Nhà tiêu hợp vệ sinh của gia đình chị Lỷ Tài Múi (thôn Ngàn Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) đã di chuyển xa nơi ở.
Đổi thay từ nhận thức của người dân
Trước đây, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường rất khó khăn. Cùng với cái nghèo, những hủ tục trong nếp sinh hoạt hàng ngày dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con nơi đây.
Thôn Ngàn Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu trước kia là một trong những địa phương như thế. Năm 2018, cả thôn có 53 hộ, không có hộ nào tự xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Thế nhưng, trở lại Ngàn Chuồng mới đây, chúng tôi ghi nhận 100% người dân trong thôn đã có nhà tiêu hợp vệ sinh, không còn chuồng trâu, chuồng lợn sát nhà. Chính sự vận động nhiệt tình, cũng như hỗ trợ tích cực của chính quyền và các tổ chức, đoàn thể đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân.
Gia đình chị Lỷ Tài Múi vốn là hộ khó khăn trong thôn. Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà nằm sâu phía cuối đường, chị Múi chia sẻ: Trước kia, chúng tôi chỉ luôn mơ ước xây nhà mới khang trang, còn nhà vệ sinh thì chẳng ai nghĩ đến. Thế rồi, gia đình tôi may mắn được chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" hỗ trợ xây nhà ở và nhà tiêu hợp vệ sinh, được các chị em hội phụ nữ hướng dẫn dọn dẹp nhà cửa. Gia đình đã chuyển sang sử dụng nhà vệ sinh này trong sinh hoạt hàng ngày.
Còn tại Cô Tô, nơi huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, thay vì sử dụng túi nilon để mua sắm thực phẩm như trước, giờ đây các bà nội trợ đã dần hình thành thói quen dùng làn nhựa mỗi khi đi chợ.
Chị Lê Thị Hà, tiểu thương chợ Cô Tô, cho biết: Hằng ngày, hằng tuần, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên huyện đều ra tận chợ tuyên truyền, vận động chị em về việc hạn chế sử dụng túi nilon. Giờ đây chúng tôi không đựng hàng vào túi nilon khi bán cho khách nữa, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được một khoản kha khá.
Rõ ràng, nhận thức của người dân là yếu tố quan trọng, tạo nên thành công trong việc thực hiện tiêu chí môi trường. Ở nhiều nơi, việc vệ sinh, cải tạo kênh mương, cống rãnh, ao hồ, quét dọn đường làng ngõ xóm, trồng cây, trồng hoa, cải tạo cảnh quan môi trường... đã không còn là việc phải làm, mà là việc cần làm. Chính bởi tinh thần tự nguyện và ý thức trách nhiệm vì cộng đồng cao, đã xuất hiện ngày càng nhiều tuyến đường nông thôn được trồng hoa, cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Cần giải pháp bền vững
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh, tại nhiều địa phương trong tỉnh, do xuất phát điểm về hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn trước khi triển khai xây dựng NTM rất thấp, các công trình bảo vệ môi trường hầu như chưa được đầu tư xây dựng, dẫn đến việc thực hiện chỉ tiêu chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, mật độ dân cư lại gia tăng liên tục.
Tại xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, mỗi ngày có 40-50 xe đẩy rác được chở đến lò đốt rác thủ công trên địa bàn. Công nhân ở đây cho biết, vào các đợt cao điểm dịp hè, lượng khách du lịch đông, mỗi ngày nơi đây phải xử lý khoảng 100 xe rác các loại. Trong khi đó, rác không được phân loại tại nguồn, lò đốt vận hành theo quy trình thủ công, những loại rác không thể đốt sẽ được xử lý bằng cách chôn lấp. Theo thời gian, chắc chắn sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến mạch nước ngầm trên địa bàn xã.
Không những thế, việc xây dựng các tuyến đường giao thông, cơ sở dịch vụ du lịch diễn ra khá sôi động khiến tình trạng tập kết vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định, cùng lượng bụi lớn phát sinh từ các công trình đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống nơi đây.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Quan Lạn, cho biết: Toàn xã hiện có trên 800 phòng nghỉ của nhiều khách sạn, homestay. Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng cái khó của xã khi thực hiện tiêu chí môi trường chính là nước sạch và xử lý nước thải. Bởi trên địa bàn xã chưa có nước sạch, cũng như hệ thống xử lý nước thải. Người dân phải dùng nước giếng khoan, nước mưa trong sinh hoạt hàng ngày.
Có thể thấy, cái được lớn nhất của việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM thời gian qua chính là nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân ngày càng được nâng cao. Bảo vệ môi trường được coi là một trong những nội dung trọng tâm trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Nhiều địa phương đã huy động tốt sự tham gia của các bên liên quan vào công tác bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của cộng đồng, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ môi trường. Điều này càng đặc biệt quan trọng ở khu vực miền núi, nhất là những xã, thôn vừa thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, vẫn còn không ít địa phương, việc thực hiện tiêu chí môi trường vẫn chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân, thậm chí ở không ít xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dù đã đạt tiêu chí này, nhưng thiếu bền vững.
Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông. Cùng với đó, các địa phương tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tương ứng với tốc độ phát triển KT-XH. Có như vậy, việc thực hiện tiêu chí môi trường sẽ thực sự phát huy ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng NTM bền vững trên địa bàn.
Theo Báo Quảng Ninh