kiến chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022. Đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm và hưởng ứng từ phía đội ngũ chuyên gia, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, ngay từ trước khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được phê duyệt, nhiều sáng kiến đã được triển khai bởi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm thực hiện trách nhiệm đối với sản phẩm khi đến cuối vòng đời, góp phần tích cực trong công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.
Một số sáng kiến có thể kể đến như tái sử dụng và tái chế 99% các phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất tại nhà máy của Heineken, cam kết cắt giảm nhựa nguyên sinh của Unilever hay thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam)
Tuy nhiên, thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn đặt ra nhiều bài toán nan giải, gây khó khăn cho cả những doanh nghiệp hàng đầu, có tiềm lực mạnh mẽ. Đây cũng chính là lý do các doanh nghiệp đang rất mong chờ nghị định hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ môi trường với những quy định nhằm tạo ra cơ chế hiệu quả và công bằng.
Để công cụ chính sách EPR được thực thi một cách hiệu quả, tiến bộ và có thể quản lý được, thay mặt PRO Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp thuộc ngành hàng bao bì, ông Tazzi đưa ra một số đề xuất.
Đầu tiên, đưa ra quy cách tiêu chuẩn để tái chế cho từng loại vật liệu trên cấu tạo thành bao bì. Điều này đặc biệt cần thiết khi mỗi loại vật liệu như thủy tinh, giấy, kim loại và các loại nhựa được sử dụng trong bao bì đều có khả năng thu gom, phân loại và giá trị tái chế khác nhau.
Theo nhóm nghiên cứu của ngành hàng bao bì, việc quy định tiêu chuẩn riêng cho từng loại vật liệu góp phần tạo ra sự cân bẳng giữa hiệu quả và năng suất, rất quan trọng đối với điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, công nghệ và năng lực thu gom, xử lý, tái chế còn nhiều hạn chế.
Thứ hai, đơn giản hóa và thực tiễn hóa các quy định trong nghị định. Các chuyên gia thuộc ngành hàng bao bì đề xuất bỏ tiêu chí phân biệt bao bì như phân biệt theo mục đích sử dụng (thực phẩm, chất tẩy rửa, mỹ phầm, dược phẩm…) và phân biệt về khả năng đóng gói theo thể tích.
Điều này giúp công cụ EPR trở nên đơn giản, dễ tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, tiêu chí phân biệt về khả năng đóng gói theo thể tích có thể tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp "tránh nghĩa vụ một cách thông minh”.
"Chúng ta đặt ra tiêu chuẩn bắt buộc với bao bì 300ml, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tránh né nghĩa vụ thực thi EPR bằng quy cách đóng gói 299ml”, Phó chủ tịch PRO Việt Nam giải thích.
Thứ ba, cơ chế thực thi EPR cần tạo ra động lực giúp huy động sự tham gia của toàn xã hội chứ không chỉ nhà sản xuất, nhập khẩu. "Trách nhiệm và nghĩa vụ thuộc về tất cả các bên liên quan chứ không phải vấn đề riêng tổ chức nào”, ông Tazzi nhận xét.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương, các nhà phân phối và khu vực phi chính thức. Tạo đầu ra cho sản phẩm, vật liệu tái chế cũng là yếu tố quan trọng tác động tới sự thành công của công cụ EPR.
Lộ trình triển khai EPR theo đề xuất của PRO Việt Nam (VEPF: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam).
Cuối cùng, áp dụng công cụ EPR một cách linh hoạt và có lộ trình cụ thể từng bước. Cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất đặt năm 2022 là "năm trắng” để các doanh nghiệp tổ chức hệ thống, chuẩn bị cách thức thực hiện EPR.
Năm 2023 được đặt là "năm xám”, với mức phí, tiền đóng phạt thấp để doanh nghiệp dần dần thích ứng. Cùng với đó, công cụ EPR cũng tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa và có trọng tâm, tới năm 2025 sẽ triển khai rộng rãi, nhân rộng mô hình để tạo lập hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Theo TheLEADER