Tình trạng ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay trên toàn thế giới. Công nghiệp phát triển, kéo theo hàng loạt, nhà máy phân xưởng ra đời đáp ứng nhu cầu sản xuất, theo đó các chất thải nguy hải, khi thải từ các nhà máy, cơ sở chưa qua xử lý vô hình chung làm tình trạng ô nhiễm ngày càng thêm nặng nề, đây là vấn nạn cần được giải quyết không chỉ riêng việt nam mà còn trên toàn thế giới.
Giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, qua đó, gắn phát triển kinh tế, xã hội với công tác bảo vệ môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 863,2 tấn/ngày chủ yếu tập trung từ hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó, lượng rác không nguy hại phát sinh khoảng 646 tấn/ngày. Hiện nay, các đơn vị, cơ sở sản xuất thường tự phân loại ngay tại nguồn để phục vụ nhu cầu tái chế, tái sử dụng lại, phần chất thải rắn công nghiệp nguy hại được hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý. Tỷ lệ thu gom rác thải không nguy hại 85-90%, tương đương 549-581 tấn/ngày và xử lý khoảng 382-405 tấn/ngày.
Theo số liệu thống kê từ báo cáo quản lý chất thải nguy hại của các chủ nguồn thải, các chủ xử lý (cơ sở hành nghề xử lý chất thải nguy hại) báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng khối lượng chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh trên địa bàn thành phố có tỷ lệ gia tăng trung bình khoảng 20%/năm. Lượng chất thải nguy hại công nghiệp trung bình trong giai đoạn 2015-2018 phát sinh khoảng 217,2 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thống kê được khoảng 99% (tương đương với 215 tấn/ngày), còn lại một số cơ sở do lượng chất thải phát sinh quá ít hiện được lưu giữ tạm thời tại cơ sở. Liên quan đến chất thải rắn y tế, theo số liệu thống kê, mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 27,52 tấn/ngày, trong đó, chất thải rắn nguy hại khoảng 8,448 tấn/ngày và chất thải rắn thông thường khoảng 19,072 tấn/ngày.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Tại tỉnh Thái Nguyên, cùng với việc thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thì lượng rác thải công nghiệp phát sinh ra môi trường trên địa bàn Thái Nguyên cũng tăng theo. Vì vậy, việc xử lý hiệu quả nguồn rác thải này đã, đang được cơ quan chức năng và doanh nghiệp quan tâm...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có gần 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, khối lượng rác thải phát sinh hàng ngày rất lớn (khoảng 1.200 tấn/ngày). Lượng rác chủ yếu tập trung tại 4/6 khu công nghiệp và 19/32 cụm công nghiệp đang hoạt động. Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện tại, trong quá trình sản xuất, các đơn vị cơ bản thực hiện nghiêm túc những quy định về bảo vệ môi trường, không tồn tại điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, công nghệ, dây truyền sản xuất cũng như hệ thống xử lý chất thải đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại nên lượng phát thải về khói, bụi, nguồn nước, chất thải rắn đã được xử lý trước khi đưa ra môi trường...
Đối với hoạt động xuất công nghiệp, bên cạnh việc phát sinh lượng rác thải thông thường, nhiều lĩnh vực còn phát sinh nguồn chất thải nguy hại. Đây là những nguồn chất thải phải được quản lý, xử lý chặt chẽ theo quy trình, bởi không quản lý tốt sẽ để lại hậu quả lớn về ô nhiễm môi trường.
Ở nước ta hiện nay, tốc độ phát sinh rác thải đang dao động từ 0,35-0,8kg/ người/ ngày. Rác thải là sản phẩm tất yếu của cuộc sống được thải ra từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của con người. Cùng với mức sống của con người hiện đại và công cuộc công nghiệp hóa ngày càng phát triển mạnh, lượng rác thải ra môi trường ngày càng nhiều với các thành phần phức tạp và đa dạng. Xử lý rác đã là một vấn đề nóng bỏng ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thực tế việc xử lý và quản lý rác thải công nghiệp mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa thể ngang tầm với nhu cầu đòi hỏi. Hiện nay, lượng rác ở các khu đô thị được đưa đến bãi chôn lấp tập trung chỉ đạt khoảng 60-65%, lượng rác còn lại bị ném xuống ao hồ, sông ngòi, ném bên vệ đường. Còn ở khu vực nông thôn, rác thải hầu như không được thu gom và có thể bắt gặp ở bất cứ đâu.
Ở khu vực khám chữa cho người bệnh, dù rất nhiều bệnh việc đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện điều kiện môi trường theo hướng xanh, sạch, đẹp nhưng vẫn còn những bất cập trong việc thu gom và tiêu hủy rác thải y tế, nhất là những loại chất thải có các thành phần nguy hại, Đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường và con người.
Rác thải chỉ thực sự đem lại nguy cơ khi con người không quan tâm đến công tác quản lý, thu gom và xử lý. Nếu nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, và giúp họ làm quen với công nghệ xử lý rác một cách thân thiện thì ngược lại, rác thải sẽ là nguồn tài nguyên quý giá để tái sử dụng phục vụ con người.
Ở các nước phát triển, việc thu gom và phân loại rác để tái sử dụng đã trở thành một việc làm bình thường, những túi đựng rác đều do các gia đình bỏ tiền mua ở cửa hàng. Tại đây người dân coi rác thải không phải đồ bỏ đi mà cố gắng tận dụng những thứ còn có ích nhằm đem lại lợi ích và làm trong sạch môi trường sống của họ.
Tỷ lệ thu gom rác thải công nghiệp ở Việt Nam đang đạt khoảng 31%. Tình trạng xử lý, quản lý rác kém hiệu quả đã và đang tạo nên một làn sóng dư luận trong cộng đồng, đặt ra thách thức lớn đối với nhiều cấp, ngành, đặc biệt là ngành môi trường.
Tuy nhiên vấn đề này không thể giải quyết một sớm một chiều vì chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bất cập nhất là việc thiếu giải pháp đồng bộ.
Những khó khăn chủ yếu về quản lý và xử lý rác thải công nghiệp ở Việt Nam:
- Nguồn kinh phí đầu tư cho việc xử lý rác thải độc hại rất lớn, Vốn đầu tư lại cần được huy động từ ngân sách Nhà nước, hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế và các tổ chức phi chính phủ. Nhiều địa phương trên cả nước đã có quy hoạch bãi chôn lấp rác nhưng lại thiếu kinh phí xây dựng nơi chôn lấp theo yêu cầu bảo vệ môi trường nên chưa thực hiện được.
- Nhận thức về việc thu gom xử lý rác với các cá nhân chưa được tốt, vô hình chung đã gây sức ép không đáng có cho các cơ quan chuyên ngành.
- Sự phối hợp chuyên ngành còn kém hiệu quả trong mọi công đoạn. Hoạt động giám sát của các cơ quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn lỏng lẻo thiếu các biện pháp nâng cao nhận thức.
- Năng lực đáp ứng nhu cầu quản lý rác thải và trên hết là rác thải độc hại ở các địa phương còn yếu kém.
Tính đến nay có khoảng 79% tổng số khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, các công trình này dù đã đi vào hoạt động nhưng nhiều khu công nghiệp có hiệu quả xử lý không cao, chưa đạt quy định của các QCVN. Tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nơi có tập trung nhiều khu công nghiệp và dự án FDI lớn nhất cả nước, mặc dù tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu vực này cao nhất nước nhưng tình trạng vi phạm các quy định về môi trường vẫn xảy ra.
Ô nhiễm do nước thải công nghiệp kết hợp với nước thải đô thị đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nhiều kênh rạch ở vùng ven TPHCM như Tham Lương, Ba Bò, Thầy Cai, An Hạ…. Nhiều doanh nghiệp dùng các thủ đoạn xây dựng hệ thống ngầm kiên cố xả thẳng ra sông, rạch, chẳng hạn như công ty Hào Dương, Phạm Thu, Tường Trung, Tân Nhật Dũng tại TPHCM, hoặc lợi dụng thủy triều lên xuống để pha loãng nước thải chưa qua xử lý đưa ra môi trường như công ty cổ phần Sonadezi Long Thành - Đồng Nai (2).
Đặc biệt nghiêm trọng, Công ty Vedan (Đài Loan) đã bơm xả trực tiếp một lượng lớn dịch thải sau lên men với nồng độ các chất ô nhiễm rất cao ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm sông Thị Vải, trên một phạm vi rộng (theo kết quả thanh tra của Tổng cục môi trường ngày 6-9-2008). Ngày nay sông Thị Vải đã dần hồi sinh: ô nhiễm giảm rõ rệt, tôm cá lại phát triển sau khi công ty này bị xử phạt, giảm xả thải vào môi trường.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Tuy nhiên, hiện nay ô nhiễm môi trường không khí không lớn tại các khu công nghiệp có đầu tư và quản lý môi trường tốt (các chỉ số chất lượng không khí chung quanh trong nhiều khu công nghiệp ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương đạt giới hạn cho phép theo QCVN05:2013/BTNMT, còn tốt hơn tại vùng ven các đường giao thông lớn). Trong khi đó, ô nhiễm không khí tại các vùng ven các nhà máy xi măng, thép, nhiệt điện … có công nghệ lạc hậu, quản lý môi trường kém lại rất cao.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, UBND thành phố giao các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm soát công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và y tế nhằm ngăn ngừa ô nhiễm theo đúng quy định. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất thải y tế và chất thải nguy hại, ngày 22/5/2018, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2471/QĐ-UBND phê duyệt dự toán kinh phí điều tra, khảo sát, xây dựng và triển khai Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đáng chú ý, UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 1281/QĐ-UBND, ngày 20/3/2019, phê duyệt Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng với các đơn vị có liên quan lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.
Song hành với các nội dung trên, thành phố ban hành cơ chế, chính sách, chỉ đạo nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước về ô nhiễm môi trường công nghiệp. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ thực tế cho thấy, một số cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ trước đây có xảy ra tình trạng chất thải nguy hại không được phân loại, quản lý theo đúng quy định, nhất là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Sau khi cơ quan chức năng chấn chỉnh và được hướng dẫn đã được khắc phục và cải thiện đáng kể. Đáng nói, việc tích cực tổ chức các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường cũng góp phần đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường công nghiệp…
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý lý ô nhiễm môi trường công nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về môi trường, quan trắc đánh giá hiện trạng và dự báo diễn biến mức độ ô nhiễm, từ đó, đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xả thải của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt, công tác quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp sẽ đạt được nhiều kết quả cao, hướng tới phát triển bền vững giữa phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường/.
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển