Điện rác – Giải pháp trong xử lý rác thải hiện nay

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/3/2021 | 4:30:17 PM

QLMT - Theo các chuyên gia, “điện rác” đang là giải pháp hoàn hảo để xử lý vấn nạn rác thải hiện nay. Những thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội đã và đang triển khai một số dự án “điện rác”.

"Quá tải” về rác thải

Rác thải hiện nay vẫn đang là vấn đề lớn có tính chất toàn cầu, đặc biệt tại các đô thị lớn, khi tốc độ phát triển đô thị đang ngày càng mở rộng, dân số ngày càng tập trung đông đúc hơn.

Tại Việt Nam, rác thải cũng ngày càng trở thành vấn đề nóng, được Chính phủ và các cấp bộ, ngành, xã hội quan tâm.

Theo thống kê, hiện nay, lượng rác thải tại Việt Nam là khoảng 50.000 tấn/ngày, trong đó tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày, còn lại là rác thải ở vùng nông thôn.

Riêng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra khoảng 7.000 – 9.500 tấn, trong đó trên 80% được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp.

dien-rac-giai-phap-trong-xu-ly-rac-thai-hien-nay-1
Phối cảnh dự án nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi.

Tại một cuộc hội thảo gần đây, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện tại Việt Nam có khoảng 858 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 39,3%, tổng lượng chất thải rắn phát sinh hằng năm khoảng 15 triệu tấn, trong đó rác thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 34.500 tấn mỗi ngày, rác thải công nghiệp khoảng 3,2 triệu tấn/năm, tốc độ gia tăng rác thải hằng năm là từ 10 – 12%.

Hiện trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị đặc biệt là các thành phố lớn đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó rác thải là một trong những vấn đề nóng cần được giải quyết. Trong khi đó, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu hiện nay vẫn là công nghệ chôn lấp.

Theo số lượng thống kê hiện nay, trên tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom có khoảng 71% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính khối lượng bã thải từ các cơ sở chế biến compost và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt), 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến compost; 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.

Theo ông Dũng, mỗi loại hình xử lý rác thải được lựa chọn như chôn lấp, ủ phân hữu cơ, đốt rác phát điện, đốt rác tiêu hủy, đốt rác tạo năng lượng (điện năng và nhiệt năng), công nghệ tái chế, công nghệ thu hồi khí mêtan… sẽ phụ thuộc vào quy mô, lượng rác thải thu gom và công suất của dây chuyền thiết bị và khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra của từng địa phương, đặc biệt cần cân nhắc về nguồn vốn đầu tư và chi phí vận hành, bảo vệ môi trường.

Tiến sĩ Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng cao và lượng rác thải sinh hoạt bình quân đầu người cũng tăng dần theo tỷ lệ thuận với mức thu nhập của dân cư, việc xử lý chất thải rắn nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng càng trở nên bức thiết, cần phải có giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp.

Hiện, nhiều công nghệ trong nước và nước ngoài đã được ứng dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công nghệ nào được công nhận thực sự đảm bảo bảo vệ môi trường.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là Việt Nam không phân loại được rác thải từ đầu nguồn nên các công nghệ đã thành công ở nước ngoài, kể cả các quốc gia đã phát triển như Nhật Bản, các nước khu vực châu Âu, Mỹ… đều không thành công khi áp dụng.

Áp dụng rộng rãi đốt rác phát điện

Theo các chuyên gia, hiện nay "điện rác” là từ khóa được sử dụng rộng rãi qua phương tiện truyền thông đại chúng, biện pháp này đang được cổ vũ mạnh mẽ như là một giải pháp hoàn hảo để xử lý vấn nạn rác thải hiện nay.

Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, đốt rác phát điện đã thực sự xác định rác là nguồn tài nguyên để góp phần vào an ninh năng lượng quốc gia… và xa hơn nữa, đây còn được coi là giải pháp hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn.

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện tại Việt Nam, sẽ giúp giải quyết xử lý khá triệt để chất thải sinh hoạt mà không phải tốn diện tích chôn lấp như cách hiện nay vẫn áp dụng.

dien-rac-giai-phap-trong-xu-ly-rac-thai-hien-nay-2
Ông Nguyễn Tiến Nga - Chủ tịch HĐQT tập đoàn năng lượng Thiên Phúc dự báo, trong vòng 10 năm tới Việt Nam sẽ có khoảng 120 nhà máy điện rác.

Hiện nay, một số dự án nhà máy điện rác đã được khởi công xây dựng ở nhiều tỉnh thành như, dự án tại nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Khu xử lý rác Tây Bắc xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, có công suất xử lý đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày đêm; điện rác Vĩnh Tân (Đồng Nai) có công suất xử lý 600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 30MW; nhà máy điện rác Sóc Sơn ở Hà Nội; nhà máy điện rác Trạm Thản ở Phú Thọ; nhà máy điện rác Củ Chi ở TP. Hồ Chí Minh.

Trong năm 2020, tại TP.HCM đã khởi công 2 nhà máy đốt rác phát điện. Ông Ngô Xuân Tiệc - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (một trong hai nhà đầu tư đã khởi công dự án điện rác tại TP.HCM) cho biết, nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa sử dụng công nghệ đốt rác phát điện Martin của Đức. Công nghệ này đang được sử dụng tại 40 quốc gia trên thế giới. Ưu điểm của công nghệ là khép kín từ khâu tiếp nhận đến khâu xả thải cuối cùng, không phát tán mùi hôi, đồng thời có nhiều đặc điểm phù hợp với điều kiện rác chưa qua phân loại tại đầu nguồn tại Việt Nam hiện nay.

Hiện 2 dự án vẫn đang trong quá trình triển khai, hoàn thiện. Trong thời gian tới, khi dự án hoàn thành, đi vào hoạt động, áp lực về việc xử lý rác thải sẽ được cải thiện.

Lãnh đạo TP. HCM cho biết, phương pháp chôn lấp tồn tại các khuyết điểm như gây mùi hôi, ô nhiễm, do đó thành phố đã chấp thuận chủ trương cho các đơn vị chuyển đổi công nghệ qua đốt rác phát điện.

Thành phố đặt chỉ tiêu đến năm 2020, tỷ lệ chôn lấp giảm còn 50%.  Đến năm 2025 tỷ lệ này giảm còn 20%.

Công nghệ đốt rác phát điện có ưu điểm là tiêu hủy được 90 - 95% thể tích và khối lượng rác thải, xử lý triệt để tình trạng mùi hôi và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tận dụng nguồn nhiệt lượng phát sinh để phát điện, tiết kiệm diện tích sử dụng đất, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.


Theo Phan Tiến/ Báo Công Luận

Tags Điện rác xử lý rác thải giải pháp hoàn hảo

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục