Thực trạng và giải pháp phân loại chất thải rắn tại tỉnh Nam Định

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/12/2020 | 5:32:09 PM

QLMT - Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xử lý rác thải, giúp ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại của rác thải đối với môi trường và sức khỏe con người. Thực hiện phân loại chất thải rắn mang lại những lợi ích về môi trường và kinh tế, như: hạn chế ô nhiễm nước ngầm và nước mặt, góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, giảm khối lượng chất thải rắn cần chôn lấp, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Đồng thời khi tận dụng tái chế, tái sinh chất thải rắn sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, có thể sử dụng lại các sản phẩm từ quá trình tái sinh, tái chế dưới dạng nguồn nguyên liệu thứ cấp để tiết kiệm chi phí sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau đây là một số kết quả bước đầu trong thực hiện mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Nhận thức rõ tầm quan trọng, giá trị của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong công tác quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt, trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo. Cụ thể: Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND, ngày 26/9/2016 quy định về cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 3053/QĐ-UBND, ngày 23/12/2016 phê duyệt quy hoạch chất thải rắn vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030; Kế hoạch số 87/KH-UBND, ngày 08/9/2018 của UBND tỉnh về thực hiện điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến nắm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;  Quyết định số 2081/QĐ-UBND, ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án " Quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025” và nhiều văn bản quan trọng khác để thực hiện công tác quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

 Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Nam Định đã tích cực triển khai các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Kinh phí triển khai mô hình từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của các địa phương, đơn vị. Tham gia mô hình, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ các trang thiết bị, dụng cụ như thùng xử lý rác, chế phẩm sinh học … Hiện nay, toàn tỉnh có 28 thôn/345 thôn, xóm (2706 hộ/41.787 hộ) của 21 xã đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn. Một số địa phương trong tỉnh đã triển khai mô hình, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan. Tại huyện Giao Thủy, mô hình " Phân loại rắn thải tại hộ gia đình” được triển khai tại các xã Giao Hà, Bạch Long và thị trấn Ngô Đồng với trên 200 hộ dân tham gia. Hiện nay, huyện mở rộng mô hình này tới các hộ dân tại xã Giao Phong, Giao Hải. Huyện Nghĩa Hưng triển khai thí điểm  mô hình trên tại xã Nghĩa Minh theo 2 cách: những hộ dân có điều kiện về không gian và có nhu cầu sử dụng phân vi sinh tiến hành phân loại và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình; những hộ dân hạn hẹp về không gian và không có nhu cầu sử dụng phân vi sinh, thực hiện phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ bằng các thùng rác riêng biệt, tận dụng rác thải hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi. Huyện Xuân Trường có xã Thọ Nghiệp triển khai thành công mô hình " Hố rác hữu cơ di động” với 330 hộ tham gia; 02 địa phương mới triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn là xã Xuân Hòa, Xuân Kiên với hơn 800 hộ tham gia. Huyện Vụ Bản đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng mô hình " Phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”; mô hình triển khai điểm tại xã Hợp Hưng và Minh Tân với khoảng 300 hộ tham gia, hiện nay đang mở rộng điểm tại xã Liên Minh và xã Hiển Khánh với sự tham gia của 170 hộ dân. Huyện Mỹ Lộc đã triển khai thí điểm tại 02 xóm của xã Mỹ Tân là Hồng Hà 1 và Hồng Hà 2 với 27 hộ tham gia. Huyện Ý Yên triển khai mô hình " Hố rác hữu cơ di động” thí điểm tại xã Yên Cường với 30 hộ tham gia. Huyện Trực Ninh triển khai mô hình tại xã Trực Hùng (198 hộ) và xã Trung Đông với (168 hộ). Thành phố Nam Định triển khai thí điểm tại xóm Mỹ Tiến 1, xã Nam Phong. Đặc biệt huyện Hải Hậu đã triển khai rất thành công mô hình "Phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” tại xã Hải Lý với 112 hộ tham gia; đây là mô hình điểm đạt hiệu quả cao về kinh tế và môi trường, được nhiều địa phương tới thăm quan học tập kinh nghiệm.


Bãi chất thải ở làng nghề Báo Đáp là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Ảnh TL

Sau một thời gian triển khai, các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các hộ gia đình. Thực hiện các mô hình này, người dân có thể tận dụng rác thải hữu cơ làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, cá, xử lý thành phân hữu cơ dùng để bón cho cây trồng và góp phần làm giảm trung bình khoảng 40% -50% lượng rác thải hữu cơ phải đem đi xử lý. Rác thải tại những nơi tham gia mô hình đã được thu gom 100%, không còn hiện tượng các bãi rác di động, tự phát. Nhiều địa phương đã triển khai đạt kết quả tốt, như: xã Hải Lý, huyện Hải Hậu; xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản; xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường và thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy. Nhìn chung, mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là những mô hình đơn giản, dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao trong việc xử lý chất thải rắn hữu cơ, thu hút được sự tham gia của người dân.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đang hoạt động vẫn còn những bất cập. Một số cấp ủy, chính quyền tại nơi triển khai mô hình chưa thực sự sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo việc duy trì, nhân diện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt. Công tác tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn còn chưa được triển khai sâu rộng đến từng người dân. Ở một số nơi, người dân vẫn chưa có thói quen phân biệt các loại rác thải hữu cơ, vô cơ, thậm chí lúng túng trong việc nhận diện các loại chất thải; bất cập trong khâu thu gom rác thải, chưa đồng bộ phương tiện vận chuyển, xử lý để tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt sau khi phân loại tại các hộ gia đình. Kinh phí đầu tư cho việc phân loại rác tại nguồn (dụng cụ, phương tiện chuyên trở, lao động) còn rất hạn chế. Cán bộ làm công tác môi trường tại các huyện, các xã, thị trấn còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên việc thực hiện trách nhiệm về quản lý công tác bảo vệ môi trường còn chưa đáp ứng được yêu cầu…

              Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả việc thực hiện mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong thời gian tới, Nam Định sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các địa phương, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cộng đồng về phân loại rác thải tại nguồn, tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành quy định chuyên môn chính thức về phương pháp phân loại chất thải rắn để hướng dẫn người dân thực hiện. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được duy trì, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.  Triển khai thực hiện Đề án " Quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025” để giải quyết triệt để vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường của tỉnh trong tình hình mới.


Theo Đinh Xuân Chung - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định


Tags Nam Định chất thải rắn sinh hoạt xử lý rác thải

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục