Kết quả 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 là một thành tựu to lớn, trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, trong đó, đặc biệt là nội dung môi trường. Có thể nói, với sự xác định rõ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 là xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, hình thành các mô hình sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn, việc thực hiện tiêu chí môi trường đã mang lại những kết quả thiết thực.
Định hướng giai đoạn 2021 - 2025
Đối với nhiệm vụ trọng tâm, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, giữ gìn cảnh quan nông thôn truyền thống cùng với việc hình thành các "miền quê đáng sống”, cân bằng giữa phát triển sản xuất với duy trì chất lượng và giữ gìn giá trị cảnh quan của môi trường.
Đồng thời, hạn chế việc hình phát và lan rộng các khu vực ô nhiễm; kiểm soát sự phát sinh chất thải theo hướng hạn chế sử dụng ngay từ đầu vào của các quy trình sản xuất; tìm kiếm các mô hình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, cải thiện sinh kế và thu hút hoạt động du lịch để tạo giá trị thặng dư cho vùng nông nghiệp, nông thôn; quay vòng tái đầu tư cho cảnh quan và môi trường;
Bên cạnh đó, hình thành thị trường thu gom, trao đổi, thu hồi, tái sử dụng, tái chế chất thải từ hoạt động sản xuất, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp trên địa bàn nông thôn, hình thành các khu vực áp dụng triệt để nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Đối với các nhiệm vụ cụ thể, đẩy mạnh công tác quản lý Quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR): tổ chức mạng lưới phân loại và thu gom hợp lý, tăng tần suất và biện pháp để thu gom triệt để lượng rác thải các loại phát sinh trên địa bàn (từ sinh hoạt, sản xuất, chăm sóc sức khoẻ…); quản lý chặt chẽ các điểm tập kết, trung chuyển, khu xử lý chất thải tập trung; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và tiến tới áp dụng các chế tài đủ mạnh để hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho cộng đồng dân cư.
Quản lý chặt chẽ về môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; khu, cụm công nghiệp, làng nghề; khu vực canh tác nông nghiệp, chăn nuôi tập trung; khu vực nuôi trồng thuỷ sản nhằm duy trì sự cân bằng bền vững của hệ sinh thái nông thôn;
Xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn sinh thái (sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh), tăng tỷ lệ cây xanh trên một đơn vị diện tích khu dân cư nông thôn; tăng mật độ và đa dạng hoá các mô hình trồng cây xanh ven đường (duy trì tác dụng làm mát, hành lang an toàn giao thông, ngăn bụi và tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm không khí…), tăng cường trồng hoa tại các khu vực công cộng (nhất là các khoảng đất trống có nguy cơ hình thành các điểm tập kết rác thải);
Hoàn thiện hệ thống thoát nước, xây dựng kế hoạch và lộ trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt (tập trung và phân tán); lập kế hoạch và triển khai thực hiện công tác cải tạo môi trường và xây dựng cảnh quan tại các khu vực ao, hồ, kênh, mương… phục vụ mục tiêu xây dựng cảnh quan nông thôn đa mục đích (điều hoà tiểu khí hậu, tiêu thoát nước, sinh hoạt văn hoá cộng đồng, khu vui chơi trẻ em…);
Nâng cao tỷ lệ cấp nước sinh hoạt đối với các xã, huyện chưa đảm bảo yêu cầu của tiêu chí; tiếp tục cải thiện điều kiện vệ sinh hộ gia đình (nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước, vệ sinh khu vực sinh hoạt và sản xuất, xây dựng văn hoá ứng xử của người dân đối với môi trường…).
Trong 19 tiêu chí quy định về xây dựng nông thôn mới, vấn đề môi trường thuộc tiêu chí 17
Giải pháp đến hết năm 2020, tiếp tục bám sát vào các mục tiêu, tiêu chí, kế thừa các giải pháp, biện pháp, cách làm từ nhiều địa phương thành công trong triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt chú trọng công tác quản lý rác thải sinh hoạt, rác thải từ quá trình sản xuất nông nghiệp (như chăn nuôi, chế biến nông lâm sản…); quản lý các cơ sở sản xuất, hoạt động chăn nuôi, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, đặc biệt là nước thải phát sinh từ các hoạt động này trên địa bàn nông thôn; giải quyết từng bước công tác cấp nước sạch cho người dân; công tác vệ sinh cá nhân tại các hộ gia đình (nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước; phong trào 3 sạch..); tiếp tục nỗ lực không ngừng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi (bằng việc phát huy tối đa vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp đơn vị hành chính).
Giải pháp sau năm 2020, trước hết, kiên định với các mục tiêu và tiêu chí đã đạt được của giải đoạn trước, nâng cao dần chất lượng các tiêu chí và duy trì tính bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân ra diện rộng. Tìm tòi, vận dụng những bài học tốt, cách làm hay, vận dụng sáng tạo và điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế - xã hội của từng vùng miền, địa phương; phát huy và nhân rộng các mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Thứ hai, tiếp tục không ngừng hoàn thiện khung thế chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ cho việc triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường cho phù hợp với thực tiễn theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu/tiêu chí có tính đến yếu tố vùng miền. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các tiêu chí và hướng dẫn thực hiện tiêu chí nâng cao, tiêu chí kiểu mẫu, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi, đối tượng trong mối tương quan giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Cần tách biệt các nhóm đối tượng trên địa bàn đô thị và nông thôn để có những phương cách ứng xử phù hợp (hiện nay là đồng nhất); đặc biệt chú trọng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn; xác định từng nhóm chủ thể riêng biệt trên cùng một địa bàn nông thôn (nhóm gây ô nhiễm và nhóm bị ảnh hưởng, tác động do ô nhiễm; nhóm cần được ưu đãi hỗ trợ và nhóm cần áp dụng các biện pháp, chế tài có tính răn đe cao...).
Thứ ba, xác định các nguồn lực và quản lý quá trình thực hiện, đã đến lúc chúng ta không chỉ trông chờ vào nguồn lực từ ngân sách nhà nước, mà phải vận dụng tối đa các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực trong xã hội, thu hút và kêu gọi đầu tư; bên cạnh có, từ việc phân định rõ trách nhiệm của "người gây ô nhiễm phải trả tiền” để tìm ra những phương thức đầu tư, vay vốn tín dụng, ưu đãi cho xây dựng cảnh quan, xử lý chất thải... nông nghiệp và khu vực nông thôn. Bài học thực tiễn từ hoạt động cấp nước sinh hoạt, phong trào trồng cây, trồng hoa, cải tạo các khu vực ô nhiễm thời gian qua đã cho thấy, nếu có cơ chế phù hợp, hoàn toàn có thể huy động được cộng đồng và khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn (mặc dù khó khăn hơn rất nhiều so với các vùng đô thị, công nghiệp khác).
Thứ tư, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn, bài học kinh nghiệm từ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới 10 năm qua cho thấy, đã đến lúc nhận thức cộng đồng được nâng lên, trách nhiệm được phân định, hoạt động được phân công phân cấp, nhưng khó khăn là thiếu những công nghệ phù hợp, mà quan trọng nhất là công nghệ xử lý CTR (tập trung, phân tán, công nghệ hiện đại hay truyền thống,…) và nước thải (chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt...); công nghệ canh tác nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...) an toàn và bền vững về môi trường; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải.
Thứ năm, áp dụng các biện pháp đủ mạnh, có tính răn đe trong giải quyết những xung đột về môi trường, đã đến lúc không thể mãi áp dụng đơn phương các biện pháp thuyết phục và hỗ trợ, kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, cần thiết song hành cả hai công cụ (tuyên truyền và cưỡng chế), có như vậy các công cụ mới phát huy được hết tác dụng của nó. Tuy nhiên, để đảm bảo tính răn đe nhưng không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của người dân, cần bóc tách những nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng các chế tài phù hợp.
Theo Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020