Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo vệ động, thực vật hoang dã trong tình hình mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/12/2020 | 4:15:23 PM

QLMT - Theo nhận định của Ủy ban Liên chính phủ Liên Hợp Quốc tại Báo cáo Đánh giá toàn cầu về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái năm 2019 (IPBES): Tốc độ suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra là chưa từng có trong lịch sử.Một triệu loài động vật và thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng nói trên là do sự biến mất tự nhiên, khai thác quá mức; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm làm bằng nhựa... và các loài xâm lấn. Trong đó, đô thị hóa, phá rừng, phát triển nông nghiệp là những nguyên nhân chính khiến gần 75% môi trường mặt đất bị biến đổi, làm các loài và hệ sinh thái suy giảm.

Ngày 23-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg (Chỉ thị số 29) về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Chỉ thị nêu rõ: Trong thời gian qua hệ thống pháp luật về bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững các loại hoang dã đã được hoàn thiện, phù hợp luật pháp quốc tế và thực tiễn đất nước. Các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nhằm đưa pháp luật vào đời sống, nhất là đấu tranh, triệt phá các đường dây vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trái pháp luật các loại động vật hoang dã, tạo sự chuyển biến và rõ nét nhiều mặt. Tuy nhiên tình trạng săn, bắt, giết, mổ, vận chuyển kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã còn nhiều diễn biến phức tạp ở một số địa bàn, địa phương, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loại động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín của đất nước trên trường quốc tế; cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có 4 loài động vật đã tuyệt chủng, 48 loài rất nguy cấp và 113 loài nguy cấp; 37 loài thực vật rất nguy cấp, 178 loài nguy cấp. Số lượng các giống, chủng động vật, thực vật được nuôi trồng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản, y tế… đã mất đi khá nhanh, trong số này có nhiều giống quý.

Một trong những yếu tố "tiếp tay” cho việc làm giảm đa dạng sinh học đó là xuất hiện tràn lan trên mạng các trang quảng cáo buôn bán động, thực vật hoang dã. Chỉ trong năm 2019, Phòng Bảo vệ động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận hơn 2.400 trường hợp quảng cáo động vật hoang dã trên Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok và các trang mạng điện tử khác. Con số này vẫn không có dấu hiệu giảm xuống trong những tháng đầu năm 2020 với 424 vụ vi phạm tính đến hết ngày 30-4-2020.

Sau ba mươi năm theo dõi lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường trong đó có lĩnh vực động, thực vật hoang dã, tôi xin nêu một số vấn đề như sau.

Thứ nhất, lực lượng phóng viên viết vừa thiếu, vừa không chuyên sâu

Những đồng nghiệp của tôi viết báo lĩnh vực môi trường nói chung, động thực vật hoang dã nói riêng gần như chỉ có một, hai người học chuyên ngành liên quan môi trường rồi đi làm báo. Ở nước ngoài phóng viên viết lĩnh vực bảo vệ môi trường bắt buộc phải có hai bằng đại học một bằng chuyên ngành báo chí, một bằng lĩnh vực môi trường hoặc tương đương. Còn ở nước ta phóng viên chủ yếu chỉ có một bằng đại học, hoặc là bằng báo chí hoặc bằng chuyên ngành liên quan môi trường. Các trường báo chí, khoa báo chí của nhiều trường đại học chưa có khóa đào tạo cho phóng viên chuyên ngành. Nhiều tổ chức quốc tế, trường đào tạo báo chí, Bộ Tài nguyên và Môi trường thỉnh thoảng có tổ chức các đợt đi thực tế, tọa đàm lĩnh vực động, thực vật hoang dã. Tuy vậy mới dừng lại ở mức "cưỡi ngựa xem hoa”. Để viết được bài, phóng viên phải tự đào tạo là chính.Nhiều cơ quan báo chí do nhu cầu quy hoạch, nhân sự đã luân chuyển liên tục phóng viên viết các lĩnh vực khác nhau mà không phân công phóng viên chuyên theo dõi lĩnh vực môi trường chuyên sâu, trong thời gian dài (trừ phóng viên các báo, tạp chí chuyên ngành bảo vệ môi trường). Điều này cho thấy số lượng phóng viên chuyên viết lĩnh vực môi trường nói chung, động, thực vật hoang dã nói riêng vừa thiếu về số lượng, vừa không chuyên sâu.

Thứ hai, đề tài khó, địa bàn xa thành phố, nguy hiểm luôn rình rập

Một vụ gây ô nhiễm môi trường trong thành phố, trong khu công nghiệp, nhà máy để tiếp cận điều tra không phải đơn giản nhưng dù sao cũng thuận lợi hơn nhiều khi vượt đèo, lội suối, ăn ngủ trong rừng hằng tuần lễ để ghi hình, chụp ảnh người cưa, chặt những loài cây quý, hiếm hay săn, bắt động vật hoang dã. Phóng viên có tiếp cận được cũng rất nguy hiểm vì người vi phạm thường là người thông thuộc địa hình và sẵn sàng dùng vũ khí để "tự vệ”. Hiện nay nhiều cơ quan báo chí phải tự hạch toán kinh phí hoạt động, vì vậy việc cấp kinh phí cho một nhóm phóng viên đi nhiều ngày viết phóng sự điều tra được cân nhắc kỹ lưỡng và hạn chế. Nếu không được phép, phóng viên không thể tiếp cận các trạm kiểm soát, cửa khẩu, hải quan để thu thập thông tin liên quan việc vận chuyển, tiêu thụ động, thực vật hoang dã…Đó là một trong những "rào cản”khi phóng viên đi viết phóng sự điều tra về tình trạng tiêu thụ, săn bắt động, thực vật hoang dã. Điều đó cũng cho thấy số lượng tin, bài viết về tình trạng nói trên không nhiều, chủ yếu là những tin, bài viết dựa theo báo cáo của cơ quan kiểm lâm, hải quan, do vậy thiếu sinh động và không có tính phát hiện.

Thứ ba,"đeo bám” đến cùng, tìm hiểu có hệ thống, kiến nghị cụ thể

Đó là kinh nghiệm tôi rút ra được khi theo dõi và thông tin về  Rùa Hồ Gươm. 

Ngày 13-9-2012, trên Hà Nội mới điện tử có đăng bài viết:Rùa hồ Gươm thuộc 100 loài lâm nguy nhất thế giới. Theo đó 5 loài vật của Việt Nam được liệt kê trong danh sách 100 loài đang lâm nguy nhất thế giới, trong đó có Rùa Hồ Gươm. Đây là kết quả làm việc của hơn 8.000 nhà khoa học thuộc Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Hiệp hội Động vật học London (ZSL). Danh sách được công bố tại Hội nghị bảo tồn thế giới ở đảo Jeju, Hàn Quốc ngày 11-9-2012.Các loài của Việt Nam có tên trong danh sách gồm: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), Rùa Hồ Gươm (Rafetus swinhoei), cá vồ cờ (Pangasius sanitwongsei , họ cá Tra) và voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus).

Hơn 20 năm theo dõi, viết bài chụp ảnh về vùng đất văn hóa Hồ Gươm tôi cũng có từng ấy thời gian  tìm hiểu, viết bài, chụp ảnh về Rùa Hồ Gươm kể cả khi Rùa Hồ Gươm đã mất. Bài đầu tiên tôi viết về rùa Hồ Gươm là số Báo Nhân Dân Tết năm 1998 với nhan đề: " Rùa hồ Hoàn Kiếm- báu vật sống”. Sau đó là các bài viết: "Hãy để Rùa Hồ Gươm được sống yên” (BND, ngày 10-10-1999); "Bảo vệ Rùa quý nơi đất thiêng”(BND, ngày 26-1-2000)…

Tôi đã trực tiếp nhìn thấy 194 lần Rùa Hồ Gươm nổi.Và tất cả các lần đó tôi đều đưa tin, bài và ảnh lên trang Wb của mình (www.hohoankiem.org)đồng thời chọn một số lần Rùa nổi để đăng trên Báo Nhân Dân, và gửi bài, ảnh, trả lời phỏng vấn trên các báo, đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Hà Nội và nhiều báo điện tử khác. Tôi đã chụp nhiều bức ảnh Rùa tai đỏ xuất hiện ở Hồ Gươm. Một trong loài động vật đe dọa đến nguồn thức ăn của Rùa và các loài khác đang sống trong hồ. Cảnh báo việc dùng gầu máy xúc để nạo vét sẽ phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái bùn Hồ Gươm. Đầu năm 2011, đứng từ Nhà hàng Thủy Tạ tôi đã chụp được bộ ảnh Rùa Hồ Gươm bơi phía dưới, trên lưng loang lổ vết mốc, vết trầy xước. Toàn bộ phóng sự ảnh này đã được đăng trên báo điện tử VnExpress. Phóng sự ảnh này đã gây được sự chú ý của nhiều độc giả, góp phần thúc giục các cơ quan chức năng của Hà Nội đẩy nhanh kế hoạch chữa bệnh cho Rùa Hồ Gươm. Do nhiều lần thấy Rùa nổi tôi đã phát hiện ra một trong những nguyên nhân làm cho lưng Rùa bị trầy xước đó là Rùa thường chui qua, chui lại ống nước thải từ đền Ngọc Sơn ra cống ở đường đôi Đinh Tiên Hoàng. Ống nước này trước kia được ghim chặt dưới đáy, sau bị bật lên, nổi lập lờ trên mặt nước. Từ kiến nghị của chúng tôi thành phố đã cấp tốc thay đường ống thoát nước thải này bằng một đường ống thải khác chôn ngầm dưới hàng cột của cầu Thê Húc. Tôi và các đồng nghiệp  luôn có mặt ở hồ chứng kiến các sự kiện quan trọng như 100 ngày chữa bệnh cho Rùa ở Tháp rùa năm 2011, Rùa Hồ Gươm ra đi vào tối 19-1-2016.

Năm 2019, tôi được Sở Khoa học và Công nghệ  Hà Nội mời vào Hội đồng khoa học nghiệm thu việc làm tiêu bản Rùa Hồ Gươm theo công nghệ hiện đại nhất thế giới là nhựa hóa do các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và hai nhà khoa học của CHLB Đức thực hiện. Vì sao tôi là nhà báo màlại được mời vào hội đồng nghiệm thu? Bởi vì  tôi đã cung cấp cho các nhà khoa học bộ ảnh chụp cận cảnh Rùa Hồ Gươm. Nhờ có những bức ảnh của tôimà các chuyên gia Đức đã thể hiện rõ nét vết bớt trắng sau mắt trái 5cm là hình một con rùa nhỏ đang bơi;  thể hiện đúng vị trí từng vết đồi mồi trên mép Rùa. Thật thú vị, tài liệu của nhà báo đã trở thành tài liệu chính xác cung cấp cho các nhà khoa học khi làm tiêu bản Rùa Hồ Gươm.

Tôi cùng với PGS Hà Đình Đức và nhiều nhà khoa học, nhà báo đã thể hiện rõ quan điểm là phải đưa tiêu bản Rùa Hồ Gươm về trưng bày ở Đền Ngọc Sơn trước một số ý kiến muốn đưa tiêu bản Rùa Hồ Gươm về trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội. Thật vui mừng, tối 15-3-2019, Rùa Hồ Gươm đã được đưa về đền Ngọc Sơn. Nhân sự kiện này tôi đã tập hợp bảy bức ảnh chụp từ năm 2016 đến năm 2019  để làm một phóng sự ảnh đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam với chủ đề: Rùa Hồ Gươm trở về với Hồ Gươm!
Tin vui đối với người quan tâm Rùa Hồ Gươm, ngày 20-8-2020, các nhà khoa học đã phát hiện thêm một cá thể rùa (cùng loài với Rùa Hồ Gươm) ở hồ Đồng Mô. Như vậy nước ta hiện có ba cá thể cùng loài rùa ở Hồ Gươm: hai cá thể ở hồ Đồng mô, một cá thể ở hồ An khánh. UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch bảo tồn loài Rùa Hồ Gươm. Và sẽ thật là tuyệt vời nếu một ngày nào đó loài Rùa Hồ Gươm lại xuất hiện ở Hồ Gươm. Lúc đó giới báo chí có nhiều dịp đưa tin, viết bài về Rùa Hồ Gươm gắn với truyền thuyết Vua Lê hoàn gươm sau khi đánh tan quân xâm lược, mỗi khi Rùa nổi.

Để có được kết quả tuyên truyền về loài rùa quý như trên tôi đã "đeo bám” đối tượng Rùa Hồ Gươm đến cùng, tìm hiểu có hệ thống và đưa ra kiến nghị cụ thể.

Thứ tư, một số kiến nghị:

Từ những phân tích và thí dụ nêu trên tôi xin đưa ra một số kiến nghị sau:

1. Giải pháp căn bản, lâu dài là mở các khóa đào tạo phóng viên viết chuyên ngành môi trường nói chung, động thực vật hoang dã nói riêng trong các trường báo chí hoặc các trường có khoa báo chí. Mỗi sinh viên khi tốt nghiệp có hai bằng đại học hoặc tương đương: bằng về báo chí và bằng về môi trường. 

2. Các cơ quan chức năng cần tổ chức các lớp đào tạo chuyên ngành, bồi dưỡng nghiệp vụ cho những phóng viên đang theo dõi lĩnh vực môi trường (có thể một đến hai năm một lần). Kinh phí đợt đi thực tập đủ để hỗ chợ phóng viên một số cơ quan báo viết bài nhiều kỳ,"ra tấm, ra miếng”. Trong quá trình phóng viên đi thu thập thông tin, có cơ quan làm đầu mối để phối hợp lực lượng kiểm lâm, quản lý thị trường, chính quyền địa phương.

3. Thực hiện tốt giải pháp mà Chỉ thị số 29 của Thủ Tướng Chính phủ đưa ra,đó là: Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về pháp luật và các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã; phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, in-tơ-nét nhằm mục đích quảng cáo, trưng bày tuyên truyền, mua bán mẫu vật động vật hoang dã đã bị cấm theo quy định của pháp luật. Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý động vật hoang dã. Tiếp tục tuyên truyền về không sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật.

4. Tổ chức giải báo chí viết về động, thực vật hoang dã, như các giải viết về biến đổi khí hậu. Thời gian có thể hai năm một lần. 

5. Phát động phong trào phóng viên nói không với việc sử dụng các sản phẩm được chế biến từ động, thực vật hoang dã bất hợp pháp, như phong trào "Đã uống rượu bia không lái xe”… 

Trên đây là năm kiến nghị của tôi. Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn ban tổ chức đã cho tôi cơ hội được phát biểu ý kiến của mình tại cuộc hội thảo có ý nghĩa thiết thực này!


ThS. Hà Hồng
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị


Tags bảo vệ động vật hoang dã thực vật hoang dã biến đổi khí hậu khai thác quá mức ô nhiễm môi trường IPBES

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục