Đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/5/2021 | 5:10:07 PM

Chiều 21/5, đã diễn ra cuộc họp kỹ thuật trực tuyến giữa các đại diện Bộ Khí hậu và Môi trường Nauy và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về việc phối hợp xây dựng Đề án “Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương”.

Chính sách của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) đối với vấn đề rác thải nhựa đại dương là cụ thể hóa và thúc đẩy các quốc gia, tổ chức thực hiện được mục tiêu 14.1 của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Trong 4 phiên họp liên tiếp, UNEA đã thông qua các nghị quyết công nhận sự cần thiết phải ngừng xả rác thải nhựa và vi nhựa vào đại dương. Các báo cáo đã chỉ ra những lỗ hổng cơ bản trong các khuôn khổ chính sách và luật pháp quốc tế hiện có, khiến họ không đủ trang bị để loại bỏ vấn đề này. Nhóm chuyên gia mở rộng UNEA về rác thải nhựa đại dương và vi nhựa đã kêu gọi các Quốc gia thành viên xem xét nghiêm túc các phương án ứng phó mà nhóm đã xác định, trong đó bao gồm một Thỏa thuận toàn cầu về nhựa. Nhiều thành viên trong Nhóm chuyên gia bày tỏ ủng hộ việc khởi động các cuộc đàm phán nhằm thiết lập một thỏa thuận toàn cầu về ngăn chặn ô nhiễm nhựa tại kỳ họp thứ năm của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5). Các tuyên bố công khai của đại diện hơn 110 quốc gia trong đó có Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ cho việc hình thành một thỏa thuận toàn cầu. Dự kiến, quản trị toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ được nêu ra như một vấn đề chính tại phiên họp thứ 5 của Hội đồng Môi trường liên hợp quốc UNEA-5 vào tháng 2 năm 2022.

Để tiếp tục các cuộc đàm phán toàn cầu này, ngày 19/10/2020, Hội đồng Bộ trưởng Môi trường Bắc Âu đã phát hành một Báo cáo Bắc Âu (Nordic Report) trong đó xem xét các yếu tố có thể có của một thỏa thuận toàn cầu mới. Báo cáo Bắc Âu nhằm mục đích sử dụng các thực tiễn tốt nhất từ ​​các công cụ đa phương hiện có và xem xét điều chỉnh phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể về ô nhiễm nhựa.

Do đại dịch, các cuộc họp quốc tế đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại. Để tránh gián đoạn trong việc thúc đẩy tham vọng đánh bại ô nhiễm nhựa, các nước Bắc Âu và Việt Nam thông qua Bộ Khí hậu và Môi trường Na-uy và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp tục thực hiện các buổi làm việc trực tuyến nhằm tạo điều kiện đối thoại về các cơ hội tăng cường quản trị toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tại buổi làm việc trực tuyến lần này, đại diện Bộ Khí hậu và Môi trường, ông Erlend Draget và các chuyên gia đã trình bày nội dung chính về Báo cáo Bắc Âu - Các yếu tố có thể có của một thỏa thuận toàn cầu mới. Báo cáo này đóng góp vào các cuộc thảo luận toàn cầu thông qua: (i) xác định các mục tiêu tiềm năng và mục tiêu chiến lược của thỏa thuận toàn cầu; (ii) cung cấp phác thảo đầu tiên định hình cấu trúc của một Thỏa thuận toàn cầu mới tiềm năng; và (iii) xác định và nêu rõ các biện pháp thực hiện của các quốc gia để đạt được mục tiêu toàn cầu là không xả thải nhựa ra môi trường biển.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng nguyên tắc để đạt được các mục tiêu của bất kỳ hiệp định đa phương về môi trường nào là việc thực hiện nó ở cấp quốc gia. Để thực hiện các tiêu chí bền vững quốc tế, các bên tham gia Thoả thuận cần thực hiện các cam kết, cốt lõi là: Xây dựng các kế hoạch quản lý nhựa; Xây dựng và thoả thuận về tiêu chí bền vững quốc tế; Xây dựng và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững nhựa quốc gia. Cách tiếp cận này dựa trên sự phát triển của các tiêu chí bền vững quốc tế đối với nhựa và các chất phụ gia được xây dựng theo các điều khoản chung và được thông qua trong quá trình đàm phán thoả thuận. Các tiêu chí này sau đó sẽ được các nhóm công tác kỹ thuật dần dần xây dựng thành các điều khoản cụ thể và hoàn thành thông qua việc xây dựng các kế hoạch quốc gia về quản lý nhựa bền vững và các tiêu chuẩn quốc gia về nhựa.


Ảnh chụp màn hình buổi làm việc trực tuyến

Thảo luận tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi và các đại diện của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã trình bày về những nỗ lực chống rác thải nhựa của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua và cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, quán triệt tinh thần "Việt Nam – thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc” đồng thời tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện đề án "Việt Nam chủ động tham gia xây dựng và đàm phán hiệp định toàn cầu về ô nhiễm nhựa biển”, mong muốn tập trung vào các khía cạnh có liên quan như: Các chính sách, hoạt động chống ô nhiễm từ đất liền ra biển; Các cách thức tiếp cận vòng đời của nhựa; Chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên hiệu quả; Nghiên cứu về tác động của nhựa đối với hệ sinh thái, xã hội, kinh tế và sức khỏe; Quản lý đa cấp từ cá nhân đến địa phương, quốc gia, toàn cầu; Chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính; Tăng cường công tác phòng ngừa; Một số giải pháp như: Hợp tác Công - Tư, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), người gây ô nhiễm phải trả tiền, v.v… Trong đó, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến 2 vấn đề: (i) Chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tuần hoàn và (ii) Khả năng giải quyết những khó khăn của địa phương/quốc gia thông qua các biện pháp toàn cầu.

Đại diện phía Bộ Khí hậu và Môi trường Nauy, Ông Erlend Draget và các chuyên gia đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc chống lại rác thải nhựa đại dương cũng như sự tham gia chủ động và hiệu quả của Việt Nam trong quá trình đàm phán Thoả thuận toàn cầu và khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong các bước tiếp theo của quá trình đàm phán.

Trước đó, ngày 21/01/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 510/VPCP-NN chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc xây dựng Đề án tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương. Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng Đề án tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương. Đồng thời, tiếp tục chủ động tham gia hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA).

Theo Thu Thủy/Tổng cục Biển và Hải đảo

Tags rác thải nhựa nhựa đại dương Tổng cục Biển và Hải đảo Bộ Khí hậu và Môi trường Nauy Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA)

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục