Tìm phương án đẩy nhanh tiến độ Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2021 | 3:35:15 PM

QLMT - Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 đang lùi tiến độ về đích từ năm 2021 đến năm 2024 do vướng nhiều vấn đề về cơ chế, giải phóng mặt bằng..., đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền Thành phố.

tim-phuong-an-day-nhanh-tien-do-du-an-ve-sinh-moi-truong-tphcm-1
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh - giai đoạn 2 đang lùi tiến độ về đích từ năm 2021 đến năm 2024 do vướng nhiều vấn đề về cơ chế, giải phóng mặt bằng, thủ tục làm hồ sơ xây dựng…, đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền Thành phố để từng bước tháo gỡ, sớm đưa công trình vào vận hành.

Nhiều gói thầu chậm tiến độ

Theo chủ đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh - giai đoạn 2 là Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, dự án có 27 gói thầu gồm 8 gói thầu xây lắp, 16 gói thầu tư vấn và 3 gói thầu mua sắm.

Đến nay, nhiều gói thầu xây lắp lớn đang chậm tiến độ. Trong đó, 3 gói thầu XL-01, XL-02, XL-03 đều bị đánh giá là quá chậm trong quá trình triển khai sau khi tổ chức lựa chọn thành công nhà thầu.

Gói thầu XL-01 thi công tuyến cống bao thu gom nước thải là hạng mục đầu tiên của dự án được triển khai xây dựng, khởi công từ tháng 2/2017, kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2019 nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được hơn 80% khối lượng hợp đồng, nguyên nhân chủ yếu vì nhiều rắc rối phát sinh khi phía nhà thầu thi công là Liên danh Italian-Thai Development Public Company Limited (Thailand) liên tục ngưng việc do bị chậm thanh toán.

Trong khi đó, gói thầu XL-03 xây dựng hệ thống thoát nước chung cấp 2, cấp 3 thuộc lưu vực 6 do Công ty cổ phần An Lạc thực hiện với giá trị hợp đồng 194,3 tỷ đồng hiện mới đạt 52% khối lượng dù thời gian thi công đã hết từ tháng 12/2019.

Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh từng nhiều lần đốc thúc, yêu cầu nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị và nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công của gói thầu. Thậm chí, đưa vào diện chấm dứt hợp đồng nếu nhà thầu không cải thiện được công việc còn lại nhưng do nhà thầu gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục gia hạn hợp đồng và trình giấy phép gia hạn thời gian thi công nên đến nay tiến độ thực hiện vẫn chưa chuyển biến rõ nét.

Đáng chú ý, gói thầu quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của dự án là gói XL-02 xây dựng nhà máy nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè, quận 2, có giá trị 307 triệu USD, được chủ đầu tư ký hợp đồng với Liên danh Vinci Construcition Grands (Pháp) và Acciona Agua (Tây Ban Nha) thực hiện từ tháng 3/2019 nhưng đến đầu năm 2021 mới bắt đầu triển khai phát quang, chuẩn bị mặt bằng xây dựng.

Nguyên nhân cho sự chậm trễ này là do có khiếu nại trong quá trình đấu thầu dẫn tới tiến độ bị đình trệ để chờ giải quyết. Đến đầu năm 2020, đơn vị trúng thầu mới được tạm ứng vốn để hợp đồng chính thức có hiệu lực nhưng lại vướng công tác giải phóng mặt bằng khi đến nay vẫn có 4 trường hợp chưa thống nhất phương án bồi thường, một lần nữa gây ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu.

Các gói thầu còn lại tuy tiến độ thực hiện có khả quan hơn nhưng tổng chung vẫn chậm so với kế hoạch ban đầu. Trong đó, gói thầu XL-04 đạt 79% khối lượng công việc, gói XL-05 đạt 87,5%, gói XL-06 đạt 86% khối lượng công việc, XL-07 đạt khối lượng 32%. Cá biệt, gói XL-08 đấu nối hộ gia đình có thời gian thực hiện hợp đồng là 780 ngày tính từ tháng 11/2018 nhưng do vướng mặt bằng nên tính đến đầu năm 2021 vẫn chưa thể thi công.

Theo Thông báo số 150/TB-KTNN của Kiểm toán Nhà nước, việc chậm trễ trong tiến độ thực hiện các gói thầu xây lắp, đặc biệt là những gói XL-02, XL-07, XL-08 đã làm tăng chi phí đầu tư, gây lãng phí nguồn lực do phải trả chi phí cam kết rút vốn cho thời gian chậm trễ với số tiền ước tính là 2,556 triệu USD (tương đương gần 57,2 tỷ đồng). Ngoài ra thiệt hại do chênh lệch tỷ giá đối với số tiền đã tạm ứng cho gói thầu XL-04 do chuyển đổi nguồn vốn đầu tư là hơn 2,5 tỷ đồng.

Mong chính quyền vào cuộc "giải vây”

Đánh giá từ góc độ chuyên môn, Tiến sỹ Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, việc chậm tiến độ các gói thầu của Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh - giai đoạn 2 có nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan, nhưng hầu hết vẫn là những vấn đề trong kiểm soát, giám sát, nghiệm thu, thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành… Do đó, chủ đầu tư muốn đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu thì việc đầu tiên cần làm là phải thực hiện chấn chỉnh, khắc phục ngay các hạn chế này.

Về phía nhà thầu, ông Hồ Quốc Bằng cho rằng chủ đầu tư cần phải đốc thúc nhà thầu tăng tốc thi công; đặt ra cam kết cụ thể đối với mỗi đơn vị nhà thầu về thời gian hoàn thành từng hạng mục; giám sát và đánh giá chặt chẽ về tiến độ của nhà thầu để làm cơ sở xử lý theo các điều khoản hợp đồng. Trường hợp nhà thầu không đủ năng lực, không thể cải thiện tiến độ dù đã được nhắc nhở, chủ đầu tư nên chấm dứt hợp đồng với nhà thầu này và tổ chức lựa chọn nhà thầu khác để tiếp tục thi công phần công việc còn lại chứ không nên dây dưa, kéo dài làm tăng chi phí, lãng phí nguồn lực.

tim-phuong-an-day-nhanh-tien-do-du-an-ve-sinh-moi-truong-tphcm-2
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Theo ông Hồ Quốc Bằng, Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh - giai đoạn 2 là để giải quyết vấn đề nước thải của Thành phố, cải thiện hệ thống xử lý nước thải và hạn chế việc xả nước thải bẩn ra kênh, sông trên địa bàn. Nếu dự án cứ tiếp tục gia hạn; đồng nghĩa với việc nước thải chưa qua xử lý vẫn sẽ phải tiếp tục bơm ra sông Sài Gòn và các kênh, rạch khác, trong khi tình trạng ô nhiễm sông, kênh, rạch của Thành phố Hồ Chí Minh đã đến mức báo động, không thể trì hoãn thêm.

Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc chậm trễ tiến độ của các gói thầu xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng hầu hết vẫn là vấn đề về cơ chế, thủ tục, cần có sự hỗ trợ của chính quyền Thành phố để giúp "giải vây” cho dự án.

Theo đó, Ban quản lý đã gửi kiến nghị đến Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố xem xét, tham mưu để sớm giao đất xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè cho dự án.

Đối với gói thầu XL-02, Ban Quản lý kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng sớm thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật các hạng mục phụ trợ của nhà máy xử lý nước thải (san nền, nắn chỉnh rạch, chống ngập…) song song với thẩm định thiết kế cơ sở.

Bên cạnh đó, kiến nghị Ủy ban Nhân Thành phố chỉ đạo chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ sớm có ý kiến về công nghệ MBBR của thiết kế cơ sở và trình Ủy ban Nhân dân Thành phố chấp thuận; chỉ đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Khu nhà máy; chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận 2 giải quyết dứt điểm 4 trường hợp chưa thống nhất phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, tình hình cấp phép của dự án còn khó khăn, gói thầu thi công cống (khu vực thành phố Thủ Đức) do đơn vị xin cấp phép phải lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan, thủ tục xin cấp phép chậm. Đặc biệt, thời gian cấp phép thi công ngắn (22 giờ đến 5 giờ), trong khi không cho tồn tại rào chắn để tập kết thiết bị. Do đó, ban này kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải có cơ chế đặc thù để cấp phép cho các dự án ODA.

tim-phuong-an-day-nhanh-tien-do-du-an-ve-sinh-moi-truong-tphcm-3
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ thi công, Ban Quản lý kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo Sở Giao thông và Vận tải xem xét, cấp phép nhiều mũi thi công; đồng thời, tùy vào tình hình thực tế các tuyến đường để cho phép tồn tại rào chắn tập kết thiết bị nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn trả mặt đường.

Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh - giai đoạn 2 được thực hiện tại quận 2, với tổng vốn đầu tư hơn 11.133 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 9.560 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án nhằm hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè và quận 2 với hệ thống xử lý nước thải có công suất 480.000m3 nước thải mỗi ngày. Qua đó, cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân, khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái lưu vực sông Sài Gòn và hạ lưu sông Đồng Nai; đồng thời, cải tạo chỉnh trang đô thị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, thúc đẩy phát triển du lịch, sản xuất, kinh tế Thành phố.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2020 nhưng đến nay tiến độ chung của dự án chỉ đạt khoảng 52%, giải ngân 56,7%. Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã có thư chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án thêm 36 tháng, tức đến tháng 6/2024.

Trước tình hình đó, Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư về thời gian thực hiện dự án tới năm 2024./.


Theo Hồng Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tags TP.HCM Dự án Vệ sinh môi trường giải phóng mặt bằng

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục