Ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải y tế nguy hại: Chi phí thấp hơn 30-50%

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/3/2021 | 8:34:18 AM

QLMT - Sau 6 năm hoàn thành, Dự án “Đầu tư xây dựng lò đốt chất thải y tế công suất 200kg/giờ” trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý triệt để rác thải y tế nguy hại, bảo đảm vệ sinh môi trường thành phố.

Đều đặn hằng ngày, tại khu lò đốt chất thải y tế nguy hại ở Nhà máy xử lý chất thải rắn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát, cán bộ kỹ thuật nhà máy vận hành hiệu quả cao lò đốt, xử lý triệt để hàng tấn rác thải y tế nguy hại. Đây là lò đốt rác ứng dụng công nghệ hàng đầu của Nhật Bản, công suất 200kg/giờ với nhiệt độ lên đến 1.200 độ C. Lò đốt này do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đưa vào vận hành đầu năm 2014. Ngoài ra, ở Khu liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát còn có lò đốt Hoval MZ4 theo công nghệ của Áo, công suất 400kg/ngày, được vận hành từ năm 2002. Hai lò đốt cho phép xử lý chất thải y tế và chất thải nguy hại bằng phương pháp thổi khí, ít sử dụng nhiên liệu và tiết kiệm năng lượng tiêu thụ tối đa trong quá trình thiêu hủy rác.

ung-dung-cong-nghe-cao-trong-xu-ly-chat-thai-y-te-nguy-hai-chi-phi-thap-hon-1
Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng vận hành lò đốt chất thải y tế nguy hại.

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng, lò đốt theo công nghệ mới sử dụng một đầu đốt (các lò hiện tại của Việt Nam có 2 đầu đốt) nên giảm một nửa mức nhiên liệu tiêu thụ so với các lò đốt rác y tế hiện có ở Việt Nam, trong khi vẫn bảo đảm tiêu chuẩn khí thải cao của Nhật Bản. Đặc biệt, lò đốt sử dụng công nghệ buồng đốt hiện đại có áp suất âm, giúp cửa buồng đốt có thể mở trong khi vận hành để tiếp thêm rác đốt, tiết kiệm nhiên liệu, nhân lực và an toàn lao động. Mặt khác, với công nghệ này, nhiệt độ buồng đốt luôn cao hơn 1.050 độ C, bảo đảm xử lý triệt để khí thải, hạn chế tối đa phát thải các khí độc như dioxin, furan…

Hiện, khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng hơn 1,5 tấn/ngày (tương đương gần 550tấn/năm). Lượng rác thải nguy hại này nếu không được xử lý tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Điều đáng mừng là, hơn 1,3 tấn rác thải y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế lớn của thành phố đều được thu gom, vận chuyển và xử lý hằng ngày. Xí nghiệp dịch vụ môi trường được Công ty giao tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế nguy hại với khối lượng 1 tấn/ngày. Để bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình thu gom rác thải y tế, công ty bố trí riêng xe chuyên dụng có trọng tải 2.650kg được gắn định vị GPS theo quy định của Bộ Tài nguyên – Môi trường, thu gom, vận chuyển toàn bộ rác thải y tế tại các bệnh viện và khu cách ly. Phương tiện vận chuyển và khu vực lò đốt được thường xuyên phun thuốc khử trùng đúng quy định để bảo đảm khử khuẩn, phòng tránh lây lan dịch bệnh.

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng Trần Quang Đăng nhận định, xử lý rác thải nguy hại bằng lò đốt công nghệ cao thay thế mô hình xử lý chất thải rắn nguy hại tại chỗ theo phương pháp thủ công trước đây ở một số bệnh viện đem lại hiệu quả tích cực. Ứng dụng lò đốt công nghệ cao vừa bảo đảm môi trường, chi phí thấp hơn 30 đến 50% nhờ giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, công vận hành. Trong khi, lò đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cán bộ y tế tại bệnh viện và người bệnh. Do vậy, gần đây, hầu hết các đơn vị y tế thuê Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đăng, tại một số cơ sở hành nghề y tư nhân, chất thải y tế nguy hại vẫn được thu gom, vận chuyển chung với chất thải thông thường tới các bãi rác địa phương để chôn lấp. Do vậy, thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng triển khai dịch vụ thu gom, xử lý rác thải nguy hại bằng công nghệ cao tới tất cả bệnh viện trên địa bàn thành phố và các cơ sở y tế tư nhân. Đồng thời, các sở, ngành chức năng tiếp tục có cơ chế, biện pháp để triển khai thu gom rác thải nguy hại ở tất cả các cơ sở y tế tư nhân chưa thuê dịch vụ xử lý theo công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh môi trường.


Theo Nguyễn Cường/ thanhphohaiphong.gov.vn

Tags công nghệ cao xử lý chất thải y tế chất thải y tế nguy hại lò đốt chất thải y tế

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục