Gạch không nung. Ảnh: Internet
Tại Việt Việt Nam, thị trường vật liệu xanh hiệu quả năng lượng cũng đang cho thấy nhiều tín hiệu phát triển tích cực, với sự xuất hiện đa dạng của nhiều loại vật liệu mới được sản xuất trên nền tảng các dây chuyền công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, để vật liệu xanh trở thành nguồn vật liệu lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, chủ công trình thì vẫn còn rất nhiều rào cản, thách thức cần phải giải quyết.
Vật liệu xây dựng (VLXD) có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, tạo cơ sở kết cấu hạ tầng nhà ở đô thị, nông thôn và góp phần quan trọng với sự phát triển của đất nước. Trong các công trình xây dựng nói chung, VLXD thường chiếm tỉ trọng khoảng 60-70% giá thành của công trình. Năm 2020, các sản phẩm VLXD chủ yếu của Việt Nam đều được sản xuất và tiêu thụ khá ổn định, mặc dù chúng ta cũng chịu tác động của đại dịch Covid-19. Ước tính sản lượng sản xuất năm qua của ngành xây dựng vẫn đạt sản lượng tương đương so với năm 2019; xi măng và gạch ốp lạt đạt Top 5 của thế giới. Tổng giá trị doanh thu của ngành vật liệu xây dựng ước tính năm 2020 khoảng hơn 500 ngàn tỷ đồng, (khoảng 22 tỷ USD) chiếm khoảng 6,5% GDP của đất nước. Như vậy, có thể thấy vai trò của ngành VLXD qua những con số khẳng định rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thực trạng sản xuất vật liệu xây dựng
Phát triển VLXD ở Việt Nam đã thực sự mang lại lợi ích kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội tạo việc làm cho hàng trăm triệu tại các vùng miền trên cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên thì việc sản xuất và sử dụng VLXD đi kèm với việc sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản và có tác động đến môi trường. Chính bởi vậy, Viện Vật liệu xây dựng đã được Bộ Xây dựng giao chủ trì nghiệp vụ nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2050. Trong suốt 2 năm vừa qua, Viện Vật liệu xây dựng đã cùng với Vụ Vật liệu xây dựng đã tiến hành tổ chức, rà soát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, rồi ước tính nhu cầu về VLXD trong 10 năm tới của Việt Nam theo định hướng 2050 và đã đưa ra các giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển VLXD Việt Nam.Chiến lược phát triển VLXD 2021-2030 và định hướng 2050 đã chính thức được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định Số 1266/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2020 và hiện tại đang trong bước đầu triển khai thực hiện.
Trong Chiến lược phát triển VLXD liên quan đến VLXD xanh và tiết kiệm năng lượng được nêu rất rõ là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng phế thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt để sản xuất các loại VLXD và kết hợp sản xuất VLXD để xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các loại sản phẩm VLXD tính năng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xu hướng phát triển VLXD xanh và tiết kiệm năng lượng của thế giới hiện nay đang tiệm cận với quan điểm phát triển bền vững của Liên hợp quốc. VLXD đang cho là trên đường tiến tới xanh và tiết kiệm năng lượng thì phải tập trung sử dụng càng ít tài nguyên thiên nhiên càng tốt và tăng hàm lượng nguyên liệu đầu vào từ các phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt. Đồng thời, công nghệ sản xuất VLXD xanh, tiết kiệm năng lượng đòi hỏi phải giảm thiểu năng lượng tiêu thụ trong sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính. VLXD xanh đòi hỏi trong quá trình sử dụng cần phải loại bỏ các yếu tố độc hại trong quá trình sử dụng, đồng thời phải có độ bền lâu. Với Việt Nam thì vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là một trong những tiêu chí cần phải tập trung.
VLXD xanh trong vòng đời sử dụng thì cần phải có đặc điểm dễ dàng tái chế để sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các loại vật liệu khác.
VLXD tiết kiệm năng lượng theo Quy chuẩn QCXD:09 của Bộ Xây dựng cũng đã có những quy định đối với công trình xây dựng sử dụng VLXD tiết kiệm năng lượng không cần phải sử dụng nguyên liệu tái chế nhưng phải tập trung vào việc giải quyết tiết kiệm năng lượng. VLXD tiết kiệm năng lượng đòi hỏi phải giữ được cho công trình mát hơn về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Trong Quy chuẩn QCXD:09 thì hệ số dẫn truyền nhiệt của VLXD tiết kiệm năng lượng luôn luôn rất quan trọng trong việc sử dụng VLXD tiết kiệm năng lượng này.
Hiện nay, theo thống kê sơ bộ trên thế giới có khoảng 465 nhãn xanh của 199 quốc gia và bao trùm 125 ngành công nghiệp, trong đó có VLXD. Tiêu chuẩn VLXD xanh được tự nguyện áp dụng và được đánh giá dựa trên toàn bộ vòng đời của sản phẩm và thường có bên thứ ba đánh giá chứng nhận.
Tại Việt Nam, có chương trình nhãn xanh môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo Quyết định Số: 253/QĐ-BTNMT ngày 5 tháng 3 năm 2009 về việc phê duyệt chương trình cấp nhãn sinh thái và có Thông tư số 41 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng được 17 bộ tiêu chí cho các nhóm sản phẩm khác nhau, trong đó VLXD có 2 bộ tiêu chí là sơn phủ và gạch ốp lát dùng trong xây dựng.
Gần đây, Viện Vật liệu xây dựng cũng đã xây dựng xong 2 nhóm tiêu chuẩn xanh cho sản phẩm xi măng và sứ vệ sinh. Có thể nói phát triển VLXD xanh và tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam cùng với giai đoạn phát triển công trình xanh trong những năm gần đây, Bộ Xây dựng đã có những động thái tăng cường thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cũng như sự hưởng ứng của doanh nghiệp. VLXD xanh cũng tạo áp lực khá lớn đối với ngành Xây dựng, đặc biệt là vấn đề về nguồn nhân lực để có thể vận hành dây truyền sản xuất đòi hỏi phải có tư duy và kỹ năng tốt hơn bởi việc sản xuất VLXD xanh có nguồn nguyên liệu đầu vào khác so với VLXD bình thường vì phải tăng hàm lượng nguyên liệu tái chế; đồng thời nhân lực về tư vấn thiết kế và triển khai thi công các công trình sử dụng VLXD xanh trong thời gian tới khả năng sẽ khó khăn hơn vì họ đã quen với việc sử dụng VLXD truyền thống.
Giải pháp thúc đẩy phát triển các loại VLXD xanh, tiết kiệm năng lượng trong tương lai
Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn các loại VLXD xanh tiết kiệm năng lượng như công trình xanh tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam theo chúng tôi dự báo là cần tập trung một số giải pháp như sau:
Nhóm 1, giải pháp cơ chế chính sách. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong đó phải có các cơ chế ưu đãi khái thác và sử dụng VLXD xanh và tiết kiệm năng lượng cho công trình xây dựng; Phải tăng thuế môi trường cho những VLXD gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất
Nhóm 2, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, làm chủ công nghệ sản xuất và đặc biệt giải pháp công nghệ trong việc ứng dụng các loại VLXD xanh, tiết kiệm năng lượng vào công trình xây dựng.
Nhóm 3, nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu, sản xuất, thiết kế, thi công công trình sử dụng VLXD xanh và tiết kiệm năng lượng. Đòi hỏi lực lượng tư vấn phải có am hiểu và kiến thức, nhuần nhuyễn về tính năng của vật liệu. Chỉ có các nhà tư vấn am hiểu vật liệu sâu sắc thì mới sử dụng VLXD xanh và tiết kiệm năng lượng đúng chỗ và có hiệu quả. Còn nếu lực lượng tư vấn chưa tìm hiểu rõ về loại VLXD đó thì sẽ làm mờ nhạt vai trò của VLXD xanh trên thị trường VLXD hiện nay.
Ngoài việc ưu đãi về chính sách đối với VLXD xanh thì truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng và cần phải được ưu tiên thì những sản phẩm xanh mới đi vào công trình xây dựng nhanh hơn. Chúng tôi hy vọng rằng, tất cả các bên sẽ cùng tăng cường phối hợp kết hợp giải pháp đồng bộ về chơ chế chính sách, về khoa học công nghệ, tối ưu hóa trong sản xuất VLXD, nâng cao năng lực thiết kế, thi công công trình xanh tiết kiệm năng lượng và sẽ góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng nói riêng, của đất nước nói chung.
PGS.TS Lê Trung Thành- Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng
Theo Tạp Chí Xây Dựng Việt Nam