Giải pháp hữu cơ vi sinh góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/3/2021 | 8:34:13 AM

QLMT - Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là đích đến mà ngành nông nghiệp Hà Nội đang hướng tới, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường. Ngay sau khi được thành lập ngày 19/1/2017, Hợp tác xã (HTX) NNHC Tiên Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) đã bắt tay xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, gồm 5 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Từ chuỗi liên kết này, HTX đã gặt hái được những thành tựu ban đầu, đặt nền móng cho một phương pháp sản xuất nông nghiệp mang tên “Giải pháp hữu cơ vi sinh”, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với bà Phạm Thị Lý - Giám đốc HTX NNHC Tiên Dương về nội dung này.

PV: Được biết, HTX NNHC Tiên Dương đã thành công với việc triển khai thực hiện mô hình rau hữu cơ an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường, vậy bà có thể giới thiệu đôi nét về quy trình sản xuất của mô hình? 

     Bà Phạm Thị Lý: HTX NNHC Tiên Dương ra đời trong quá trình thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững - Ứng dụng và giải pháp của Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) - Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhằm triển khai Kế hoạch số 383/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2017 về việc thực hiện giải pháp hữu cơ vi sinh, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp sạch, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, BVMT nông thôn.

     Để thực hiện mô hình rau hữu cơ an toàn sinh học, chúng tôi đã xây dựng bộ "Quy tắc sản xuất nông nghiệp hữu vi cơ sinh” có tên gọi ORGAVINA, áp dụng những kiến thức sẵn có vào quá trình sản xuất, trong đó, dùng hệ vi sinh vật hữu ích tác động tích cực vào quá trình sản xuất, tạo ra vòng hoàn trả, hoàn nguyên dinh dưỡng cho đất, hướng đến sự bền vững về môi trường, kinh tế, xã hội. Đặc biệt, quy tắc ORGAVINA được xây dựng trên cơ sở tiếp thu các nguyên tắc sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGap); phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam và thế giới, đồng thời, vận dụng kết quả nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng bộ chế phẩm sinh học VBIO - Đa Năng (Bio EM 5in1) kết hợp ứng dụng công nghệ CheckVN chứng minh nhật ký đồng ruộng, quản lý hệ thống sản xuất, liên kết chuỗi, kết nối cung cầu, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhằm nâng cao chất lượng cũng như năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Ngoài ra, HTX thường xuyên cải tạo độ cân bằng pH và chất dinh dưỡng cho đất, do đó, tất cả nguồn phân hữu cơ sử dụng HTX đều tự sản xuất, từ phân chuồng, phế thải hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi, các loại chế phẩm sinh học, phân xanh... Thuốc trừ sâu hữu cơ cũng được chế từ những loài thảo dược sẵn có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường, không gây độc hại cho người sử dụng. Hiện toàn bộ sản phẩm rau hữu cơ của HTX được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Hà Nội định kỳ lấy mẫu kiểm tra chất lượng. Đáng chú ý, 100% sản phẩm rau sau khi thu hoạch, sơ chế, đóng gói đều dán tem QR code, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua điện thoại thông minh có kết nối internet.


giai-phap-huu-co-vi-sinh-gop-phan-bao-dam-an-toan-thuc-pham-va-ve-sinh-moi-truong-1
Bà Phạm Thị Lý (giữa) giới thiệu các sản phẩm hữu cơ của HTX NNHC Tiên Dương

     Mô hình đã được Hội đồng khoa học Liên hiệp TP. Hà Nội nghiệm thu, đánh giá; UBND TP. Hà Nội tặng Bằng khen vào tháng 5/2017 và sản phẩm của mô hình đạt Danh hiệu Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018. Đặc biệt, được sự quan tâm chỉ đạo, quyết liệt vào cuộc của UBND huyện, Phòng kinh tế huyện Đông Anh, các cấp chính quyền, nhân dân xã Tiên Dương, các nhà khoa học của Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE), Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, HTX NNHC Tiên Dương đã chuyển giao, nhân rộng mô hình đến các địa phương khác trong huyện Đông Anh với tổng diện tích trên 50 ha. Không những thế, thành công của mô hình còn được Hội nông dân tỉnh Đắk Nông; Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Vĩnh Phúc; trang trại Đình Mộc (tỉnh Nam Định); hộ sản xuất Trần Hùng - Vua bưởi xứ Mường (tỉnh Hòa Bình); HTX Ngọc Bộ, thôn Long Hưng, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên); Hương Quê Farm, Trang trại bò Anh Minh Giang (tỉnh Thanh Hóa); mô hình chè hữu cơ sinh học của huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên)… triển khai ứng dụng. Năm 2018, HTX cũng được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Hà Nội cấp tài khoản quản lý trên hn.check.net.vn, nhờ vậy, thành viên của HTX có thể cập nhật nhật ký sản xuất trên app CheckVN dành cho người sản xuất các thông tin về lô sản xuất, loại cây trồng, vật tư, phân bón và nhấn ok để lưu thông tin, định vị vị trí xác thực vùng trồng, thời gian sản xuất ngay tại đồng ruộng. Ngày 5/4/2019, tại Thông báo số 1886 TB/TU của Thành ủy Hà Nội, mô hình đã nhận được ý kiến chỉ đạo, phối hợp triển khai, nhân rộng của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng.

     Để có được thành quả trên, công lao lớn nhất thuộc về những người nông dân khi dám từ bỏ cái cũ để chọn cái mới, theo đuổi khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

     PV: Làm sao để chủ động sản xuất, không sử dụng phân bón hóa học, góp phần BVMT nhưng vẫn chứng minh được sự khác biệt của sản phẩm NNHC vi sinh luôn là bài toán khó, vậy HTX Tiên Dương đã giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa bà?

     Bà Phạm Thị Lý: Như chúng ta đã biết, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam rất manh mún, nếu áp dụng theo phương pháp hữu cơ thì phải có các vùng đệm, vùng cách ly, nguồn nước và chất đất theo tiêu chuẩn Việt Nam cũng như quốc tế. Cách làm này mất rất nhiều thời gian mới có được sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Không những thế, việc trông chờ vào thành tựu hóa học trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng để lại hệ lụy rất lớn đối với nguồn đất. Bên cạnh đó, do ruộng đất của xã Tiên Dương bị quy hoạch làm khu đô thị lõi của TP. Hà Nội, do đó, chúng tôi phải suy nghĩ và lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp, tự tạo một hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp giữa chăn nuôi và trồng trọt để tận dụng toàn bộ nguồn thải hữu cơ của các nông trại chăn nuôi làm thành nguồn phân chuồng bón ruộng trong trồng trọt. Đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh VBIO - Đa Năng làm thức ăn phụ trong chăn nuôi, sau đó dùng phân chuồng ủ với chế phẩm này để làm phân bón ruộng, cải tạo đất, xua đuổi côn trùng; chủ động liên kết với các nhà khoa học để có được sản phẩm chế phẩm, phân bón hữu cơ của chính mình với mục tiêu hạ thấp nhất giá thành cho người sử dụng mà nông dân vẫn có thu nhập ổn định. Năm 2018, HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN cấp Bằng độc quyền sáng chế cho "Chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ trong chăn nuôi” tên thương mại là VIBIO 5in1 hoặc VBIO - Đa Năng.

     Ngoài ra, HTX còn phối hợp với Trung tâm IDE ứng dụng công nghệ CheckVN vào chứng minh nhật ký sản xuất và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm; liên kết với Công ty Hải Anh, HTX NNHC Tàm Xá, HTX NNHC Việt Hùng, HTX rau an toàn Ngọc Bộ… kết nối với nhiều đơn vị thu mua như Bác Tôm, Thuận Thiên, Bigreen, Ngôi sao xanh… nhằm lan tỏa lợi ích của "Giải pháp hữu cơ vi sinh”; xây dựng bộ quy tắc sản xuất hữu cơ vi sinh và bộ tiêu chuẩn cơ sở về sản xuất hữu cơ vi sinh để triển khai thực hiện.

     PV: Để mô hình tiếp tục được phát triển và nhân rộng trong thời gian tới, bà có đề xuất, kiến nghị gì?

     Bà Phạm Thị Lý: Do đất đai bị quy hoạch nên việc sản xuất của chúng tôi trong tương lai tại Tiên Dương sẽ rất nhỏ lẻ. Để có sản phẩm lâu dài, chúng tôi đã hợp tác với một số HTX khác thành lập Liên hiệp HTX Nông nghiệp Hữu cơ và Dược liệu Việt Nam, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, chủ động nguồn cung đầu vào, bao gồm các loại chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ để làm nên sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe và môi trường, trong đó Tiên Dương đóng vai trò chủ chuỗi. Chúng tôi đã đề xuất và đồng hành với Hội nông dân, chính quyền xã xây dựng Chương trình "Sản xuất nông nghiệp đô thị” tại Tiên Dương trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu đề ra, chúng tôi mong muốn được huyện, thành phố và các nhà khoa học cùng vào cuộc thực hiện Chương trình này. Cá nhân tôi hy vọng, chính quyền TP. Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trong việc thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ cũng như hỗ trợ HTX NNHC Tiên Dương xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến tại chỗ, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản ngày càng cao của người dân.

     Bằng pháp nhân Liên hiệp HTX Nông nghiệp Hữu cơ và Dược liệu Việt Nam, khi liên kết chuyển giao phương pháp sản xuất Orgavina trên diện rộng, chúng tôi rất mong nhận được sự phối hợp của chính quyền, đoàn thể tại các địa phương ứng dụng giải pháp này để hỗ trợ nông dân trong kết nối đầu ra, xây dựng chính sách hỗ trợ và đồng hành phát triển mô hình

PV: Trân trọng cảm ơn bà!


Theo Bùi Hằng / Tạp chí Môi trường

Tags hữu cơ vi sinh vệ sinh môi trường nông nghiệp hữu cơ (NNHC)

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục