Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nằm ở hạ lưu lưu vực sông Đồng Nai và giáp với biển Đông, nơi có địa hình thấp và khá bằng phẳng với gần 75% diện tích có cao độ dưới +2 m, chịu tác động trực tiếp dòng chảy lũ từ thượng lưu thông qua các sông Đồng Nai, Sài Gòn cũng như những tác động trực tiếp từ triều biển Đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng. Để chủ động đối phó với tình trạng ngập úng trên địa bàn, TP.HCM đã có những giải pháp, đầu tư không nhỏ về công sức, tài chính để giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá ,chuyên gia môi trường và biến đổi khí hậu, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng ngập do thời tiết, triều cường nặng nhất Việt Nam.
Thế nhưng, công tác chống ngập của TP.HCM chỉ nhỏ lẻ theo cách "ngập đâu chống đó” chứ chưa có tầm nhìn lâu dài. Thành phố còn tồn tại nhiều dự án xây nhà cao tầng nhưng không đầu tư hệ thống thoát nước… nên không thể giải quyết triệt để tình trạng ngập, thậm chí các điểm đã hết ngập vẫn có nguy cơ ngập lại nếu không theo dõi sát sao và có kinh phí duy trì.
Về lâu dài, GS.Lê Huy Bá cho biết, giải pháp ứng phó với ngập úng nói riêng và các tác động khác của biến đổi khí hậu nói chung không thể "khoanh” lại trong phạm vi địa giới hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh, mà phải có sự phối hợp với các địa phương khác vì ngập úng, biến đổi khí hậu là vấn đề chung của cả nước chứ không riêng một địa phương nào. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các vấn đề của siêu đô thị phải được giải quyết ở cấp độ vùng.
Bao giờ người dân ở TP Hồ Chí Minh có được cuộc sống khô ráo?
Cũng theo GS.TS Lê Huy Bá , để đồng bộ quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập, TP.HCM cần tháo gỡ được vấn đề khó khăn về nguồn lực và chú trọng tính liên kết giữa các công trình thoát nước để đạt hiệu quả cao. Muốn làm được những điều này, phải thực hiện hợp tác đa ngành, trong đó cần một bộ phận đủ quyền hành, nguồn lực và chịu trách nhiệm trực tiếp điều phối các ban, ngành cùng tham gia.
Cụ thể, TP.HCM cần tính toán đồng bộ xây nhà, nâng đường, bờ bao ngăn triều kết hợp cải tạo hệ thống bơm, tiêu thoát nước. Trong đó, thành phố nên tận dụng lợi thế sông ngòi sẵn có để xây dụng các công trình lưu trữ và tạo dòng thoát nước tự nhiên, đồng thời có thể nâng cao giá trị bản sắc sông nước Thành phố.
Song song đó, khi quy hoạch đô thị mới cần rải đều, tránh tập trung đông dân gây quá tải về hạ tầng; kiến trúc xây dựng phải đảm bảo phù hợp địa hình từng khu vực, hướng tới công trình xanh có khả năng tự tiêu thoát nước, tránh bê tông hóa cao tại các khu vực trọng yếu.
Về lâu dài cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch chống ngập theo thực tế, tránh để lạc hậu trước những điều kiện biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thực hiện nghiêm chế tài xử lý trách nhiệm chủ đầu tư nếu dự án không có hệ thống thoát nước.
"TP.HCM cần ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất dự báo, đo đạc, ghi nhận các số liệu khí hậu, thiên tai, thời tiết để lập các phương án ứng phó phù hợp, tránh bị động rơi vào tình trạng "ngập” rồi mới "chống”; tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân không xả rác bừa bãi xuống kênh, rạch làm tắc nghẽn cống thoát nước, dòng chảy của kênh, rạch..." GS.TS Lê Huy Bá cho biết thêm.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thoát nước mới tại TP.HCM trước sự biến đổi khí hậu gây nên các hình thái thiên tai ngày càng phức tạp, đặc biệt vấn đề ngập nước, sụt lún bị vượt khỏi kiểm soát của quy hoạch cũ.
Cụ thể, quy hoạch thoát nước cũ của TP.HCM đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định 752 ban hành năm 2001. Đây là cơ sở để quản lý đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước tại thành phố (gồm 6 lưu vực thoát nước mưa và 9 lưu vực thu gom nước thải).
Đến năm 2008, Thủ tướng tiếp tục phê duyệt quyết định 1547 về quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM. Thông qua quyết định này, một số hạng mục chống ngập do triều cường được xúc tiến xây dựng.
Nguy cơ ngập lụt tăng gây thiệt hại nhiều tỉ đô ở TP.HCM vào năm 2050. Ảnh: AFP.
Được biết, quy hoạch 752 đã hết hạn, đồng thời lúc phê duyệt quy hoạch này chỉ tính đến khu vực nội thành diện tích 140km2 và khu vực lân cận khoảng 510km2 (phạm vi quy hoạch chỉ chiếm hơn 30% diện tích của TP.HCM). Nhiều quận huyện mới của TP.HCM quy hoạch cũ đã không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, quy hoạch cũ không lường trước các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và vấn đề sụt lún nền của TP.HCM nên cần phải có quy hoạch mới.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng đề nghị được điều chỉnh quy hoạch mới đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Phạm vi quy hoạch mới sẽ bao gồm toàn bộ TP.HCM với diện tích 2.095km2, tác động đến hơn 9,4 triệu dân.
Chống ngập đô thị luôn là bài toán nan giải đối với TP.HCM, đặc biệt trong thời điểm đang chịu sự tác động nặng nề của yếu tố tự nhiên như triều cường, mưa…, cùng với quá trình đô thị hóa, dân số tăng; hệ thống thoát nước và kênh, rạch dù đã cải tạo, phục hồi nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển.
Với hàng loạt giải pháp mà các cấp chính quyền TP.HCM, cũng như các Bộ ngành liên quan đã và đang triển khai thực hiện, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một thời gian không xa, tình trạng ngập nước trên địa bàn sẽ sớm được giải quyết, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân./.
PGS.TS.Nguyễn Đức Khiển