Xử lý công trình cản trở hệ thống thoát nước

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/5/2021 | 8:24:12 AM

Trời mưa, hệ thống thoát nước (sông, mương, cống thoát nước...) thông thoáng sẽ giúp đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu, hạn chế tình trạng úng ngập. Tuy nhiên, hiện hệ thống thoát nước khu vực nội thành thành phố Hà Nội đang tồn tại nhiều bục bệ, cầu dẫn và các công trình gây ảnh hưởng đến tiêu thoát nước mỗi khi trời mưa, cần được tập trung xử lý.

Xử lý công trình cản trở hệ thống thoát nước
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội phá dỡ bục bệ gây cản trở thoát nước trên đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Trọng Hoàng

Nguy cơ úng ngập

Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) đảm trách công tác quản lý, duy tu phần lớn hệ thống thoát nước khu vực nội thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trịnh Ngọc Sơn cho biết, từ đầu năm 2021, đơn vị đã nạo vét hệ thống sông, kênh, mương, cống dọc; sửa chữa, bảo dưỡng trạm bơm, đập điều tiết… nhằm tăng khả năng tiêu thoát nước trong mùa mưa. Tuy vậy, tình trạng úng ngập cục bộ tại một số khu vực nội đô vẫn có thể xảy ra, nhất là khi mưa lớn.

Bên cạnh nguyên nhân do hệ thống thoát nước nội đô mới chỉ được đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ ở lưu vực sông Tô Lịch (khoảng 77,5km2/313,19km2), thì việc nhiều hộ dân xây dựng bục bệ, cầu dẫn lên vỉa hè; một số dự án, công trình đang thi công trên các trục thoát nước chính của thành phố... làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến tiêu thoát nước. "Trên địa bàn công ty quản lý hiện có 24 dự án, công trình đang thi công, trong đó có 14 công trình được thực hiện trên các trục thoát nước chính của thành phố, như: Dự án mở rộng đường Vành đai 2, hầm chui đường Lê Văn Lương - Vành đai 3; cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ (dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá)...", ông Trịnh Ngọc Sơn cho hay.

Theo Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1 (Công ty Thoát nước Hà Nội) Hoàng Thế Hùng, trên địa bàn xí nghiệp phụ trách có 2 dự án lớn đang thi công ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước là hệ thống cống dọc sông Tô Lịch và ga ngầm S12 - dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Trong đó, nhà thầu dự án hệ thống cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch đã đắp bờ đất chặn dòng để thi công (khoảng 800m đoạn đầu sông Tô Lịch), làm mặt cắt của sông Tô Lịch thu hẹp 1/3...

Tương tự, tại quận Hà Đông, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 8 (Công ty Thoát nước Hà Nội) Nguyễn Công Tuyên cũng nêu khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thoát nước, đó là công trình kè kênh La Khê - trục thoát nước chính địa bàn và 2 bên tả, hữu sông Nhuệ đang thi công. Hiện toàn bộ kênh bị san lấp, chỉ để lại dẫn dòng với tiết diện nhỏ, nhất là đoạn từ sông Nhuệ đến cầu La Khê...

Xử lý công trình cản trở hệ thống thoát nước
Công trình kè kênh La Khê đang được triển khai ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước trên địa bàn quận Hà Đông.

Triển khai nhiều giải pháp

Nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát nước mưa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho biết, từ cuối tháng 3-2021 đến nay, các đơn vị thoát nước đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, ra quân phá dỡ bục bệ, cầu dẫn trên các tuyến phố: Minh Khai, Hàng Chiếu, Hàng Giày, Đồng Xuân, Hàng Mã, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Võ Chí Công... "Việc này sẽ được đơn vị triển khai thường xuyên tại các khu vực úng ngập, các tuyến phố trung tâm, tuyến phố văn minh thương mại nhằm giải quyết thoát nước tốt nhất trong mùa mưa”, ông Trịnh Ngọc Sơn nói.

Đối với các dự án, công trình đang thi công gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho hay, Sở đã yêu cầu các đơn vị quản lý, duy tu hệ thống thoát nước phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư dự án, thống nhất phương án dẫn dòng, phối hợp ứng trực, thanh thải, phá dỡ đập quây khi có mưa, bảo đảm nước tiêu thoát nhanh nhất. Sở Xây dựng cũng giao Thanh tra Sở và các đơn vị trực thuộc thành lập Đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang hệ thống thoát nước; xử lý các đơn vị thi công không tuân thủ đúng biện pháp dẫn dòng thoát nước.

Về công tác phối hợp, thanh thải vật cản, ông Trần Đức Giang, Chỉ huy trưởng công trường đào hở thi công cống thu nước thải dọc sông Tô Lịch (Công ty cổ phần Xây dựng cấp thoát nước và hạ tầng đô thị Việt Nam) thông tin, hiện đơn vị đã thanh thải xong toàn bộ đập quây lòng sông, hoàn trả trên 600m bờ kè. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục phối hợp với Công ty Thoát nước Hà Nội đặt cống dẫn dòng, bảo đảm thoát nước; xây dựng phương án khi có mưa lớn, dỡ bỏ toàn bộ các bờ đắp chặn, bảo đảm mục tiêu thoát nước nhanh nhất.

Tại khu vực thi công ga ngầm S12, ông Nguyễn Đức Hùng, Tổ duy trì số 5, Xí nghiệp Thoát nước số 1 (Công ty Thoát nước Hà Nội) chia sẻ: Với trọng điểm úng ngập như nút giao phố Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Tổ duy trì nạo vét 1 lần/tuần trong mùa mưa nhằm bảo đảm hệ thống cống thoát nước luôn thông thoáng. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với chủ đầu tư thực hiện các giải pháp dẫn dòng, cũng như chủ động giải pháp bơm cưỡng bức nhằm tăng cường thoát nước, giải quyết nhanh khi xảy ra úng ngập tại khu vực.

Cùng với đó, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch ứng trực, giải quyết kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra khi có mưa lớn trên địa bàn.

Dạ Khánh/Báo Hà Nội mới

Tags công trình thoát nước hệ thống thoát nước thoát nước đô thị Công ty Thoát nước Hà Nội

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục