Công tác phun xịt khử khuẩn các thùng chứa chất thải đảm bảo được làm thường xuyên và liên tục
Triển khai nhiều biện pháp quản lý chất thải
Để đảm bảo công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý nước thải, chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19 từ các cơ sở, địa phương, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu xét nghiệm, khu vực cách ly trong tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải y tế.
Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu xét nghiệm, khu vực cách ly phải bố trí bộ phận phụ trách vấn đề môi trường. Làm tốt việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh tại cơ sở, địa phương theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, đảm bảo không để tồn đọng, phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh yêu cầu Bệnh viện dã chiến số 2 bố trí, lắp đặt ngay đường ống hoặc sử dụng téc chứa để khử khuẩn nước thải sinh hoạt và nước thải y tế bằng Clorin viên nén, nồng độ 90% trước khi đưa về bể chứa nước thải tập trung và tiếp tục được khử trùng bằng Clorin. Thường xuyên phun khử khuẩn khu vực bể chứa nước thải, bố trí vị trí thuận lợi để đơn vị có chức năng đến vận chuyển nước thải từ bể chứa đi xử lý; nghiêm túc thực hiện việc thu gom, phân loại, quản lý chất thải rắn phát sinh tại bệnh viện theo quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang bố trí xe bồn để thu gom, vận chuyển trong ngày đối với toàn bộ nước thải sinh hoạt, nước thải y tế phát sinh của Bệnh viện dã chiến số 2 đến xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung của TP. Bắc Giang hoặc Trạm xử lý nước thải tập trung của các Bệnh viện.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình tích cực phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 từ các địa phương, cơ sở y tế, Bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu xét nghiệm, khu vực cách ly và doanh nghiệp đang bị phong tỏa, cách ly y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Xử lý chất thải phát sinh tại các khu điều trị, cách ly
Theo ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và vướng mắc của các huyện, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc thu gom, quản lý, xử lý chất thải phát sinh tại các khu điều trị, khu cách ly tập trung, khu dân cư cách ly y tế, các điểm chốt phòng dịch Covid-19, tại doanh nghiệp.
Theo đó, đối với các khu điều trị người mắc Covid-19, toàn bộ chất thải rắn phát sinh được coi là chất thải lây nhiễm và phải được thu gom, quản lý như đối với chất thải y tế nguy hại. Cụ thể, chất thải phát sinh phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.
Trước khi thu gom, túi đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi và bỏ vào thùng có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.
Thùng thu gom chất thải được lưu giữ tại khu vực riêng biệt
Thùng thu gom chất thải phải có thành cứng, có bánh xe đẩy và được lưu giữ tạm thời tại khu vực riêng biệt, tối thiểu 1 lần/ngày được thu gom về khu lưu giữ tập trung trong khuôn viên của cơ sở y tế. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài. Chất thải được vận chuyển bằng xe chuyên dụng hoặc các phương tiện khác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Chất thải được ưu tiên xử lý tại cơ sở y tế ngay trong ngày bằng lò đốt chất thải rắn y tế hoặc bằng thiết bị hấp chất thải lây nhiễm hoặc thiết bị khử khuẩn khác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Vận chuyển chất thải ngay trong ngày đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng.
Nước thải phát sinh phải được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế và tăng cường xử lý khử khuẩn nước thải đầu ra, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế (QCVN 28:2010/BTNMT) trước khi xả thải ra môi trường.
Đối với khu vực cách ly tập trung, toàn bộ chất thải rắn phát sinh (trừ rác thải sinh hoạt khu vực nhà bếp, rác thải vệ sinh khuôn viên chưa có sự tiếp xúc có khả năng nhiễm SARS-CoV-2) được coi là chất thải lây nhiễm và phải được thu gom, xử lý như đối với chất thải y tế nguy hại.
Đối với rác thải sinh hoạt chưa có sự tiếp xúc có khả năng nhiễm SARS-CoV-2 được thu gom, xử lý ngay trong ngày theo quy định về quản lý rác thải sinh hoạt. Trước khi đưa rác thải sinh hoạt lên xe vận chuyển để đưa đi xử lý phải thực hiện phun khử trùng. Trường hợp rác thải sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp phải được phun khử trùng, rắc vôi bột và phủ 1 lớp đất hoặc cát dày 20 cm lên trên. Nước thải phát sinh từ khu vực cách ly tập trung phải bố trí bể hoặc thiết bị khử trùng trước khi thải ra môi trường.
Đối với khu dân cư cách ly y tế, nếu chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng thải bỏ của người được cách ly phải được thu gom vào túi đựng chất thải sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng, buộc chặt miệng túi và cho vào thùng có nắp đậy kín ngay tại nhà. UBND cấp huyện, cấp xã bố trí đơn vị đến thu gom vận chuyển, xử lý.
Đối với các điểm chốt phòng, chống dịch Covid-19, chất thải là quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay, thức ăn thừa,... được thu gom vào túi, xịt cồn 70 độ để khử trùng, buộc chặt miệng túi và cho vào thùng chứa rác có nắp đậy, sau đó được thu gom, xử lý cùng rác thải sinh hoạt của địa phương trên địa bàn đặt chốt. Trường hợp rác thải sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp phải được phun khử trùng, rắc vôi bột và phủ 1 lớp đất hoặc cát dày 20 cm lên trên.
Theo Hoàng Ngân/Báo TN&MT