PGS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết, tháng 9/2020, Việt Nam là một trong 20 nước đầu tiên trên thế giới đã gửi bản NDC cập nhật đến Ban Thư ký Công ước. NDC cập nhật của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất và xác định đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu do nước ta cam kết. Những đóng góp này phù hợp với hiện trạng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến năm 2030.
Trong bản cập nhật lần này, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua Thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.
NDC Việt Nam cũng xác định giai đoạn từ năm 2021 - 2030 sẽ tập trung thực hiện các phương thức giảm nhẹ phát thải nhà kính; các hoạt động rà soát, hoàn thiện hệ thống kiểm kê quốc gia về khí nhà kính; thúc đẩy hình thành thị trường các-bon trong nước; xây dựng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tổ chức tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải nhà kính…
Cùng với đó, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, lần đầu tiên NDC đã được luật hóa. Để triển khai NDC và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Đến nay, bản dự thảo đã được hoàn thiện và được đơn vị chủ trì là Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT tổ chức tham vấn rộng rãi đến các Bộ, ngành, khối doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, phi quốc tế…
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến
Trình bày về nội dung chính trong dự thảo Nghị định, TS.Lương Quang Huy, đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Dự thảo Nghị định được xây dựng với định hướng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, pháp luật hiện hành và các quy định, điều ước quốc tế có liên quan; Phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững; tuân theo nguyên tắc trách nhiệm, thống nhất, công bằng, minh bạch; mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Chính phủ điều chỉnh theo ưu tiên phát triển quốc gia và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon đối với một số ngành phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế.
Dự thảo Nghị định đưa ra mục tiêu và lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn đến hết năm 2025 và giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030. Trong đó, giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, không tạo sức ép giảm phát thải đối với các doanh nghiệp, từ năm 2026 đến hết năm 2030 sẽ thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định đưa ra phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm: Các biện pháp chính sách, quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo từng loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh được thực hiện thông qua các kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp cơ sở; chuyển đổi công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất, sử dụng dịch vụ ít phát thải khí nhà kính; thực hiện các chương trình, dự án theo các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên….
Chia sẻ về kinh nghiệm thế giới về xây dựng thị trường các-bon, TS. Nguyễn Tú Anh, Viện Khoa học tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho biết, tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu 2015 có 189/197 thành viên (tính đến tháng 12/2020) đã thống nhất về vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trong ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là làm giảm nhẹ phát thải nhà kính do quốc gia tự quyết định. Tại đây, các quốc gia nỗ lực giữ cho nhiệt độ trái đất trung bình tăng không quá 2 độ C (hướng đến giữ giới hạn ở mức 1.5 độ C) so với thời kỳ trước công nghiệp thông qua việc đưa ra và tăng cường hành động và đầu tư cần thiết cho một tương lai các bon thấp bền vững.
Trong đó, các công cụ kinh tế giải quyết các chi phí phát thải khí nhà kính được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, gồm: Quy định về chủ huy và kiểm soát thuế các bon; hệ thống thương mại hóa các-bon (ETS); hệ thống tín chỉ giảm phát thải; tiêu chuẩn năng lượng sạch và xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Trong số này, các chương trình định giá các-bon (bao gồm thuế các bon và ETS) là một khía cạnh quan trọng của chiến lược toàn diện để đạt được các mục tiêu bền vững….
Ảnh minh họa
Sau khi nghe các diễn giả trình bày, đã có hơn 20 câu hỏi của đại biểu tham gia được gửi đến cho Ban tổ chức, trong đó, nhiều đại biểu quan tâm đến chính sách của Việt Nam trong việc thu hút các nguồn lực hỗ trợ quốc tế để thực hiện giảm nhẹ phát thải nhà kính.
Ông Lương Quang Huy khẳng định, hiện nay, trên thế giới có khá nhiều Quỹ biến đổi khí hậu. Việt Nam từ xưa đến nay thường quan tâm đến các nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật từ các quỹ khác nhau. Tuy nhiên, những khoản hỗ trợ này không nhiều và chưa đến được trực tiếp các doanh nghiệp. Tuy nhiên, gần đây, chúng ta đã bắt đầu tiếp cận được nhiều quỹ đầu tư, ví như: Quỹ Năng lượng sạch (CEF) đã đầu tư cho Việt Nam khoảng 230 triệu USD cho các dự án về giao thông và đô thị tại TP.HCM, Hà Nội, trong đó, có các hợp phần liên quan đến việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, còn nhiều các quỹ khác đã hỗ trợ cho việc giảm nhẹ khí nhà kính thông qua các hoạt động kinh tế. Điển hình như chương trình REDD+ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện tại nhiều địa phương khác nhau trong cả nước.
Theo Báo TN&MT