Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về thực trạng vấn đề rác thải hiện nay, PGS, TS Vũ Thanh Ca (Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), người từng có kinh nghiệm nghiên cứu, xây dựng các mô hình quản lý chất thải rắn đô thị và nông thôn, cũng như các vấn đề ô nhiễm đại dương, cho biết, rác thải sinh hoạt ở Việt Nam là một vấn đề môi trường rất nghiêm trọng. Hiện nay, do chưa có các giải pháp xử lý hiệu quả khác nên rác thải đô thị Việt Nam chủ yếu vẫn được chôn lấp. Các khu vực được sử dụng để chôn lấp ngày càng hẹp, lượng rác thải lại ngày càng nhiều nên khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ngày càng chồng chất.
Tuy vậy, ông Ca nhấn mạnh rằng, các đô thị Việt Nam dù sao cũng được chính quyền quan tâm nên còn có thể tìm ra quỹ đất làm bãi chôn lấp rác thải. Vấn đề rác thải nghiêm trọng nhất hiện nay là ở nông thôn. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cả nước hiện nay còn tồn tại khoảng 900 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không hợp vệ sinh mà đa phần tập trung ở khu vực nông thôn. Đồng thời, các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt đô thị cũng nằm trên địa bàn các khu vực nông thôn ven đô. Đối với nhiều vùng nông thôn khác, do đất chật người đông, tất cả ruộng đất đều đã có chủ và nói chung đang được khai thác hiệu quả nên tìm ra đất chôn lấp rác thải lại càng khó. Vì vậy, nhiều địa phương ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ lựa chọn giải pháp đốt rác bằng lò thủ công. Đây là giải pháp cực kỳ nguy hiểm, vì các lò thủ công đốt với nhiệt độ thấp lại không có thiết bị lọc bụi và khí độc nên gây ra ô nhiễm không khí vô cùng nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt vào mùa đông, tại đồng bằng và trung du Bắc Bộ trong thời gian qua là hậu quả của vấn đề này. Ô nhiễm không khí do bụi mịn cùng với rất nhiều khí độc như dioxin, furan sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, thậm chí gây ung thư.
Cũng theo chuyên gia này, rác thải không được chôn lấp hoặc thu gom, xử lý đúng cách sẽ bị nước mưa cuốn trôi ra sông và từ sông ra biển. Vì vậy, không chỉ làm ô nhiễm môi trường đất, nước, rác thải còn là nguồn quan trọng nhất gây ra ô nhiễm biển. Các kết quả đánh giá của Liên hợp quốc cho thấy, rác thải là nguyên nhân gây ra hiện tượng ô nhiễm biển nguy hại nhất hiện nay, đó là ô nhiễm rác thải nhựa, ảnh hưởng tới sức khỏe hệ sinh thái biển và sự phát triển bền vững của các quốc gia có biển.
Phân loại rác thải tại nguồn cần quyết tâm lớn của các địa phương
Hơn 10 năm trước, dự án phân loại rác thải tại nguồn, gọi tắt là 3R, được triển khai thí điểm tại Hà Nội bằng nguồn tài trợ của chính phủ Nhật Bản, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, dự án này bị tạm dừng. Nói về nguyên nhân tạm dừng đó, PGS, TS Vũ Thanh Ca lý giải rằng, đây là dự án được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, áp dụng thí điểm tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Vì là một dự án thí điểm nên quy mô của nó khá nhỏ, chưa tạo được những chuyển biến về nhận thức đáng kể của lãnh đạo ba địa phương này. Chính vì vậy, cả ba thành phố đều chưa có quyết tâm chính trị để nhân rộng kết quả dự án; cho nên sau khi dự án kết thúc, hết tiền thì các kết quả của nó đã dần chìm vào quên lãng.
Mặc dù dự án thí điểm đã ngừng thực hiện, nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề từ rất lâu trước đó, nên quy định về phân loại rác thải tại nguồn đã được đưa vào Luật bảo vệ môi trường năm 2005, 2014 và hiện nay là 2020. Đến nay Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi động lại dự án phân loại rác thải tại nguồn.
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Bích Phương/nhandan.com.vn
"Để thực hiện tốt việc này và bảo đảm xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, sử dụng rác thải như là tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần quyết tâm chính trị rất lớn của cả ba địa phương nói trên. Muốn làm như vậy, cần từng bước đầu tư xây dựng hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý rác theo mô hình phân loại rác thải tại nguồn”, ông Ca nêu rõ.
Đưa vào hoạt động nhà máy đốt rác phát điện mới tại Nam Sơn, Hà Nội
Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, từng có khá nhiều vấn đề gây bức xúc cho người dân sinh sống tại đó. Tuy nhiên, theo PGS, TS Vũ Thanh Ca, sau khi người dân địa phương tổ chức chặn xe rác vào Khu liên hợp vào cuối tháng 10-2020, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã hành động rất quyết liệt để giải quyết việc này. Cụ thể là đã chỉ đạo huyện Sóc Sơn đẩy nhanh việc đền bù, giải tỏa, thực hiện tốt hơn các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác, đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Đặc biệt, Nhà máy đốt rác phát điện NeDo đã hoàn thành và đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để đi vào hoạt động. Đồng thời, một nhà máy đốt rác phát điện mới với công suất 4.000 tấn/ngày đang trong quá trình gấp rút khẩn trương thi công. Những nỗ lực của thành phố Hà Nội và của huyện Sóc Sơn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Việt Nam cần kiên quyết thực hiện một nền kinh tế tuần hoàn
Việt Nam là nước có diện tích đất đai rất ít nhưng dân số rất đông và mật độ dân số rất cao, cho nên không có nhiều đất để phục vụ chôn lấp rác thải. Trong khi đó, rác thải thực sự là một nguồn tài nguyên cần được tận dụng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng của các quốc gia. Ảnh: WSP
Theo đó, PGS, TS Vũ Thanh Ca cho rằng, để bảo đảm tính hiệu quả của việc xử lý rác thải sinh hoạt, Việt Nam cần phải kiên quyết thực hiện việc xây dựng và vận hành một nền kinh tế tuần hoàn. Nền kinh tế tuần hoàn đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Luật cũng nêu rõ, Chính phủ sẽ quy định các tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta. Chính sách này sẽ thúc đẩy Chính phủ cùng các địa phương xử lý tốt hơn vấn đề rác thải.
Theo ý kiến của ông Ca, trước hết, các địa phương ở nông thôn cần triển khai thực hiện ngay lập tức mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình, bắt buộc các hộ dân ở nông thôn có vườn chôn lấp, xử lý chất thải hữu cơ dễ phân hủy tại vườn nhà để giảm lượng rác thải cần thu gom. Lượng rác thải được thu gom cần có chính sách hỗ trợ việc tái chế, tái sử dụng và xử lý đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường. Các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác cũng cần triển khai trên diện rộng càng sớm càng tốt mô hình phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng rác thải đã phân loại.
"Sau hết những vấn đề trên là quyết tâm chính trị của lãnh đạo Chính phủ và các địa phương. Chỉ có bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị thì chúng ta mới có thể giải quyết triệt để vấn đề rác thải, bảo đảm phát triển bền vững đất nước”, chuyên gia Vũ Thanh Ca nhấn mạnh./.
Quốc Khánh/realsv.qdnd.vn