Các chủ đề nói trên tiếp tục kêu gọi con người sống hài hoà hơn với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế bền vững cho người dân.
Hệ sinh thái (HST) đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp cho chúng ta những lợi ích vô giá như ổn định khí hậu, lọc không khí, cung cấp ô - xy, nguồn nước, thức ăn, thuốc uống. Các HST còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, HST hiện đang có tốc độ suy thoái nhanh nhất trong lịch sử loài người vì đang phải đối mặt với các mối đe dọa như nạn chặt phá rừng; ô nhiễm nước hồ, sông suối; các vùng đất ngập nước trở nên khô hạn; vùng biển và ven biển bị suy giảm chất lượng và bị khai thác quá mức.
Theo Báo cáo đánh giá dịch vụ HST toàn cầu năm 2019: 75% HST trên bề mặt Trái đất đã có sự thay đổi, 85% diện tích khu vực đất ngập nước bị mất đi. Suy thoái đất làm giảm 23% năng suất các HST trên cạn. Theo ước tính, sự suy thoái của HST đất và biển làm giảm phúc lợi của 3,2 tỷ người và làm mất khoảng 10% tổng sản phẩm toàn cầu hằng năm do mất các loài và dịch vụ HST. Tỷ lệ độ che phủ rừng trên toàn cầu đã giảm từ 31,6% xuống còn 30,6% trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2015. HST rạn san hô được đánh giá là có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất, hiện đã giảm 35% trong thời gian từ năm 1970 đến năm 2015. 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng; nhiều nhóm loài được đánh giá là bị đe dọa tuyệt chủng cao, trong đó nhóm loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất là lưỡng cư, thú, chim, bò sát và cá.
Để ứng phó với thực trạng nói trên, ngày 1 - 3 - 2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 - 2030 là "Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các HST bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái đất của chúng ta.
Số liệu của Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) cho biết, nước ta là một trong các quốc gia có tổn hại lớn về HST tự nhiên. Diện tích đất có rừng toàn quốc là gần 14,5 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên hơn 10 triệu ha và rừng trồng hơn 4 triệu ha. Từ năm 2005 đến năm 2017, diện tích rừng đã tăng từ 34,6% đến 41,45% do trồng rừng và cải tạo tự nhiên. Thế nhưng, diện tích rừng tự nhiên lại giảm. Trung bình mỗi tháng, cả nước ghi nhận khoảng 800 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Theo số liệu do Cơ quan điều tra Môi trường (EIA) công bố năm 2019 cho thấy, khoảng 15 năm gần đây, trong số các vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam có ít nhất 105,72 tấn ngà voi (khoảng 15.779 cá thể voi); 1,69 tấn sừng tê giác (khoảng 610 cá thể tê giác); da, xương từ ít nhất 228 cá thể hổ, 65.510 cá thể tê tê.
Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, nhất là những vùng đất ngập nước ven biển, điển hình là khu vực rừng ngập mặn ở Cà Mau, TP. HCM, Vũng Tàu và Nam Định. BĐKH làm cho đa dạng sinh học vùng bờ cùng với nguồn lợi thủy hải sản giảm sút. Các HST vùng bờ bị suy thoái và thu hẹp diện tích. Các quần thể động, thực vật có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi sự tương tác giữa sông - biển ở vùng cửa sông ven bờ và do mất tới 60% các nơi cư trú tự nhiên.
Hiện chưa có kết quả nghiên cứu cụ thể về tác động của BĐKH tới HST rừng ngập mặn, song các nhà khoa học cảnh báo, khi nước biển dâng, độ mặn nước trong rừng ngập mặn có thể vượt quá 25% dẫn tới một số loài sinh vật trong rừng ngập mặn sẽ bị tuyệt chủng.
Những năm gần đây, sự suy giảm nhanh chóng của HST san hô, thảm cỏ biển, ngoài nguyên nhân chủ yếu do tác động trực tiếp của con người, BĐKH cũng là yếu tố chính. Hiện tượng El-Nino có chiều hướng gia tăng cả về tần suất và cường độ đã làm nhiệt độ nước biển tăng cao, cùng bức xạ mặt trời vượt khả năng chịu đựng của san hô khiến chúng trở thành màu trắng, mà khoa học gọi là hiện tượng tẩy trắng san hô.
Có những thứ dùng tiền có thể mua được nhưng có những thứ dùng tiền cũng không mua được. Không mua lại được HST vốn có trong tự nhiên khi nó đã bị huỷ hoạt. Không mua được động thực vật hoang dã, quý hiếm khi nó đã bị tuyệt chủng. Phụ hồi HST, Bảo vệ động thực vật hoang dã đã, đang là trách nhiệm không chỉ là nhiệm vụ chung toàn cầu mà còn là kết hoạch giải pháp cụ thể đối với từng quốc gia, lãnh thổ.
Để nhằm mục đích kép vừa phát triển kinh tế vừa phục hồi HST, bảo vệ động, thực vật hoang dã các bộ ngành có liên quan ở nước ta cần nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận HST trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên. Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư; quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; phục hồi các HST bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gien, nhất là áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các HST; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể thực hiện tốt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 524/QĐ - TTg, ngày 1 - 4 - 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường triển khai xây dựng và áp dụng mô hình phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ để giải quyết các vấn đề yếu kém, tồn tại trong quản lý; khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường vùng bờ tại các địa phương, từ đó từng bước nâng cao khả năng thích ứng BĐKH và nước biển dâng trong tương lai. Giải pháp này phải đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất bởi nó có hiệu quả ngay cả khi BĐKH và nước biển dâng không xảy ra, góp phần vào việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, dịch vụ của các HST biển, giúp từng bước tiếp cận nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Đề cập việc sử dụng tài nguyên nước bền vững xuyên biên giới, trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu đến năm 2030, được tổ chức tại Hàn Quốc, ngày 31-5-2021, theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Nâng cao năng lực chủ động thích ứng của những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, trong đó có khu vực tiểu vùng sông Mê Công và đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Những thách thức nghiêm trọng ở những nơi này đang rất cần sự hợp tác chặt chẽ, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhất là trong việc quản lý sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước của khu vực và thế giới.
CHUYÊN TRANG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG