Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Hàn Quốc đã mất khoảng 30 năm để xây dựng kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác thì Việt Nam, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc, có thể rút ngắn quá trình này
Phản ánh những bất cập trong quản lý rác thải ở Việt Nam, bà Nguyễn Ngọc Lý nhận xét, lượng rác lớn được xả ra mỗi ngày mà không có phương pháp xử lý hữu hiệu đã tạo nên những bất ổn trong đời sống con người. Thế nhưng, thời gian dành xử lý rác thải của mỗi người là rất ít, chỉ chiếm 1% trong tổng số hoạt động mỗi ngày. Trong khi đó, xử lý rác lại rất tốn kém. Nhà nước phải chi trả cả tiền trả nhân công, −Tiền vận chuyển, −Tiền xử lý, −Tiền đất, −Tiền quản lý.
"Trong quản lý rác thải, chúng ta đã có những điểm sai. Tại sao Nhà nước phải trả tiền xử lý rác? Tại sao lại thu tiền xử lý rác đồng đều ở mỗi hộ dân dù lượng thải ra khác nhau và số tiền này rất ít ỏi?”, Bà Lý đặt vấn đề.
Liên hệ đến Hàn Quốc – một đất nước đã xây dựng được nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác, Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Lý chia sẻ, với diện tích: 99,720 km 2 (109 trên thế giới), dân số: 51 triệu (26 trên thế giới), Hàn Quốc là một quốc gia với diện tích tương đối nhỏ với mật độ dân số đông và khan hiếm tài nguyên thiên nhiên. Trong hoàn cảnh đó, Hàn Quốc phải nhập khẩu 97% nguồn năng lượng và 90% khoáng sản từ nước ngoài. Các ngành công nghiệp của Hàn Quốc cần nguồn năng lượng cao. 30 năm trước, Hàn Quốc cũng như Việt Nam, có 96% rác thải bị chôn lấp, đối diện với tình trạng ô nhiễm và thiếu đất cho các bãi chôn lấp và chịu gánh nặng tài chính nhà nước trong xử lí rác.
Giải quyết tình trạng này, Hàn Quốc đã bắt đầu hành trình biến rác thành tài nguyên. Về chính sách, nước này đã ban hành Luật thúc đẩy Tái Chế và Tiết Kiệm Tài Nguyên (Luật Tái Chế) năm 2008; Thành lập K-Eco (Korea Environment of Cooperation) với mục tiêu thúc đẩy tuần hoàn tài nguyên; Thành lập KORA: trung tâm thực thi nhiệm vụ tái chế.
Các quyết sách của Hàn Quốc dựa trên nguyên tắc "Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Chính nguyên tác này đã tạo ra nền kinh tế tài nguyên - tạo thị trường - tạo động lực về tài chính - nâng cao nhận thức của người dân - nâng cao trách nhiệm xã hội của người dân.
"Đáng lưu ý, Hàn Quốc xác định các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu gom và xử lí rác thải, được quy định rõ trong hệ thống EPR (Extended Producer Responsibility - Trách nhiệm doanh nghiệp mở rộng). Theo đó, để xử lí rác, nhà sản xuất phải tự thu gom, tự xử lí rác hoặc trả tiền công ty thu gom và tái chế rác. Từ đó, Hàn Quốc đã tạo ra một ngành công nghiệp tái chế và thúc đẩy các doanh nghiệp chế tạo sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm được gáng nặng tài chính cho nhà nước và tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân.
Một trạm trung chuyển rác ở đảo Jeju, Hàn Quốc, nơi các loại rác thải khác nhau được xử lý riêng biệt (Nguồn internet)
Để xây dựng EPR thành công, Hàn Quốc quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng. Cụ thể, người tiêu dung phải phân loại rác tại nguồn. Công ty tái chế thu gom và tái chế sản phẩm rác và bao bì EPR, tổ chức phân loại bao bì tại nguồn. Chính phủ địa phương phân loại rác tái chế theo hệ thống EPR. Cơ quan nhà nước xác nhận các dữ liệu doanh thu & nhập khẩu và vai trò của từng doanh nghiệp, thu và kiểm định hoạt động tái chế, chỉ đạo hoạt động liên quan đến EPR bao gồm cả hình phạt vi phạm luật tái chế, nghiên cứu các loại đồ chứa rác. Trong đó, Bộ Môi trường quản lý hệ thống EPR và thi hành và điều chỉnh các chính sách, kiểm tra và thông báo số liệu và mục tiêu tái chế của từng sản phẩm.
Kết quả cho thấy, sản lượng rác được tái chế của Hàn Quốc đã tăng 72%; 93% bao bì nhựa phim được tái chế năm 2016; 6 tỉ đô la Mĩ được tạo ra từ vật dụng tái chế; 5 tỉ đô la Mĩ từ việc cắt giảm chi phí đốt và chôn rác. Như vậy, Hàn Quốc đã giảm được gánh nặng tài chính và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Hàn Quốc đã mất khoảng 30 năm để xây dựng kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác thì Việt Nam, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc, có thể rút ngắn quá trình này.
Từ câu chuyện của Hàn Quốc, Việt Nam học được rằng, để tái chế rác và hạn chế lượng rác thải, các vấn đề cần được chú trọng như: chính sách tái chế đóng một phần quan trọng trong việc giảm thiểu rác thải từ nguồn và thúc đẩy quá trình tuần hoàn tài nguyên tái chế. Tất cả các cơ quan lớn và nhỏ đều phải phối hợp nhuẫn nhuyễn để chính sách tái chế thành công, cùng với đó, cần sự thực thi đồng bộ của người dân.
Với sự chuyển đổi về chính sách, cần sự vào cuộc tích cực hơn của các doanh nghiệp xử lý rác, các công ty tái chế. Đồng thời, phải có sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng để rác đi được đúng vòng tuần hoàn của nó. "Chính sách và công nghệ chính là chìa khóa thành công trong xử lý rác”, bà Nguyễn Ngọc Lý nhấn mạnh./.
Theo Tống Minh/ Báo Tài Nguyên & Môi Trường